Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa,
Coi trọng đội ngũ trí thức là “nguyên khí quốc gia” cũng chính là truyền thống của dân tộc, trải qua hàng ngàn năm giữ nước. Về phần mình, giới trí thức cho rằng, việc được coi trọng không có nghĩa chỉ là đãi ngộ về vật chất mà, quan trọng hơn, là môi trường thuận lợi để phát huy trí tuệ, tư duy, năng lực của mình.
Chắc chắn qua tổng kết 15 năm, Đảng đã thấy rõ những mặt đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thực, lực lượng sản xuất quan trọng để tiến hành hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa sau khi chỉ ra những mặt yếu kém, hạn chế trong việc tạo môi trường để phát huy tiềm năng và trí tuệ của đội ngũ này.
“Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng”
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia”.
Nhận thức là một quá trình và trong suốt quá trình phát triển của loài người, nhận thức (đúng) về một vấn đề không chỉ một lần là xong, là chân lý. Có những bối cảnh, có nhận thức đúng, nhận thức tiệm cận đến chân lý; nhưng sang bối cảnh khác, nhận thức, hiểu biết đó làn trở nên một chiều, khiếm khuyết.
Vấn đề là cần tôn trọng tất cả những ý kiến đóng góp, không quy chụp, không thành kiến. Trong sự phát triển của loài người, tranh luận để tìm ra đúng sai có từ thời cổ đại; tôn trọng ý kiến khác biệt đã có từ rất sớm. Chân lý chỉ được tìm thấy qua qua những cuộc tranh luận, đúc kết thực tiễn.
Để có được những hiểu biết phù hợp với thực tế khách quan, tìm ra qui luật, các nhà khoa học phải dựa vào công cụ nghiên cứu, phải đi qua vô vàn cái đúng, cái sai. “Không có cái sai, làm sao có cái đúng”. Vấn đề là ở chỗ, khi gặp phải cái sai, người ta biết đúc rút kinh nghiệm, tránh ra không vấp lại. Cái sai đó được gọi là sai-đúng, còn cái sai-sai là sự tái diễn, sự lập lại cái sai đã vấp phải. Và trong nghiên cứu khoa học không chấp nhận cái sai này.
Nhận thức những qui luật xã hội lại khó khăn hơn. Bởi nhiều khi nó được bao phủ bởi nhiều yếu tố ngẫu nhiên, bên ngoài, phản ánh không đúng bản chất. Cùng một sự kiện nhưng ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm lại rất khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau. Chính vì vậy không thể nhận thức ngay mà phải thông qua phản biện, tranh luận để tìm ra chân lý. Sự tranh luận phản biện có khi được đánh dấu bằng cả một thập kỷ, một thế kỷ, có khi còn phải trả giá bằng cả xương máu.
Lấy ví dụ lĩnh vực triết học. Lịch sử triết học là sự đấu tranh không khoan nhượng của hai trường phái Duy vật và Duy tâm. Chính sự đấu tranh này đã đẩy tư duy triết học của nhân loại phát triển. Họ đều biết tựa vào nhau, cái này làm tiền đề cho cái kia phát triển. Nếu không có Duy vật siêu hình của Phoi-ơ-bắc, hay duy tâm biện chứng của Hê-ghen thì chắc gì đã có Duy vật biện chứng của Mác.
Trong lịch sử, nhiều nhà khoa học chân chính chỉ tôn trọng “đấng tối cao” duy nhất là qui luật khách quan, và không khuất phục cường quyền. Chúng ta đều biết câu nói nổi tiếng của Galilê “Nhưng dù sao trái đất vẫn quay”. Ông không nói theo giáo lý, theo ý nguyện của nhà thờ cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Như vậy, tôn trọng sự khác biệt có vai trò to lớn như thế nào để thúc đẩy sự phát triển. Chỉ có tôn trọng, không thành kiến thì mới phát huy được trí tuệ và tránh được chủ nghĩa minh họa vốn đang thịnh hành. Tôn trọng ý kiến khác biệt sẽ phát huy được trí tuệ, sẽ kích thích sự nghiên cứu, làm cho cái đúng, quy luật bộc lộ nhanh hơn.
Tôn trọng là tạo môi trường
Tạo điều kiện để trí thức đóng góp cho đất nước là niềm trăn trở của Đảng. Trí thức sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, sẵn sàng nhận về mình những thiệt thòi nhưng họ cần môi trường dân chủ, bình đẳng để làm việc, cống hiến.
Những nhà khoa học hàng đầu của ta từ thời kháng chiến chống Pháp là những thí dụ sinh động. Khi đất nước khó khăn, cùng kiệt, họ không kêu ca mà sẵn sàng chia sẻ và đã cống hiến hết sức mình cho tổ quốc vì họ được tôn trọng, được tạo môi trường làm việc để cống hiến.
Một đặc điểm vô cùng quan trọng của giới trí thức là họ luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng quy luật. Tri thức chính là tìm và phát hiện quy luật, tìm ra chân lý, nếu không, tri thức chỉ là minh họa, ăn theo nói leo.
Nhà nước cần tạo môi trường để họ được nói thật, được áp dụng quy luật ấy vào thực tiễn bởi chỉ có thông qua thực tiễn mới là nơi đánh giá, kiểm định và đồng thời cũng là nơi những quy luật được bộc lộ. Khoán 10 thật sự là bài học thực tiễn lớn của Đảng trong quá trình nhận thức, quá trình tìm ra chân lý của quy luật.
Chúng ta cần chấp nhận những ý kiến trái chiều, đa chiều vì sự phản biện không đồng nghĩa với sự chống đối, chống phá. Ai thực tâm, ai có lòng với đất nước với nhân dân sẽ được chứng minh và ngược lại ai không thực tâm cũng sẽ lộ bản chất bởi “bàn tay không thể nào che được mặt trời”.
Môi trường dân chủ chính là nơi để các nhà khoa học xã hội được trao đổi bình đẳng, được trình bày quan điểm của mình mà không sợ phạm húy, không phải nhìn lên, nhìn xuống. Một môi trường như vậy đòi hỏi các nhà nghiên cứu trung thực, thực tâm muốn tìm ra quy luật phát triển, con đường đi lên cho dân cho nước.
Tất nhiên đi kèm với tạo môi trường và tôn trọng ý kiến khác biệt là cả một chính sách dài hơi để các nhà khoa học có điều kiện an tâm nghiên cứu và cống hiến. Tuy nhiên, kèm theo đó là cả những yêu cầu. Những người thật sự có tài, có đóng góp chắc chắn sẽ được trọng dụng và, ngược lại, nếu ai chỉ lợi dụng để thực hiện mưu đồ cá nhân thì sẽ bị sa thải. Đó cũng là đòi hỏi từ thực tế từ nhân dân.
Và các nhà khoa học chờ mong khi Đảng tổng kết 15 năm xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ có những đột phá mới trong chính sách để họ phát huy được trí tuệ, tiềm năng của mình đóng góp cho đất nước.
Nguyễn Đăng Tấn