Nhiều năm nghiên cứu về con đường phát triển của các quốc gia, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận thấy, mô hình nhà nước điều chỉnh kiểu Anh-Mỹ, hay mô hình phúc lợi xã hội ở Bắc Âu, dù rất thành công ở một số nước, nhưng cũng khiến không ít quốc gia đi theo bị mắc kẹt, không thể vươn lên trở thành quốc gia phát triển.
Ông cho rằng, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đã thành công ở Đông Bắc Á, cũng đã được một nước Đông Nam Á là Singapore áp dụng thành công, có thể sẽ là mô hình phù hợp để Việt Nam lựa chọn.
‘Có vẻ như, mô hình thể chế để phát triển của từng nước, phụ thuộc không chỉ vào ý chí của lãnh đạo, mà còn phụ thuộc rất lớn vào truyền thống, văn hoá. Văn hoá chính trị, văn hoá quản trị, văn hoá tương tác giữa người dân và chính quyền, và các chuẩn mực, những gì người Việt coi trọng, những gì ta sẵn sàng hy sinh, tất cả đều là nền tảng quan trọng để lựa chọn mô hình thể chế’ – ông Dũng chia sẻ.
Những kinh nghiệm nào Việt Nam có thể tham khảo từ Singapore - nước phát triển duy nhất ở Đông Nam Á, và có khoảng cách rất xa về kinh tế với những quốc gia còn lại?
Nếu nói tham khảo kinh nghiệm của Singapore, thì trước hết, bài học trong việc lựa chọn mô hình thể chế để phát triển kinh tế phù hợp với văn hoá, truyền thống và điều kiện lịch sử là rất đáng tham khảo.
Vì có vẻ như, mô hình thể chế để phát triển của từng nước, phụ thuộc không chỉ vào ý chí của lãnh đạo, mà còn phụ thuộc rất lớn vào truyền thống, văn hoá. Văn hoá chính trị, văn hoá quản trị, văn hoá tương tác giữa người dân và chính quyền, và các chuẩn mực, những gì người Việt coi trọng, những gì ta sẵn sàng hy sinh, tất cả đều là nền tảng quan trọng để lựa chọn mô hình thể chế.
Để phát triển, có nhiều mô hình đã thành công trên thế giới. Với mô hình nhà nước điều chỉnh, coi trọng thị trường theo kiểu phương Tây, nhiều nước theo mô hình đó, nhưng có nước thành công, có nước lại không. Mô hình này rất thành công ở Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand… nhưng tại sao chỉ có những nước này thành công, mà nhiều nước ở thế giới thứ ba theo mô hình này không thể vươn lên thế giới thứ nhất? Mô hình kiểu Anh – Mỹ tốt, nhưng có lẽ nó chỉ tốt với Anh, Mỹ…
Hay mô hình nhà nước phúc lợi xã hội thành công ở các nước Bắc Âu: Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan… nhưng cũng không thành công rộng hơn được nữa. Các nước Nam Âu đã không thành công khi đi theo mô hình này, vì văn hoá ‘biết đủ’ của người Bắc Âu là nền tảng để mô hình này thành công.
Trở lại với kinh nghiệm của Singapore, họ đã lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Mô hình này là mô hình nhà nước dẫn dắt phát triển kinh tế, chứ không phải mô hình tạo ra thị trường tự do như mô hình của các nước phương Tây. Singapore đã thành công với mô hình này, và thực tế là họ đã vươn lên thế giới thứ nhất. Mô hình này, theo tôi, có vẻ là phù hợp với văn hoá Singapore.
Vậy văn hoá của Singapore và Việt Nam có gì tương đồng?
Quả thực, Việt Nam và Singapore đều nằm ở Đông Nam Á, nhưng nền tảng văn hoá lại gần với Đông Bắc Á. Các nền kinh tế có nền tảng văn hoá Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore, Việt Nam. Trong số 7 nền kinh tế này, có đến 5 nền kinh tế đã đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, và đã thành công.
Việt Nam, quả thực cũng đã có những bước cải cách khá mạnh theo mô hình này, dù không hình thành khuôn khổ lý thuyết, chúng ta phát triển thị trường nhưng vai trò quản lý của Nhà nước rất được coi trọng.
Điều thứ hai góp phần phát triển Singapore, mà ta cần lưu ý, là đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa. Đội ngũ này, có lẽ chính là nền tảng rất quan trọng để nhà nước có thể định hướng và dẫn dắt phát triển. Các nước có văn hoá Đông Bắc Á thường có đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa, vì có truyền thống khoa bảng. Ở đây, ta cần tham khảo kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá đội ngũ của Singapore, để làm sao Việt Nam nhanh chóng có đội ngũ công chức chuyên nghiệp như vậy.
Nền kinh tế nào cũng vậy, đặc biệt là khi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, thì muốn quốc gia hùng mạnh, phải có bộ máy hùng mạnh. Lịch sử thế giới đã chứng minh điều này. Cuốn Trật tự chính trị và Suy tàn chính trị của Francis Fukuyama đã ví dụ rất rõ, trong suốt lịch sử phát triển của loài người, quốc gia nào hùng mạnh thì bộ máy của họ phải chuyên nghiệp và tài giỏi. Singapore hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì đều có bộ máy hành chính công vụ rất chuyên nghiệp, người tài được tuyển chọn thông qua khoa bảng, chứ không phải theo thân hữu hay dòng tộc.
Bên cạnh việc lựa chọn mô hình thể chế, còn những điều gì ta có thể tham khảo từ Singapore?
Singapore cũng là một quốc gia có nền giáo dục chuẩn mực thế giới, coi trọng giáo dục và đầu tư cho giáo dục rất lớn. Họ coi giáo dục là nền tảng cho sự phát triển, không chỉ về kinh tế mà là về mọi mặt. Giáo dục cũng chính là nền tảng để chọn người tài cho hệ thống công vụ.
Kế đó, phải nhắc đến điểm rất đặc biệt của họ, là gần như toàn bộ sự giàu có của Singapore nằm ngoài Singapore. Những năm vừa rồi, nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là ai? Là Singapore! Thấy và tận dụng được cơ hội ở nước ngoài, là điều rất đáng tham khảo.
Singapore lại là xứ sở làm ăn rất dễ dàng. Có rất nhiều startup Việt đã mở công ty ở đó. Tại sao? Vì bên ấy thủ tục nhanh chóng, chi phí không đáng kể, mọi thứ minh bạch. Điểm này lại giống với mô hình nhà nước điều chỉnh- nhà nước coi trọng việc tạo môi trường thuận lợi. Một mặt đầu tư ra bên ngoài, mặt khác thu hút người nước ngoài vào Singapore làm ăn, ở phân khúc có giá trị cao, đòi hỏi nhiều trí tuệ, công nghệ. Đó cũng là lý do khiến một đất nước nhỏ, nhưng khả năng thu hút nhân tài rất lớn.
Có ý kiến cho rằng, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển chỉ thành công với Hàn Quốc, Nhật Bản… vì trước đây, họ có nhiều thuận lợi để triển khai mô hình này, còn Việt Nam sẽ rất khó để triển khai, khi chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới?
Với một nền kinh tế mở và nhiều hiệp định thương mại tự do như hiện nay, đúng là thúc đẩy mô hình nhà nước kiến tạo phát triển khó hơn trước đây.
Trung Quốc là một quốc gia đã thành công mặc dù chỉ mới đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển gần đây. Nhà nước Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch... Thật ra, các nước cũng phàn nàn về việc Trung Quốc bảo hộ doanh nghiệp trong nước, nhưng vẫn không làm gì nhiều hơn thế, vì họ vẫn cần thị trường và hàng hóa của Trung Quốc. Việt Nam, tất nhiên khó có được vị thế như vậy, nhưng không phải là không thể thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa theo định hướng của mình.
Thứ nhất, phải biết, tất cả những thành tựu vượt bậc, tạo ra đột phá, đều có nhà nước đứng sau cả. Đừng ngây thơ với những điều phương Tây nói như “nhà nước nhỏ, xã hội lớn”, hay “nhà nước quản lý tốt nhất là nhà nước quản lý ít nhất”. Trong cuốn sách “Nhà nước khởi tạo” của mình, Gs. Mariana Mazzucato đã chứng minh rất thuyết phục rằng thực chất, những phát kiến đột phá cho phát triển kinh tế của phương Tây đều có sự tham gia của nhà nước. Bà đã chỉ ra rằng, mọi thành tựu công nghệ tạo ra iPhone đều là kết quả đầu tư của Chính phủ Mỹ từ Internet, GPS, đến màn hình cảm ứng, hay trợ lý ảo…
Thứ hai, có nhiều cách để hỗ trợ các nghiên cứu tạo ra đột phá. Ví dụ như đầu tư cho quốc phòng an ninh, rồi khi có kết quả thì chuyển giao cho dân sự, vì không có hiệp định nào có thể hạn chế việc đầu tư cho an ninh, quốc phòng. Các nước đang làm theo cách này nhiều.
Thứ ba, đội ngũ hành chính công vụ giỏi, sẽ vẫn có cách để tạo ra lợi thế cho sự phát triển của đất nước. Vẫn có cách, nhưng quan trọng vẫn là phải giỏi (cười), thì trước sau vẫn trở lại việc phải có bộ máy hành chính công vụ giỏi.
Ông cũng từng nói đến những yếu tố Việt Nam còn thiếu để hoá rồng, bên cạnh đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa như vừa trình bày ở trên, thì còn chưa có nhiều những phát minh đột phá. Ta tham khảo được gì ở Singapore cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo?
Với Singapore, nhiều ý tưởng đột phá là từ nước ngoài đến, vì ở đó làm ăn rất dễ. Thứ hai, vì nhà nước Singapore là nhà nước kiến tạo phát triển, nên đội ngũ công chức tinh hoa của họ biết nên đầu tư vào cái gì để tạo đột phá.
Còn với Việt Nam, rõ ràng, Việt Nam có những điểm rất mạnh, mà Singapore chưa chắc có. Một trong số đó là người Việt tài giỏi đang ở khắp thế giới. Chiến tranh, loạn lạc đã khiến người Việt ly tán ở khắp nơi trên thế giới.Trong phúc có họa, trong hoạ có phúc, sự ly tán này đã mở rộng ra mênh mông không gian tồn tại của dân tộc Việt.
Theo nhiều nguồn số liệu, có khoảng trên 5 triệu người Việt sinh sống 130 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Để so sánh, dân số Singapore cũng chỉ trên 5 triệu người. Những người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài mỗi năm gửi về nhiều tỷ đô kiều hối (năm 2022 kiều hối về Việt Nam là 19 tỷ đô la Mỹ - PV). Nhưng ta chỉ đo được tiền, mà không đo được ý tưởng. Nhiều người Việt làm ở những công ty rất lớn, có công ty đứng đầu về công nghệ thế giới, cần tạo điều kiện để những ý tưởng cũng được gửi về nhiều như kiều hối.
Mặt khác, cũng cần tạo điều kiện cho startup Việt. Khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khó hơn, nên nhiều anh em lại sang Singapore mở công ty (cười). Vì thế, cần tạo điều kiện.
Có lẽ trong lĩnh vực startup nên có cơ chế thí điểm, như cơ chế sandbox mà TP. HCM đang đề xuất. Nghĩa là trong khuôn khổ sandbox thì thành phố được thí điểm, nếu thí điểm thành công thì nhân rộng trên cả nước, không thành công thì cũng không ảnh hưởng trên diện rộng. Nếu đã thí điểm thì sẽ không có thanh kiểm tra, thanh tra, điều tra theo khuôn khổ pháp luật hiện hành. Nhiều thứ một startup hướng tới là quá mới, nếu không cho thí điểm, mà phải tuân thủ luật này luật kia, thì gần như không làm gì được.
Một trong những đặc điểm của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước xây dựng chương trình công nghiệp hoá và can thiệp mạnh mẽ để hiện thực hoá. Thực tế từ các nước cũng cho thấy, phải có những tập đoàn lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp để có thể thành công với mô hình này. Ông từng đề cập đến việc ông Phạm Nhật Vượng sản xuất ô tô có thể là một hướng đi đúng. Ta có thể kỳ vọng vào những doanh nghiệp như thế được hay không?
Thực ra, nếu muốn VinFast thành công, có lẽ phải có sự hỗ trợ của nhà nước. So với những ‘gã khổng lồ’ đã tồn tại hàng trăm năm nay, thậm chí là khấu hao hết rồi, thì một công ty mà công nghệ lõi cũng phải đầu tư, tốn cả một núi tiền, thì cạnh tranh như thế nào?
Một cách dễ hiểu là như thế này: bắt một đứa trẻ sơ sinh cạnh tranh với một người đàn ông lực lưỡng, thì đó không phải là công bằng, mà là một sự bất công. Hay làm sao một võ sĩ hạng nhẹ có thể cạnh tranh công bằng với một võ sĩ hạng nặng được?
Thành thử, bây giờ muốn đưa VinFast ra thế giới cạnh tranh, mà Nhà nước không tạo điều kiện, không hỗ trợ thì rõ ràng điều đó là sẽ rất khó khăn. Mà nếu không có những công ty công nghiệp lớn, bao giờ nền kinh tế mới “hóa rồng, hóa hổ” được?
Doanh thu một công ty ô tô của Nhật như Toyota có thời điểm ngang ngửa GDP Việt Nam, lên đến hàng trăm tỷ đô la. Không có những hãng như vậy, mà muốn vươn lên thành nước có thu nhập cao thì làm sao vươn được?
Cái khó là hỗ trợ VinFast mà không dựa trên khuôn khổ thể chế của nhà nước kiến tạo phát triển, sẽ rất dễ bị cho thiên vị hoặc thân hữu. Rõ ràng xác định việc lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là rất quan trọng ở đây. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Đó là một nửa vấn đề.
Và một nửa còn lại, là sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp, nếu nhiều người Việt có thể ủng hộ và chia sẻ sự thành công của họ. Không khéo, chúng ta dễ dàng chia ngọt, sẻ bùi trong chiến tranh, gian khó, nhưng khó khăn chia sẻ sự thành công vượt bậc của đồng hương. Cứ nghĩ mà xem, nếu không có các tập đoàn hùng mạnh, Việt Nam nhìn vào đâu để “hoá rồng”?
Nếu so với các nước đang phát triển khác, ông đánh giá cơ hội để Việt Nam trở thành nước phát triển thế nào?
Việt Nam có lợi thế lớn. Nếu mô hình thể chế lựa chọn đúng, rõ ràng, thì ta có thể phát triển nhanh. Trong số các nước đang kỳ vọng hoá rồng, vươn lên thế giới thứ nhất, thì Việt Nam là một trong những nước có cơ hội rất lớn.
Thế kỷ 20, Nhật Bản đã vươn lên, Singapore, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, các nước Âu Mỹ đã vươn lên từ trước, còn từ đó đến nay đã có thêm nước nào chưa? Chưa, không dễ đâu. Malaysia, hay nhiều nước khác cũng có thể đã phát triển lên, nhưng để vươn lên được thế giới thứ nhất, như Singapore, hay Hàn Quốc đã làm thì chưa có.
Quốc gia có văn hoá, nguồn lực, con người… để vươn như vậy, có vẻ là Việt Nam. Tất nhiên, đây hoàn toàn không phải là chuyện sống lâu sẽ lên lão làng (cười), nhưng Việt Nam có cơ hội rất lớn.
Cảm ơn ông!
Theo Cafe F