Theo hãng tin RT, hôm 29/5, ông Lavrov cho rằng Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có từ thời Chiến tranh Lạnh để rảnh tay “triển khai ở những không gian mới”. Hiệp ước INF được ký kết vào năm 1987 cấm Nga và Mỹ sở hữu nhiều loại tên lửa hạt nhân và thông thường có tầm bắn từ 500 - 5.500km.
Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước vào năm 2019 với cáo buộc Nga không tuân thủ thỏa thuận dù Điện Kremlin đã lên tiếng phủ nhận. Sau khi Washington rút khỏi hiệp ước, Moscow cũng có hành động tương tự. Song Nga cho biết không có kế hoạch triển khai các tên lửa từng bị cấm theo hiệp ước INF trên lãnh thổ giáp ranh với các quốc gia phương Tây.
Còn theo ông Lavrov, Mỹ đã triển khai tên lửa ở Philippines, và nói thêm ông không chắc liệu "các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương có nhận được yêu cầu tương tự hay không".
Hồi tháng 4, Mỹ và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên biển. Trong cuộc tập trận, Washington đã triển khai tới khu vực hệ thống tên lửa tầm trung có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 1.600km. Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ “kích động đối đầu quân sự”, và Nga cũng có tuyên bố tương tự.
Cũng trong tháng 4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay Moscow có thể thay đổi quyết định không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn nhằm đáp trả việc Mỹ triển khai loại vũ khí này ở bất kỳ đâu trên thế giới. Sau đó, ông nói thêm Nga đang vạch ra các kế hoạch triển khai tên lửa "phủ đầu" để đối phó với mối đe dọa có thể xảy ra liên quan đến động thái của Mỹ. Ông cũng cho biết, Moscow đang đặc biệt theo dõi chặt chẽ diễn biến tại khu vực châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương.
Hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo châu Á – Thái Bình Dương “không có chỗ cho các liên minh chính trị và quân sự khép kín". Theo ông, cả Trung Quốc và Nga đều xem việc thành lập các khối như này là “có hại và phản tác dụng” đối với cấu trúc an ninh của khu vực.