Hãng tin RT dẫn lời ông Novak cho hay, Nga sẽ không bán dầu với mức giá trần 60 USD/thùng như Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất. Quan chức này nói thêm, Moscow đang xem xét các cơ chế để tránh giới hạn giá.
Tuần trước, EU đã đồng ý áp giá trần với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. Các quốc gia G7 và Australia cũng đưa tuyên bố tương tự rằng họ cũng từ chối mua dầu thô của Nga trên mức giá trần.
Nga nhiều lần khẳng định không cung cấp dầu thô cho những nước áp giới hạn giá. "Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu thô và các sản phẩm dầu cho những quốc gia làm việc với chúng tôi theo điều kiện thị trường, ngay cả khi Nga phải giảm sản lượng", ông Novak tuyên bố trên kênh Rossiya-24.
Phó Thủ tướng Nga dự báo, giá trần sẽ gây mất ổn định cho thị trường toàn cầu và lập luận rằng nó mâu thuẫn với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Mặc dù việc cắt giảm sản lượng sẽ làm giảm doanh thu từ dầu của Nga, nhưng tác động trong ngắn hạn chỉ là hạn chế, do dầu của Nga hiện được giao dịch ở mức 64 USD/thùng, cao hơn 4 USD so với mức giá trần.
Một số người chỉ trích quyết định của EU và G7, cho rằng việc Nga không cung cấp dầu cho những nước tham gia áp giá trần sẽ khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ hồi tháng trước nói: "Đó là ý tưởng khôi hài nhất tôi từng nghe. Thị trường sẽ ấn định giá. Vì thế, nếu bạn áp trừng phạt với mức giá cao hơn, thì bạn chỉ làm cho tình hình xấu thêm".