Động thái mới
Trong 2 phiên giao dịch ngày 7-8/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau một thời gian dài đã trở lại áp dụng hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn 91 ngày.
Cụ thể, ngày 8/12, NHNN bơm ra thị trường qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) 2.999,99 tỷ đồng cho 7 trong tổng số 15 ngân hàng tham gia đấu thầu qua hợp đồng kỳ hạn 91 ngày với lãi suất 6,8%. Bên cạnh đó, NHNN cũng bơm 526,43 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày cho 2 ngân hàng với lãi suất 6%.
Trước đó, hôm 7/12, khoản 2.999,99 tỷ đồng cũng đã được bơm cho 4 thành viên, với kỳ hạn 91 ngày và lãi suất 6,33% cùng với 4.028,85 tỷ đồng có kỳ hạn 14 ngày, vẫn có lãi suất 6%/năm.
Đây là lần đầu tiên trong rất nhiều tháng qua, NHNN mới bơm tiền với kỳ hạn lên tới hơn 3 tháng.
Trước đó, trong tháng 8-9-10, NHNN bơm ra qua thị trường mở các khoản với kỳ hạn chỉ 7 ngày. Từ phiên cuối tháng 10 cho tới ngày 6/12, NHNN bơm tiền qua các hợp đồng đều có kỳ hạn 14 ngày.
Như vậy, NHNN có xu hướng bơm vào hệ thống ngân hàng qua các hợp đồng kỳ hạn dài hơn nhằm hỗ trợ thanh khoản ổn định cho thị trường.
Kể từ 21/11-8/12, NHNN bơm ra thị trường qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) trong cả 14 phiên, với tổng giá trị hơn 106.066 tỷ đồng, trong khi đó không hút về bất cứ đồng tiền tiền nào. Số lượng hợp đồng repo trước đó đáo hạn trong khoảng thời gian 21/11-8/12 đạt gần 95.000 tỷ đồng.
Như vậy, qua kênh OMO, NHNN đã bơm ròng hơn 11.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
NHNN bơm mạnh tiền trong bối cảnh suất huy động của các ngân hàng tăng mạnh, lên ngưỡng 7-10%/năm trong thời gian gần đây.
Hôm 5/12, NHNN nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tương đương mức tăng thêm 240.000 tỷ đồng cho nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm.
Theo NHNN, hiện tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 12,2%, thấp hơn chỉ tiêu mới 3,8%. Và theo tính toán của Chứng khoán SSI, tổng hạn mức tín dụng cho phần còn lại của tháng 12 là khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.
Hệ thống ngân hàng gặp khó khi tăng trưởng huy động thấp, tới tháng 10 mới đạt 4,8%, so với mức tăng trưởng tín dụng 11,5%.
Hôm 30/11, NHNN cũng bổ sung một số loại giấy tờ có giá được lưu ký tại NHNN, qua đó giúp các ngân hàng có thể mở rộng giao dịch vay cầm cố tại NHNN.
Tỷ giá giảm mạnh, lãi suất liên ngân hàng ổn định
NHNN đẩy mạnh bơm tiền trong bối cảnh tỷ giá USD/VND ổn định trở lại, giảm nhanh gần đây. Hôm 7/12, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 9/2022, giá bán USD tại Vietcombank xuống dưới ngưỡng 24.000 đồng/USD.
Từ đỉnh cao 24.888 đồng/USD hôm 25/10, đồng USD tại Vietcombank đã giảm 968 đồng (tương đương giảm 3,9%) xuống 23.920 đồng/USD vào chiều 8/12.
Trên thị trường tự do, USD giảm mạnh từ mức đỉnh 25.500 đồng/USD (giá bán) hôm 1/11 xuống còn 24.300 đồng/USD hôm 8/12, tương đương giảm 1.200 đồng (-4,7%).
Tỷ giá trung tâm cũng giảm mạnh thời gian gần đây.
Đồng bạc xanh có xu hướng giảm khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Chỉ số DXY gần đây giảm mạnh, có lúc xuống dưới 105 điểm, giảm 8,7% so với đỉnh cao 115 điểm hồi cuối tháng 9.
Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng gần đây khá ổn định, ở mức 5,3-5,8%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6-9 tháng tăng nhẹ lên mức 8,5%-10,6%/năm.
Trước đó, NHNN hôm 25/10 tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm, nâng lãi suất tái chiết khấu được tăng từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được nâng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm.