'CHẠY ĐUA' TRƯỚC CHIỀU CUỐI NĂM

Ngày cuối năm, anh Tuấn (49 tuổi trú tại Cát Bà, Hải Phòng) vẫn đang trên giường bệnh thực hiện ca chạy thận tại Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai. 

Ngoài những buổi chạy thận, người đàn ông này làm xe ôm kiếm thêm đồng ra đồng vào. “Khách là người trong viện hoặc xung quanh. Tuy nhiên, công việc không đủ chi phí trang trải cuộc sống, tôi sống một phần nhờ vào bạn bè, cộng đồng giúp đỡ”, anh nói.

Đang ở trọ gần Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm anh về quê 2-3 lần để thăm vợ và con trai. Năm 2017, vợ anh bị tai nạn lao động, sức khỏe của chị yếu hẳn, không làm được việc nặng. Cuộc sống gia đình vì vậy ngày càng khó khăn hơn.

Bệnh nhân chạy thận tại Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Trang

Những thời điểm sức khỏe yếu, không tự phục vụ được bản thân, anh mới nhờ vợ lên Hà Nội chăm sóc. “Tôi vẫn cố tự vận động, lo cho bản thân do gia đình khó khăn và sự sống, bạn biết đấy, vẫn cứ phải tiếp diễn…”, anh nói.

Hai năm trước do Covid-19, anh không thể về quê sum họp với gia đình vào dịp Tết. Năm nay, chiều 30 anh Tuấn sẽ về quê và sáng mùng 2 vào trung tâm sớm để tiếp tục chạy thận. 

Anh cũng nhớ những năm phải ở lại Hà Nội. “Tết ai cũng hướng về gia đình nhưng vì hoàn cảnh mình phải chấp nhận. May mắn, tôi ở xóm trọ của cộng đồng chạy thận, có những người cùng cảnh ngộ, được an ủi phần nào về tinh thần hơn”, anh tâm sự.

Mới 10 tuổi nhưng Đào Yến Nhi đã có 8 năm phải chạy thận. Cô bé cũng là một trong những bệnh nhân còn ở lại tại trung tâm vào những ngày cận Tết. Quê ở Hải Hậu, Nam Đinh, Nhi và mẹ - chị Nguyễn Thị Uyên - phải thuê nhà trọ tại Hà Nội để tiện cho lịch trình chạy thận 3 lần mỗi tuần.

Tết năm nay, nếu sức khỏe của Nhi tốt, hai mẹ con mới về. Nếu không, họ sẽ ở lại đây đón Tết. 

“Ngày Tết, việc đi lại khó khăn nên tôi cũng lo. Trong khi đó, nếu hai mẹ con ở lại trung tâm khi có vấn đề gì, các bác sĩ có thể xử lý kịp thời. Do điều trị bệnh, bé không thể đi học như bao bạn bè khác”, chị Uyên không giấu được nỗi buồn trong giọng nói.

Dáng người gầy gò, chỉ nặng vỏn vẹn 30kg, chị Ly (30 tuổi, quê Nghệ An) người gầy gò, đã có hơn 10 năm chạy thận tại trung tâm. Sau 2 năm không được về quê ăn Tết do dịch Covid-19, năm nay, chị quyết định đón xe khách về Nghệ An sau đợt chạy thận cuối cùng. 

Chị Ly đang làm thêm tại một xưởng đồ thủ công. Thu nhập khoảng hơn một triệu đồng/tháng giúp chị có thêm chi phí sinh hoạt tại Hà Nội. Tiền thuốc điều trị, chị đành nhờ bố mẹ hỗ trợ. Tết này chị được thưởng thêm tháng lương thứ 13, số tiền ít ỏi nhưng cũng có thêm thu nhập để sắm Tết. 

 Nhiều bệnh nhân gắn bó với Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu từ 10 năm, 15 năm, người lâu năm nhất là 29 năm. 

CÂU HỎI CHẠNH LÒNG CỦA CON GÁI

Đối với điều dưỡng Vũ Thị Hảo (41 tuổi)  tại Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, ca trực cuối cùng năm nay của chị là đêm 29 Tết. Mùng 2 Tết, chị sẽ quay trở lại công việc từ sáng sớm.

Những năm gần đây, lãnh đạo trung tâm mới có thể sắp xếp cho các nhân viên y tế được ngày nghỉ vào mùng 1. Trước kia, nếu ngày đầu năm không rơi vào chủ nhật, họ vẫn đi làm bình thường. 

“Tôi có 18 năm công tác ở trung tâm. Hai năm đầu, gia đình còn hỏi lịch nghỉ Tết nhưng từ năm thứ 3 mọi người đã quen với việc mình chỉ được nghỉ ngày mùng 1 Tết nên không ai hỏi nữa. Đôi khi nghe con gái hỏi 'mẹ lại không được nghỉ Tết à? Mẹ lại không đưa con đi chơi Tết à?', tôi không tránh được sự chạnh lòng. Nhưng mình nghỉ, bệnh nhân cũng phải nghỉ, mà bệnh nhân không thể vắng buổi chạy thận”, chị chia sẻ.

Công việc bận rộn liên tục nên chị Hảo cũng như nhiều nhân viên y tế đang làm việc tại trung tâm phải tranh thủ sắm Tết từ sớm. Họ cũng dành thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi này để ở nhà bên người thân, gia đình.

TS.BS Nguyễn Hữu Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin thêm người bệnh chạy thận nhân tạo phải tuân thủ lịch đều đặn. Một tuần, họ vào trung tâm 3 lần để chạy thận.

TS.BS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ về việc sắp xếp lịch chạy thận để bệnh nhân được về quê từ chiều 30 Tết. Ảnh: Ngọc Trang

Năm nay, ngày mùng 1 Tết vào đúng chủ nhật, do đó, các bác sĩ không phải đẩy ca hay chạy thận bổ sung như các năm trước. Để người bệnh được về quê ăn Tết sớm, trung tâm linh động sắp xếp lịch chạy thận. Vì vậy, ngày 29 Tết, nhân viên y tế sẽ làm việc 3 ca từ 6h30 đến 20h. Ngày 30 Tết, ca chạy thận bắt đầu từ 9h và đến 12h30 sẽ kết thúc công việc, sớm hơn bình thường.

Như vậy, người bệnh có thể về quê đón Tết cùng gia đình mà không bị bỏ ca chạy thận nào. Vào ngày mùng 2 Tết, lịch trình công việc quay trở lại như ngày bình thường.

Trong khoảng thời gian nghỉ, trung tâm vẫn bố trí ca trực cấp cứu những trường hợp bệnh nhân phù phổi cấp, lọc máu đột xuất… Theo bác sĩ Dũng, trước khi bệnh nhân về quê, các bác sĩ đều tư vấn chế độ ăn uống khoa học nhưng ngày Tết có thể họ uống thêm cốc nước, ăn nhiều hoa quả như chuối, dưa hấu… khiến kali trong máu tăng, buộc phải lọc máu khẩn cấp.

Hiện trung tâm đang lọc máu cho 350 bệnh nhân, khoảng 200 bệnh nhân ở các tỉnh xung quanh Hà Nội. “Nhiều bệnh nhân chạy thận tại trung tâm từ 10 năm, 15 năm, người lâu năm nhất là 29 năm. Vì vậy, các bệnh nhân, bác sĩ đều biết nhau, gắn bó với trung tâm như người nhà”, bác sĩ này cho biết thêm.