Có người chọn cách đưa con về quê ở với ông bà, có người lại giữ con ở lại thành phố và có những giải pháp “quyết liệt” giúp con vào khuôn khổ.
Cắt mạng wifi, không tivi, điện thoại
Chị Hoàng Thùy (Thanh Xuân, Hà Nội) rất bình tĩnh khi nghe tin con nghỉ hè 3 tháng. Không phải vì chị ở nhà bán hàng, có nhiều thời gian chăm con mà bởi chị luôn có những quy định khắt khe giúp con cái đi vào khuôn khổ.
Hiện 2 cậu con trai của chị đều học tiểu học, con trai lớn học lớp 2, con trai nhỏ học lớp 1. Chị cho hay, bạn lớn rất thích chơi trò chơi trí tuệ như logo, xếp hình, rubic... Cho nên chị mua khá nhiều kiểu đồ chơi như vậy, để con tha hồ mày mò.
Con trai thứ hai có vẻ nghịch hơn, cứ đến ngày nghỉ là mè nheo mẹ đòi xem tivi. “Tôi có quan điểm, hè là thời gian các con được nghỉ ngơi, vui chơi với bạn bè thỏa thích nhưng nhất định không được xem tivi, điện thoại.
Vì vậy, tôi cắt hết mạng wifi trong nhà. Không có mạng, không xem được tivi, chúng đành phải tìm tới các trò chơi khác và chơi với các bạn hàng xóm”, chị chia sẻ.
Khác với nhiều bà mẹ có thể cho con ngủ nướng đến 9 - 10h sáng, chị Thùy lại kiên quyết, gần 7h con phải dậy, đánh răng, rửa mặt và ăn sáng đúng quy củ. Chị cho rằng, rèn luyện thói quen cho con là hết sức quan trọng.
“Kỳ nghỉ hè tận 3 tháng, nếu cứ để trẻ ngủ nướng đến gần trưa, trưa lại không ngủ, hai bữa ăn dồn thành một thì mất hết nề nếp. Đến ngày đi học lại, con sẽ có tính lười biếng, chây ì và chậm chạp”, chị nói.
Ngoài ra, chị đưa các đơn hàng trong chung cư cho các con đi giao. Mỗi đơn hàng, chị đều trả một phần công nho nhỏ, có thể là đồ ăn, vài nghìn đồng bỏ lợn tiết kiệm để khuyến khích các con lao động.
“Cách làm này, tôi đã áp dụng 2 năm nay từ khi con trai lớn học lớp 1 và thấy khá hiệu quả. Nhờ vậy, kì nghỉ hè của các con với tôi cũng khá nhẹ nhàng, không mệt mỏi hay quá áp lực”, chị nói.
Chị Đào Thanh (Giảng Võ, Hà Nội) dù rất bận với công việc kinh doanh, nhưng cũng không lo ngại khi biết tin con được nghỉ hè 3 tháng. Từ trước đến giờ, chị chưa từng cho con đi học thêm, nhất là vào dịp hè.
Chị muốn con được tận hưởng trọn vẹn thời gian nghỉ, được thoát khỏi sách vở, được tự do làm điều mình thích, được thoải mái vận động.
“Tôi cho cháu về quê ngoại chơi. Ở quê có cánh đồng lúa lại gần biển, các con tha hồ vui vẻ, được tận hưởng tuổi thơ giống với tôi ngày xưa.
Tôi thấy các cháu ở thành phố bây giờ khá thiệt thòi, không có nhiều không gian nên có dịp là tôi cho về quê. Chúng được ra biển bắt cua, được phơi thóc, đi dọc cánh đồng thả diều… Nhìn bọn trẻ thích thú, tôi cũng vui lây”, chị chia sẻ.
Theo chị, cho các con về quê để chúng được trải nghiệm những điều mới mẻ, mà trước giờ ở thành phố không có hoặc phải mất tiền mới có được. Bản thân chị cũng có thời gian thảnh thơi buổi tối để tập yoga, cà phê với bạn bè.
Để con ở nhà một mình
Gửi con cho ông bà là điều ai cũng mong muốn, nhưng không phải ai cũng có ông bà ở quê để gửi. Hoặc con còn vướng lịch học thêm ngày hè, nên nhiều mẹ phải cho con lên công ty hoặc để con ở nhà tự túc sinh hoạt.
Chị Nguyễn An (Hoài Đức, Hà Nội) hay tin con nghỉ hè thì vô cùng lo lắng. Nhà chị An không có ai trông, ở quê cũng không còn ai. Để con ở nhà thì chị không yên tâm, đưa lên công ty cũng không được.
Vừa hay tin chị bạn thân có con nghỉ hè, cũng không có ai trông, chị An bèn nảy ra một ý định. Chị tính cho hai đứa trẻ, một đứa học lớp 4, một đứa học lớp 3 “về chung một nhà” để chúng có bạn chơi.
Bạn chị An đi làm cả ngày. Trước khi đi, chị chuẩn bị đồ ăn sáng, ăn trưa để sẵn. Con ở nhà tự túc ăn uống. Mỗi ngày bạn chị An phải gọi điện về liên tục để kiểm tra xem con ăn chưa, con ngủ trưa chưa. Ở nhà có camera nên có thể theo sát được hoạt động của con, kịp thời nhắc nhở.
Cả hai bà mẹ đồng ý phương án này vì cho rằng khi con có bạn chơi, chúng sẽ không còn phải xem tivi, điện thoại nữa. Và dù sao có hai đứa thì việc ăn uống, ngủ nghỉ cũng dễ đi vào kỷ luật hơn.
Vợ chồng chị Phạm Thanh Hà (Hà Đông) thì lại khác. Từ khi biết con nghỉ hè, hai vợ chồng phân nhau mỗi người đưa con lên công ty một ngày. Hôm thì chồng, hôm thì vợ. Ngày hôm đó là lịch của ai, người ấy phải chịu trách nhiệm dậy sớm, chuẩn bị đồ đạc, cho con đi ăn uống rồi đưa lên công ty cùng.
Thay vì cho con chơi điện thoại, máy tính ở công ty, chị in cho con rất nhiều tranh tô màu để con ngồi tô. Chị mang đồ chơi lên công ty để con thay đổi, đỡ nhàm chán.
Thế nhưng, phương án này mới chỉ thực hiện được vài ngày, chị đã thấy không hay. Bởi trẻ lên công ty không chỉ gây bất tiện cho đồng nghiệp, mà còn làm phiền tới chị. Con cứ hỏi liên tục, đòi ăn uống, chị không thể tập trung công việc.
Phía chồng chị cũng vậy. Cách hai ngày anh lại dắt theo con lên công ty, người này nhìn ngó, người kia ý kiến. Anh bắt đầu thấy ái ngại với đồng nghiệp và sếp.
Cuối cùng, chị Hà bàn với chồng, mỗi người bỏ ra 2 triệu gửi con ở nhà cô giáo trong chung cư. Cô nhận dạy kèm trông trẻ từ sáng đến tối. Sau khi thử đưa con lên văn phòng để tiết kiệm không thành công, cả hai chấp nhận mất tiền gửi con.