Với mục tiêu cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân gắn với các hoạt động giảm nghèo đa chiều, bền vững, các địa phương tại tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp triển khai, đẩy mạnh công tác truyền thông. Nhiều hình thức tổ chức truyền thông được vận dụng đa dạng, linh hoạt, bám sát thực tiễn và bồi dưỡng tập huấn kỹ năng thông tin cho đội ngũ cán bộ thông tin tuyên truyền.
Tại buổi tập huấn nâng cao năng lực và trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mới đây, bà Phạm Thị Thùy, công chức Văn hóa xã Xuân Hội, cho hay Xuân Hội là xã thuộc vùng bãi ngang ven biển cách xa trung tâm huyện nên công tác giảm nghèo về thông tin rất được địa phương quan tâm. Sau khi tập huấn, cán bộ văn hóa, trưởng thôn tuyên truyền miệng đến từng hộ dân, đồng thời lồng ghép trong các cuộc họp để phổ biến những thông tin thiết yếu, thiết thực giúp người nghèo có thêm nghị lực để vươn lên.
Giảm nghèo về thông tin cũng được xem là một "lối mở" giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững. Từ thực tiễn này, huyện đã phối hợp với Sở TT&TT tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho 100% cán bộ, lực lượng làm công tác thông tin từ huyện đến cơ sở có đủ kiến thức, kỹ năng để thực hiện tốt công tác giảm nghèo về thông tin.
Chia sẻ về công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở, ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Xuân, thông tin huyện đã triển khai tập huấn cho hơn 400 cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Nội dung tập huấn tập trung vào các chủ trương, chính sách quy định mới về lĩnh vực giảm nghèo; các kỹ năng giúp nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, rà soát, giám sát các chương trình, dự án giảm nghèo về y tế, giáo dục, bảo hiểm...
Bên cạnh đó, các lớp tập huấn còn đóng vai trò quan trọng, giúp cán bộ làm công tác giảm nghèo nắm rõ thông tin liên quan đến chế độ, chính sách mới, mô hình hay, cách tuyên truyền hiệu quả, linh hoạt...
Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện cũng sản xuất hàng trăm tin, bài về các điển hình tiên tiến, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở được Nghi Xuân xem là một kênh hết sức quan trọng.
Đầu năm 2024, huyện đã đầu tư 3,2 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp hệ thống truyền thanh tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Đây là hệ thống truyền thanh thông minh phát huy hiệu quả tốt hơn trong việc truyền tải tin tức, thông tin tuyên truyền đến người dân, góp phần làm tốt công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Từ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của mỗi người dân, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã và đang đạt kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện từ 5,24 % hộ nghèo năm 2021 đến hết năm 2023 giảm xuống còn 2,19%, hộ cận nghèo giảm còn 2,68%. Huyện cơ bản đã kiểm soát và hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh.
Hà Tĩnh xác định truyền thông và giảm nghèo về thông tin là dự án quan trọng, nhiệm vụ cấp thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở LĐ-TB&XH và các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 2.000 cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các huyện: Hương Sơn, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và thị xã Hồng Lĩnh.
Kết quả cuối năm 2023 cho thấy toàn tỉnh Hà Tĩnh có 11.572 hộ nghèo (giảm 2.955 hộ), chiếm tỷ lệ 3,01% (giảm 0,78%); có 12.947 hộ cận nghèo (giảm 2.539 hộ), chiếm tỷ lệ 3,37% (giảm 0,67%) so với cuối năm 2022.