Quỹ BHYT liên tục kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm nhưng người dân không được điều trị bằng những loại thuốc mới, thuốc tốt do danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán đã lâu chưa được cập nhật.
Dân phải tự mua thuốc tốt
Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Việt Nam đã chiếm 92% dân số. Tuy nhiên, không phải cứ có bảo hiểm là muốn dùng thuốc nào cũng được. Trong khi 35% quỹ BHYT được chi cho thuốc điều trị, nhưng có nhiều loại thuốc hiếm, đắt tiền, đặc biệt là các loại thuốc mới chưa được cập nhật kịp thời vào danh mục thuốc sử dụng cho bệnh nhân BHYT, khiến bệnh nhân không được dùng đúng thuốc cần dùng, kết quả điều trị thấp. Muốn dùng thuốc mới theo nhu cầu thì bệnh nhân phải tự mua bằng tiền túi.
Điều đó giải thích vì sao, quỹ BHYT năm nào cũng kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng. Năm 2021 là 22.695 tỷ; tổng kết dư chuyển sang năm 2022 là 58.643 tỷ đồng trong tổng kinh phí gần 110.000 tỉ đồng Chính phủ giao.
Không được thanh toán những loại thuốc điều trị đắt tiền, đồng nghĩa với người dân phải chi tiền túi cho khám chữa bệnh nhiều hơn, hiện chiếm gần 45% tổng chi phí trong khi WHO khuyến cáo tỷ lệ này cần ở mức dưới 20%. Còn nếu so với tỉ lệ 14% ở các nước phát triển, thì người Việt Nam phải chi gấp 3 lần họ .
Đã 5 năm kể từ năm 2018, Danh mục thuốc do BHYT chi trả chưa được cập nhật, bổ sung thuốc mới một cách tổng thể.
Đây là một bất hợp lý cần khắc phục, nhất là trong bối cảnh đất nước đã phát triển, cuộc sống của người dân đã khá hơn. Người dân có quyền đòi hỏi chất lượng điều trị tốt hơn từ các bệnh viện thông qua quỹ BHYT. Bởi với 95% số giường bệnh ở nước ta thuộc các bệnh viện công lập, nghĩa là, hầu hết số bệnh nhân có BHYT đều được điều trị ở các cơ sở này.
Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đầu năm nay và Nghị quyết 80/2023/QH15 về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; Nghị quyết số 30/NQ-CP về đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế; Nghị định 07/NĐ-CP với những sửa đổi về việc gia hạn giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất… bước đầu đã giúp ngành y tế khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đưa hoạt động khám chữa bệnh dần trở lại bình thường.
Công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia bắt đầu năm 2022 cũng giúp giá thuốc giảm gần 18%, tiết kiệm gần 1.420 tỷ đồng so với giá kế hoạch; người bệnh Việt Nam cũng được hưởng lợi hơn khi biệt dược gốc ở hầu hết các nhóm điều trị chính được mua với giá thấp so với khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế của Việt Nam hiện chỉ mới 11%, là mức thấp so với trung bình 27,1% trong khu vực châu Á – TBD. Cùng với việc chậm cập nhật danh mục thuốc mới, người bệnh ở Việt Nam khó có cơ hội được dùng thuốc tốt, kể cả người có điều kiện tự chi trả. Không chỉ bệnh nhân thiệt thòi mà đội ngũ bác sĩ cũng mất cơ hội được tiếp cận những thành tựu khoa học, thông tin lâm sàng của các loại biệt dược gốc và các phương pháp điều trị tiên tiến nhất.
Nghị quyết 20 của BCH Trung ương Đảng khóa XII đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 95% dân số tham gia BHYT, tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người dân cho khám chữa bệnh giảm xuống còn 35%.
Để đạt được điều này, hàng loạt giải pháp được đề xuất nhằm cải tổ mạnh mẽ hệ thống tài chính BHYT. Đó là điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ; tăng dần tỉ lệ đóng BHYT lên 6% mức lương cơ bản, khuyến khích doanh nghiệp đóng cao hơn sẽ được giảm thuế thu nhập; người dân có thể đóng phí cao hơn để được chữa bệnh tốt hơn; đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế (Bảo y tế hiểm thương mại); tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại...
Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi đang được Bộ Y tế xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 20. Tại một hội thảo do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng cần triển khai gói bảo hiểm y tế bổ sung để có khung pháp lý về tài chính và tiếp cận dịch vụ bảo vệ người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, cho rằng: “Người có bảo hiểm y tế bổ sung sẽ có thêm quyền lợi và dịch vụ thông qua việc chi trả những dịch vụ nằm ngoài khả năng chi trả của Quỹ BHYT hiện nay. Bởi, có những loại thuốc và dịch vụ kỹ thuật không được bảo hiểm y tế xã hội chi trả hoặc chỉ chi trả một phần, nên dù tham gia BHYT, người dân vẫn phải tự chi trả một khoản tiền rất lớn”.
Cần cơ chế thông thoáng, linh hoạt
Luật Khám - Chữa bệnh sửa đổi quy định người bệnh có quyền lựa chọn điều trị bằng phương pháp chất lượng cao, hiệu quả theo nhu cầu. Nếu có cơ chế thích hợp, hành lang pháp lý rõ ràng, sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận, quyền lựa chọn thuốc của bác sĩ điều trị và bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân tự nguyện chi trả khi điều trị một số bệnh hiểm nghèo (hiện có khoảng 30% biệt dược gốc được dùng cho những bệnh nhân này).
Có một thực tế là phải mất từ 10 - 15 năm để một loại thuốc từ khi được phát minh đến với người bệnh. Còn một loại thuốc mới muốn có mặt ở thị trường Việt Nam, thường độ trễ khoảng 3 - 4 năm để đăng ký lưu hành.
Vì vậy, nếu ngành y tế không cải tiến cơ chế theo hướng thông thoáng để việc cập nhật các loại thuốc mới vào danh mục thuốc được sử dụng ở các cơ sở y tế công lập, đồng nghĩa với đánh mất cơ hội được chữa bệnh bằng những loại thuốc mới, thuốc tốt của bệnh nhân, khiến nhiều người có điều kiện phải tìm cách ra nước ngoài điều trị.
Theo ước tính của Bộ Y tế, trong năm 2018 có khoảng 60.000 lượt bệnh nhân ra nước ngoài điều trị, làm “chảy máu” nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, Singapore đã tiếp nhận hơn 30.000 lượt người Việt Nam đi du lịch kết hợp khám chữa bệnh trong tổng số 400.000 lượt khách quốc tế. Thái Lan cũng đang là “vùng đất hứa” của người Việt tìm đến với hơn 17.000 người/năm.
Đừng vì những thủ tục rườm rà, cứng nhắc mà để Việt Nam đánh mất cơ hội trở thành một điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch chữa bệnh như một số nước phát triển đang làm. Nhất là khi chúng ta là quốc gia ven biển, tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa vô cùng phong phú.
Nghị quyết 98 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hồ Chí Minh ban hành mới đây cũng gợi mở khả năng này. Vì vậy, cần những bước thí điểm để cải tiến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân; có chính sách đột phá để nâng cao tỷ lệ bệnh nhân được tiếp cận thuốc mới và công nghệ mới nhất, phù hợp với nhu cầu điều trị của mỗi người; đa dạng hóa các loại hình huy động tài chính cho BHYT, để chúng ta đạt được mục đích giảm chi tiêu cho y tế của người dân Việt Nam còn 35%, như Nghị quyết 20/BCH TW khóa 12 đã đề ra.
Đó cũng là cách góp phần thúc đẩy các công ty dược phẩm hàng đầu trên thế giới chuyển hướng đầu tư phát triển thị trường tại Việt Nam. Qua đó, phát triển mạnh ngành dược phẩm trong nước, nhằm đạt mục tiêu để ngành dược đóng góp từ 26,8- 93,3 tỉ USD vào GDP của đất nước vào năm 2045, xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực.
Vân Thiêng