Thông tin trên được Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ vào sáng nay (7/7).
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, phương án kéo dài tuyến Metro số 1 thêm 50km, về tới Bình Dương, Đồng Nai được TP.HCM và hai tỉnh thống nhất là cần thiết và đang nghiên cứu phương án cụ thể.
Đoạn 1 từ ga Bến xe Suối Tiên (đã xây dựng, thuộc tuyến Metro số 1), tuyến tiếp tục đi trên cao bên phải Quốc lộ 1 rồi vượt sang trái để về ga Bình Thắng (ký hiệu S0) trước nút giao Tân Vạn (tỉnh Bình Dương), dài khoảng 1,8km.
Tổng mức đầu tư đoạn này khoảng 125,95 triệu USD (2.973 tỷ đồng). Phương án tổ chức cấu trúc tuyến của đoạn này đã được sự thống nhất của các địa phương.
Đoạn 2, tại ga Bình Thắng sẽ triển khai tiếp 2 tuyến nhánh độc lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Nhánh 1 (hướng về Đồng Nai) dài khoảng 18,3km, đi trên cao từ ga Bình Thắng qua ngã ba Vũng Tàu đến Chờ Sắt và về khu vực Hố Nai (huyện Trảng Bom).
Nhánh 2 (hướng về Bình Dương) dài khoảng 29,55km, đi trên cao từ ga Bình Thắng đến gần nút giao Bình Chuẩn và đi về Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương (thị xã Bến Cát, Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một).
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, đoạn 1 từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) dù nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, đoạn này nhất thiết phải được đầu tư để tiếp tục triển khai các đoạn, nhánh tiếp sau.
Do đó, Sở GTVT TP sẽ xem xét, tham mưu UBND TP các phương ăn phối hợp, hỗ trợ và tham gia, góp vốn đầu tư. Trong đó, phần xây lắp TP.HCM có thể tham gia, phần giải phóng mặt bằng do Bình Dương thực hiện.
Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, phương án kéo dài tuyến Metro số 1 đi trên cao nên công nghệ xây dựng không quá phức tạp. Điều này cũng giúp nâng cao cảnh quan đô thị nếu được thiết kế tốt.
Để có cơ sở triển khai, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM kiến nghị các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương rà soát quy hoạch tuyến, vị trí các ga, depot, trong đó có việc cần thiết điều chỉnh các quy hoạch liên quan.
Quan trọng nhất là cần nghiên cứu, dự kiến các khu vực phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng. Các địa phương cần tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các tuyến nhánh đường sắt đô thị trên mỗi địa bàn.
8 tuyến đường sắt kết nối vùng Cũng tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm cho biết theo quy hoạch đã phê duyệt có thêm 8 tuyến đường sắt kết nối vùng như Trảng Bom-Hòa Hưng (Sài Gòn), Biên Hòa-Vũng Tàu, Dĩ An -Lộc Ninh, TP.HCM-Cần Thơ, TP.HCM-Nha Trang, Thủ Thiêm-Long Thành, TP.HCM- Tây Ninh, tuyến đường sắt chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước. Theo các chủ trương, định hướng về phát triển đường sắt kết nối vùng đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Nha Trang). Đến năm 2030, tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có. Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội, TP.HCM...); phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Biên Hoà - Vũng Tàu), cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm - Long Thành); đối với tuyến TP.HCM - Cần Thơ, đầu tư bằng phương thức đối tác công - tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp... Đến năm 2045, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP.HCM vào năm 2035. Hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045; tuyến đường sắt khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TPHCM. Cần thiết thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông Vùng . |