Theo Newsweek, trong vòng hơn 1 triệu năm tới, một ngôi sao lang thang có thể gây ra thảm họa cho Trái Đất, khi ném hàng triệu sao băng về phía hành tinh của chúng ta, gây ra ngày tận thế.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, ngôi sao lang thang này được đặt tên là Gliese 710, vốn đang ở cách Trái Đất 62 năm ánh sáng. Nhưng do thiên hà là một nơi có nhiều biến động, trong hơn 1 triệu năm nữa, ngôi sao này có thể trở thành "hàng xóm" của Trái Đất.
Cụ thể, quỹ đạo di chuyển của Gliese 710 trong 20 năm qua luôn hướng về hệ Mặt trời của chúng ta, với tốc độ hiện tại, trong vòng 1,29 triệu năm nữa, ngôi sao này sẽ cách Trái Đất 0,06 năm ánh sáng. Theo quan niệm của các nhà thiên văn học, khoảng cách này gần trong lòng bàn tay.
Tuy vậy, điều đáng chú ý nhất là Gliese 710 sẽ đi qua "đám mây Oort" (một mạng lưới hình cầu bao gồm các vi thể hành tinh băng giá bao quanh Mặt Trời ở khoảng cách 0,03-3,2 năm ánh sáng), làm xáo trộn hàng triệu thiên thạch. Các thiên thạch này có thể vỡ vụn trong hệ mặt trời, nhưng cũng có thể bị văng tới các hành tinh khác, tạo ra một cơn mưa sao băng. Với các nhà khoa học, sao băng không hề đẹp, bởi ở cùng một khối lượng, sao băng sẽ gây thiệt hại cho Trái Đất gấp 10 lần so với một tiểu hành tinh.
"Chỉ hơn 1 triệu năm nữa, Gliese 710 sẽ tiến vào hệ Mặt trời của chúng ta và đi qua 'đám mây Oort'. Tác động của ngôi sao này sẽ làm di chuyển 10 triệu thiên thạch, được dự đoán rơi như mưa xuống tới các hành tinh trong hệ Mặt trời. Dĩ nhiên Trái Đất cũng không phải là ngoại lệ. Viễn cảnh này có thể lặp lại sự kiện ngày tận thế 65 triệu năm trước, vốn xóa sổ toàn bộ loài khủng long", Giáo sư Brad Gibson - Giám đốc Trung tâm vật lý thiên văn EA Milne cho biết.
Tuy vậy, rất may cho những ai sẽ sống trên Trái Đất hơn 1 triệu năm nữa, hàng nghìn nhà khoa học đang quan sát bầu trời để phát hiện các tiểu hành tinh hoặc sao băng có thể gây ra mối đe dọa cho Trái đất. Nếu có nguy hiểm với hành tinh xanh, các biện pháp tránh va chạm sẽ được đưa ra.
Việt Dũng