Ngoài một số biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, dự thảo luật còn quy định cấm tiếp xúc giữa người bạo hành và người bị bạo hành. Luật hiện hành quy định khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì phải có đơn đề nghị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào và bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo.
Trong dự thảo luật mới, Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện.
Đó là: Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ yêu cầu cấm tiếp xúc, trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu thì phải có sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình. Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Trường hợp trẻ em, việc áp dụng biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với trẻ em được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em.
Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.
Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm tôn trọng quyền của người bị bạo lực gia đình, giảm thủ tục hành chính “viết đơn”.
Thẩm tra về quy định này, Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc sửa đổi các quy định về biện pháp cấm tiếp xúc là cần thiết để khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc triển khai biện pháp này.
Ngoài ra, quá trình xây dựng luật và thực tiễn giám sát của Ủy ban Xã hội cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Trong một số trường hợp có tác động ngược, ví dụ biện pháp phạt tiền người có hành vi bạo lực gia đình, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực gia đình phải lấy tiền của gia đình để nộp tiền phạt), đòi hỏi có những biện pháp phù hợp, có tính răn đe, giáo dục.
Do vậy, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng”.
Các nước xử lý người bạo hành như thế nào?
Tại Úc khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì người có hành vi bạo lực gia đình là người phải ra khỏi nhà trong trường hợp người bị bạo lực gia đình lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ. Theo Bộ VHTT&DL, nước ta hiện nay chưa quy định rõ điều này dẫn đến quá trình thực thi luật, người phải ra khỏi nhà lại chính là người bị bạo lực gia đình.
Việc áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình cũng được New Zealand thực hiện. Quốc gia này trao cho cảnh sát quyền được ban hành lệnh an toàn nếu thấy cần thiết để bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Trong trường hợp vì sự an toàn cho người bị bạo lực gia đình, cảnh sát có thể ban hành lệnh an toàn mà không cần sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình. Mặt khác, cảnh sát New Zealand có thể tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình không quá 2 giờ để phục vụ xác minh, điều tra.
Tại Hàn Quốc, sau khi cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo, tố giác về hành vi bạo lực, cán bộ điều tra sẽ lập tức đến hiện trường vụ việc bạo lực gia đình. Trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc cán bộ điều tra có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết, bao gồm tách người bị bạo lực gia đình, người cung cấp tin báo, tố giác, nhân chứng,.... khỏi đối tượng có hành vi bạo lực.
Tại Anh, cảnh sát cấp cao đưa ra thông báo cảnh cáo người có hành vi bạo lực gia đình để làm cơ sở cho xử lý nếu tái phạm hành vi bạo lực. Người có hành vi bạo lực gia đình sau khi đã nhận được thông báo của cảnh sát nếu tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì sẽ bị bắt giữ mà không cần có lệnh bắt.
Tại Malaysia, nhân viên phúc lợi xã hội ban hành lệnh bảo vệ khẩn cấp sẽ gửi một bản sao của lệnh cho sĩ quan cảnh sát quận, huyện nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú hoặc bất kỳ cảnh sát nào khác dưới quyền chỉ huy của người đó. Cảnh sát có trách nhiệm thi hành ngay quyết định này.
Trần Thường
Đưa chuyện dì ghẻ bạo hành con chồng, bố dượng xâm hại con của vợ vào luật
Sao thông tin trẻ bị bạo hành chỉ nhận được khi đã chậm, muộn?
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đặt vấn đề này khi làm việc với Cục trẻ em chiều 8/2. Ông dẫn chứng, vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh, khi bé vào viện lần 4, người ông nội mới phản ánh bất thường tới Tổng đài 111.
Bộ trưởng Công an chỉ đạo khẩn điều tra, xử lý hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em
Bộ trưởng Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tăng cường phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, giảm tội phạm liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.