Bệnh nhân N.N.T (49 tuổi) nhập viện trưa ngày 11/5 trong tình trạng lơ mơ, suy giảm tri giác với tiền sử đái tháo đường type 2, lạm dụng rượu.
Khoảng 4 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân ăn kém, uống nhiều rượu kèm theo sốt, đi ngoài phân lỏng ngày 3-4 lần. Trưa ngày 11/5, người nhà phát hiện bệnh nhân trong trạng thái lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng.
Bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng mạch nhanh 110lần/phút; Huyết áp tụt 60/40mmHg; SpO2 80%, thở nhanh 30 lần/phút.
Ngay sau đó, bệnh nhân được bác sĩ đặt ống nội khí quản, thở theo bóp bóng, truyền dịch, vận mạch liều cao đồng thời làm các chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng dùng an thần, thở theo bóp bóng, mạch 110 lần/phút, huyết áp 90/60mmHg (đang dùng vận mạch liều 0,8ug/kg/p), SpO2 98%.
Các xét nghiệm cho thấy, tình trạng nhiễm toan hóa máu nặng nề (pH 6.9, HCO3 4.3), nhiễm khuẩn rất nặng (pro-calcitonin 42.1ng/mL) có suy đa tạng (Urea/crea 26/318 mmol/L). Đặc biệt kali máu của người này rất cao 7,5mmol/L. Tiên lượng rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đánh giá là tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy tạng điều trị bằng bù dịch kiềm và dịch đẳng trương, duy trì vận mạch liều cao, dùng kháng sinh kết hợp, lợi tiểu, thở máy xâm nhập.
Tuy nhiên người bệnh đáp ứng hiệu quả kém, huyết áp cải thiện chậm và không có nước tiểu. Tiên lượng tình trạng ông T. rất nguy kịch, nếu không được điều trị, can thiệp kịp thời rất có thể nguy hiểm tới tính mạng. Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn khoa và triển khai lọc máu liên tục.
Sau 8h lọc máu, tình trạng toan kiềm của bệnh nhân cải thiện (pH 7.3 HCO3 16), cắt được vận mạch, bắt đầu có nước tiểu. Sau 2 ngày điều trị, người đàn ông 49 tuổi được rút ống nội khí quản, tình trạng nhiễm khuẩn giảm, huyết động ổn định.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân hết sốt, hết đi ngoài phân lỏng, huyết động ổn định, kiểm soát ổn đường máu, nhiễm khuẩn giảm sâu.
Các bác sĩ khuyến cáo, sử dụng quá mức rượu bia làm tăng nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là gan sẽ bị quá tải, giảm khả năng thải lọc các chất gây độc, khiến cơ thể cũng bị tồn đọng hóa chất, bị nhiễm độc. Rượu còn gây tác hại nặng nề đến thần kinh, tim mạch…
Các dấu hiệu nguy hiểm cần phải phân biệt và xử trí ngay là: hôn mê (gọi không tỉnh), co giật; suy hô hấp (thở chậm; ngừng thở; ứ đọng đờm dãi; chất nôn, dịch dạ dày trào ngược vào phổi do bệnh nhân hôn mê không còn phản xạ bảo vệ đường hô hấp...), suy tuần hoàn (tụt huyết áp, không bắt được mạch, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim...) và các dấu hiệu nguy hiểm khác như hạ đường huyết, chấn thương...
Ngọc Trang