Bệnh nhân là người đàn ông lớn tuổi, địa chỉ ở quận Hà Đông, Hà Nội. Ông khởi phát bệnh ngày 20/5 với triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau, ông được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng sốt cao, cứng gáy, rối loạn ý thức.
Tại viện, xét nghiệm cấy máu cho kết quả dương tính với liên cầu lợn (Streptococcus Suis). Người nhà cho biết cách 5 ngày trước vào viện, bệnh nhân có ăn tiết canh tại đám cỗ ở Nam Định.
Đây là một trong 2 trường hợp nhiễm liên cầu lợn tại Hà Nội được ghi nhận trong tuần qua, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 10/6.
Trường hợp còn lại cũng là nam giới, 56 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ông khởi phát bệnh ngày 30/5 với triệu chứng sốt cao kèm theo cơn rét run. Ngày 31/5, bệnh nhân đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn khan, điếc đột ngột, nhập Bệnh viện Quân y 103. Bác sĩ xét nghiệm nuôi cấy dịch não tủy, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.
CDC Hà Nội cho biết gia đình nam bệnh nhân này không chăn nuôi lợn, trong vòng 2 tuần trước khởi phát triệu chứng, bệnh nhân không ăn tiết canh lợn, không tham gia giết mổ lợn.
Bộ Y tế cho biết liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh - món ăn nhiều người ưa thích, hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua…
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm. Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.
Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có thể gây tử vong nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, các bác sĩ khuyến cáo người dân:
- Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có phương tiện bảo hộ.
- Không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt lợn sống.
- Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.