Tháng 8/2020, Công ty TNHH SOPET Gas One (doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp gas lớn trên thị trường Việt Nam) đã ký hợp đồng, triển khai giải pháp công nghệ để số hóa, quản lý và truy xuất nguồn gốc bình gas.
Trước đó, đại diện công ty nhận thấy, việc chiếm dụng trái phép vỏ bình gas tại Việt Nam diễn ra phổ biến, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và thương hiệu doanh nghiệp. Ngoài ra, khách hàng của SOPET Gas One cũng bị 'vạ lây' bởi không thể sử dụng gas chính hãng, từ đó, gây hệ lụy mất an toàn năng lượng và quyền lợi khách hàng.
Doanh nghiệp gas đã tham khảo giải pháp của nhiều công ty đến từ Nhật Bản, Trung Quốc... nhưng chỉ có một đơn vị Việt Nam đưa ra phương án phù hợp nhất với SOPET Gas One và thị trường nội địa, đó là Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee (trụ sở chính tại TP.HCM).
Checkee đã “vượt mặt” các đối thủ ngoại quốc, giành được hợp đồng nhờ phát triển trên nền tảng công nghệ mới, giúp doanh nghiệp gas ứng dụng tích hợp thêm nhiều giải pháp, tính năng khác trong hệ thống quản lý sản xuất, quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giải pháp của Checkee cũng giúp công ty gas Nhật Bản tiết kiệm chi phí trong nhiều khâu như quản lý hệ thống sản xuất, quản lý hệ thống phân phối và chi phí in ấn tem truy xuất nguồn gốc.
Cụ thể, Checkee dùng giải pháp truy xuất nguồn gốc định danh duy nhất với từng bình gas, trùng với số seri duy nhất mà bình gas đăng ký kiểm định với cơ quan nhà nước. Mỗi bình gas được xuất/nhập ra khỏi các trạm chiết nạp gas, doanh nghiệp chỉ cần quét mã bằng thiết bị đọc là toàn bộ dữ liệu bình sẽ được chuyển lên hệ thống của công ty.
Đây như một dạng định danh, làm “căn cước công dân gắn chip” cho từng bình gas, giúp doanh nghiệp quản lý được vỏ bình gas lưu hành trên thị trường.
Ở đây, loại mực được in lên thân bình là loại mực đặc biệt, không mờ trong 3-5 năm. Ngoài ra, ngành gas có đặc thù quy định công tác phòng, chống cháy nổ rất chặt chẽ nên trong các trạm chiết nạp gas, không thể dùng thiết bị di động và các thiết bị đọc thông dụng mà phải dùng các thiết bị đọc mã định danh của Nhật Bản. Checkee đáp ứng được điều này.
Về phía người dùng, khi quét mã truy vết bằng ứng dụng của công ty gas, dữ liệu mã hóa sẽ cung cấp đầy đủ thông tin như: thương hiệu công ty; sản phẩm gas; màu sắc, cân nặng bình và loại van bình gas; bình gas ra khỏi trạm chiết nạp khi nào, ở đâu,... Nhờ vậy, tránh được việc mua phải gas giả, kém chất lượng.
Sau thời điểm tháng 8/2020 trên, cú “bắt tay” cùng SOPET Gas One đã giúp Checkee của ông Phạm Văn Quân và các cộng sự được biết tới nhiều hơn trên thị trường.
Công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Nam (Gas South) là đơn vị lớn, trở thành đối tác tiếp theo của Checkee khi thấy lợi ích từ giải pháp quản lý bằng truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, việc ứng dụng số hóa từng bình gas, số hóa tem nhãn hàng hóa điện tử thay thế tem nhãn hàng hóa vật lý, cũng giúp Gas South và các đơn vị tiết kiệm được nhiều tỷ đồng mỗi năm.
Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee - ông Phạm Văn Quân - là người quyết định đưa doanh nghiệp theo thị trường ngách trên. Ông vốn là cựu sinh viên Khoa Toán tin ứng dụng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngày trước, lớp sinh viên của khoa được đào tạo kỹ năng phân tích, thiết kế hệ thống, đây là yếu tố rất cần thiết trong lĩnh vực giải pháp công nghệ.
Năm 2009, ở tuổi 30, ông Quân phụ trách Tinh Vân Telecom. Thời điểm đó, ông là kiến trúc sư trưởng cho ra mắt MOZA, ứng dụng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cung cấp dịch vụ nhắn tin SMS miễn phí cùng các nội dung số đi kèm như tin tức, hình ảnh, nhạc chuông...
Năm 2014, rời Tinh Vân Telecom, ông Quân mở công ty chuyên về cổng game và dịch vụ truyền hình, giải trí trên ứng dụng. Công ty đã được đối tác Nhật Bản rót vốn đầu khoảng 500.000 USD. Đáng tiếc, nhà đầu tư và các cộng sự lại có tư duy thực dụng trong vấn đề tài chính, thay vì phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững. Từ đây, những thành viên chủ chốt không tìm được tiếng nói chung trong điều hành, duy trì hoạt động doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông thừa nhận, thời điểm đó, ông khá bảo thủ, luôn giữ quan điểm phát triển sản phẩm theo lối mòn nên phần nào ảnh hưởng tới bước đi của doanh nghiệp. Chính hai yếu tố là cộng sự và tính bảo thủ đã khiến doanh nghiệp thất bại.
Nếm mùi thất bại đột ngột, ông nhận thấy, doanh nghiệp sẽ không thể định danh trên thị trường nếu cứ mãi đuổi theo tham vọng tiền bạc, không có đóng góp cho cộng đồng, tạo giá trị xã hội. Đó là bước ngoặt đưa ông Phạm Văn Quân đến với lĩnh vực truy xuất nguồn gốc.
Bởi, truy xuất nguồn gốc giúp làm minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Trong nông nghiệp, loại bỏ tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”, sạch giữ lại ăn, bẩn đem bán ở một số nơi.
Cuối năm 2016, ông Quân quyết định bỏ lại doanh nghiệp đã gây dựng tại Hà Nội, vào TP.HCM lập nghiệp. “3 tháng đầu đặt chân tới thành phố, tôi đi làm cho hai công ty để tìm hiểu thị trường. Trước đây, tôi là sếp nên khi đi làm có người đưa đón bằng xe hơi, nhưng bấy giờ tôi chấp nhận chạy xe máy đi giao hàng cho công ty”, ông kể.
Tiếp đó, ông thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc thịt heo đầu tiên tại TP.HCM năm 2016-2017 cho một doanh nghiệp nước ngoài.
Tới tháng 10/2018, huy động tài chính từ người thân, bạn bè cùng một số cộng sự có chung quan điểm vì cộng đồng, có tầm nhìn dài hạn, ông Quân quyết định khởi nghiệp lần thứ hai với Checkee.
Theo ông, muốn truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đúng tiêu chuẩn, phải định danh số hóa, và quản lý từng công đoạn trong chuỗi cung ứng từ nuôi trồng, tới hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Tùy theo tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm và giải pháp ứng dụng phù hợp, có thể quét mã truy vết (QR code; mã Datamatrix GS1; hoặc số seri,... ) để nắm được toàn bộ chuỗi quy trình của sản phẩm chứ không chỉ tên mỗi nhà sản xuất hay đơn vị đóng gói là đủ. Chẳng hạn, truy xuất nguồn gốc hiện nay trên sản phẩm thường chỉ hiện tên của đơn vị sản xuất hoặc website chứ không hiện đầy đủ toàn bộ quy trình.
Sau thành công với giải pháp truy xuất nguồn gốc cho ngành gas, Checkee phát triển giải pháp ứng dụng cho các ngành hàng khác như nông sản, dược phẩm và hàng tiêu dùng.
Công ty đang hợp tác với 6 HTX sản xuất trà Tân Cương của Thái Nguyên cũng như Sở KHCN tỉnh này thực hiện truy xuất nguồn gốc tới từng nhà vườn, từng gói sản phẩm, giúp các HTX trà Tân Cương quản lý toàn bộ lượng trà bán ra, đảm bảo chất lượng, giá thành, giữ thu nhập cho người nông dân và duy trì thương hiệu. Khi người tiêu dùng truy xuất mã định danh gói trà Tân Cương Thái Nguyên chính hãng thì chắc chắn, đấy là gói sản phẩm duy nhất trên toàn cầu.
Tương tự, tại Đà Lạt, Checkee cũng triển khai quản lý truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản - Anfarm. Riêng với sản phẩm khoai lang được khai báo nhật ký điện tử trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của Checkee, quá trình theo dõi từ khi ươm giống, giai đoạn trồng trọt, quá trình chăm sóc đến khi thu hoạch.
Lúc này, từng củ khoai lang đẹp được nhà vườn lựa chọn, đóng thùng, dán mã truy xuất nguồn gốc với đầy đủ thông tin và xuất sang thị trường Nhật Bản, giá bán lên tới 500.000 đồng/kg.
Theo Giám đốc Checkee, điểm lợi lớn nhất của truy xuất nguồn gốc là thay đổi tư duy quản lý, đầu tư, chuyển đổi dần cả hệ thống quản lý sản xuất trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ thấy sau thời gian dài chứ không phải doanh nghiệp cứ mua một giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc về là thấy ngay hiệu quả.
“Có những doanh nghiệp ký hợp đồng mà tới 2 năm sau mới hoàn thành chuỗi truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh”, vị giám đốc dẫn chứng. Ông nhấn mạnh: “Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, đó là giải pháp tổng thể theo tiêu chuẩn, gắn trách nhiệm của nhà sản xuất với thương hiệu sản phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng”.
Nói về khó khăn, ông Quân cho rằng, Việt Nam chưa có sự đồng bộ, thống nhất chung của về hệ thống và tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Cơ quan quản lý cũng chưa đủ nguồn lực để kiểm tra đầy đủ dữ liệu các khâu trọn vẹn trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu vùng trồng; nhà máy sản xuất, đóng gói; đơn vị logistics; hệ thống phân phối cho tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp sản xuất chưa có ý thức đầu tư kinh phí cho giải pháp về truy xuất nguồn gốc. Phần lớn họ làm để chống đối với quá trình kiểm tra từ cơ quan Nhà nước. Khó khăn lớn nhất là thay đổi tư duy khách hàng. Những lãnh đạo công ty càng lớn tuổi, việc thay đổi càng khó.
Trái lại, tính tự giác phần lớn tới từ khối doanh nghiệp xuất khẩu, hoặc các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho người có thu nhập cao. Họ thực hiện truy xuất nguồn gốc chặt để xây dựng thương hiệu, đảm bảo sản phẩm không bị làm giả.
Đến nay, có khoảng 30 triệu lượt truy xuất nguồn gốc sản phẩm mỗi tháng thông qua các giải pháp mà Checkee cung cấp. Về hướng đi, công ty định hướng sẽ phát triển thêm phòng kiểm định, chuyên phân tích kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và đặc biệt là các đối tượng trong chuỗi cung ứng nông sản, thủy hải sản từ nông trại đến bàn ăn.
Khi các phòng thí nghiệm, kiểm định kết hợp với chuỗi sản xuất, phân phối sẽ đảm bảo truy xuất nguồn gốc toàn diện từ thị trường trong nước ra quốc tế.
Nhìn lại hành trình tái khởi nghiệp của mình, vị giám đốc chia sẻ, thất bại giúp con người vỡ ra nhiều thứ trong cuộc sống. Không thay đổi thì sẽ “chết”, không chỉ có cá nhân ông chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư bị tác động mà còn kéo theo cả hệ thống cộng sự, nhân viên đồng hành với mình.
“Khởi nghiệp không bao giờ là muộn. Tôi giờ chạy show như nghệ sĩ vậy. 20% thời gian tôi ở TP.HCM, còn lại khoảng 80% thời gian là đi các tỉnh/thành khác để gặp gỡ đối tác, thuyết trình về những giải pháp công nghệ.
Tôi từng có những dự án điểm nhấn, nhưng Checkee vẫn chưa thành công như mong đợi. Chúng tôi còn chặng đường rất dài phía trước để chạm tới hai chữ 'thành công'. Dẫu vậy, giải pháp truy xuất nguồn gốc nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung chắc chắn sẽ là xu hướng trong tương lai gần”, Giám đốc Phạm Văn Quân nói trước khi ra sân bay.
Ảnh: Nguyễn Huế
Thiết kế: Minh Hòa