Sau gần 2 tháng kể từ khi UBND Hà Nội ra mắt nền tảng “Công dân Thủ đô số”, đã có hơn 589.000 người đăng ký tài khoản trên ứng dụng iHaNoi. Theo Sở TT&TT Hà Nội, lượng người tải và cài đặt app iHaNoi hiện chiếm 9,1% dân số Thủ đô (chỉ tính những người trên 15 tuổi, sở hữu điện thoại thông minh).
iHaNoi là ứng dụng giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô có thể tương tác trực tuyến với chính quyền các cấp. Nền tảng giúp tạo kênh kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân.
Các tính năng nổi bật của ứng dụng iHaNoi gồm phản ánh hiện trường, thủ tục hành chính, gửi kiến nghị, tiếp dân trực tuyến và cập nhật các cảnh báo mới nhất từ chính quyền.
Tính đến tháng 8/2024, Hà Nội đã cấp, tạo tài khoản cho công chức, viên chức của 61/61 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành trực thuộc để tham gia tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại hiện trường.
Số liệu thống kê cho thấy, kể từ khi đưa vào triển khai, đến hết ngày 8/8/2024, ứng dụng iHaNoi đã tiếp nhận 2.350 phản ánh, khiếu nại hiện trường của người dân. Trong đó, 1.654 phản ánh (chiếm 70,4%) đã được được xử lý. Cũng trong khoảng thời gian này, Hà Nội đã nhận được 247 phản ánh, kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính và chuyển xử lý 40,1% các trường hợp.
Theo đơn vị vận hành ứng dụng là Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, số phản ánh, kiến nghị chuyển về thành phố giải quyết tăng nhanh trong những tuần đầu tháng 8/2024. Trung bình, mỗi ngày, thành phố tiếp nhận, xử lý khoảng 40 phản ánh chuyển đến sở, ban, ngành liên quan hoặc trả về đúng địa phương giải quyết.
Văn minh đô thị là lĩnh vực có nhiều phản ánh hiện trường qua ứng dụng iHaNoi nhất, chiếm 30,97%; Kế đó là lĩnh vực giao thông (21,49%), dân sinh (18,71%), vệ sinh môi trường (10,87%), an ninh trật tự (7,7%). Xét theo khu vực, 2 quận Hoàng Mai và Hà Đông là những nơi có số lượng phản ánh hiện trường nhiều nhất.
Tới thời điểm hiện tại, 65,6% người dân đã hài lòng, chấp nhận kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị gửi về ứng dụng iHaNoi. Tuy vậy, vẫn còn khoảng 34,4% người dân chưa hài lòng với kết quả xử lý.
Văn phòng UBND thành phố cho biết, Hà Nội sẽ rà soát kết quả các phản ánh, kiến nghị người dân chưa hài lòng. Qua đánh giá sơ bộ, khoảng 10% vụ việc trong số đó thực sự chưa đạt yêu cầu, kết quả xử lý còn chung chung, chưa có hình ảnh hoặc văn bản chứng minh, thậm chí quên nhập câu trả lời.
Chia sẻ với phóng viên về quy trình xử lý, đại diện Văn phòng UBND TP Hà Nội cho hay, sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân qua ứng dụng iHaNoi, các phản ánh, kiến nghị sẽ được tự động chuyển tới các quận, huyện, thị xã dựa trên kết quả phân tích thông tin về địa điểm.
Căn cứ vào nội dung phản ánh, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã sẽ phân công các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tiếp nhận, thụ lý giải quyết theo đúng thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao. Tùy vào nội dung phản ánh, các kiến nghị này sẽ được lựa chọn xử lý theo mức độ ưu tiên khác nhau, từ bình thường tới khẩn cấp, phức tạp.
Với các phản ánh, kiến nghị có nội dung đầy đủ, chính xác, cán bộ xử lý sẽ tiếp nhận và giải quyết theo quy định. Kết quả xử lý sau đó được trình người có thẩm quyền phê duyệt, trước khi phản hồi tới tổ chức, cá nhân.
Nếu nội dung phản ánh không đầy đủ, cán bộ được phân công sẽ từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp nội dung phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết, yêu cầu của người dân sẽ được chuyển về cơ quan cấp trên để phân công cho đơn vị phù hợp.
Tính đến nay, Hà Nội đã nhận được 285 ý kiến góp ý để hoàn thiện ứng dụng iHaNoi. Dự kiến, trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng ứng dụng “Công dân Thủ đô số”. Trong đó, sẽ có nội dung yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh tương tác với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, thông qua ứng dụng iHaNoi.