Hôm nay (6/7) là dịp tưởng nhớ 57 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967- 6/7/2024). Nói đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nói đến một vị tướng toàn vẹn, đức độ, tài năng thao lược xuất chúng, Đại tướng của quân đội và cũng là Đại tướng của nhân dân. 
Lòng yêu nước, chí cách mạng, với tài năng thiên bẩm, lại được rèn luyện trong nhiều lĩnh vực nhất là đấu tranh vũ trang, được sự tin yêu của Đảng và Bác Hồ, tất cả đã làm nên một nhân cách, một tài năng Nguyễn Chí Thanh. Và chính cuộc đời hoạt động hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân của ông đã để lại cho lớp lớp các  thế hệ sau một tấm gương mẫu mực "sáng trong như ngọc".

Và từ góc tiếp cận nào, người ta cũng muốn đặt ra câu hỏi và lý giải xem người nông dân, người lính, vị Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghĩ gì về lợi ích quốc gia dân tộc, nghĩ gì về chiến tranh và hòa bình. Để rồi ông và những người lãnh đạo đất nước đã trả lời cho mục đích của “ĐÁNH” là gì? Đánh để giành độc lập, đánh để có hòa bình! Trả lời cho câu hỏi “đánh ai”?, “ai đánh”? Làm gì để đánh, để đánh thắng và đánh như thế nào? Làm gì để khẳng định con đường NHẤT ĐỊNH THẮNG của dân tộc.

ncthanh.jpg
Bài viết trên tờ Saigon Post (Bưu điện Sài Gòn) về sự kiện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời.

Hồ sơ “1365”

Điểm nhấn đầu tiên trong hệ thống tư liệu và nghiên cứu quốc tế về Nguyễn Chí Thanh là nội dung “Hồ sơ tối mật số 1365” của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 11/7/1967 với tựa đề “Các vấn đề đặt ra đối với Bắc Việt sau khi Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh qua đời. Ngay trong phần đầu của báo cáo tối mật, những người ở “phía bên kia” đã nhận định:

“Xuất thân trong quân ngũ và kinh nghiệm chính trị của Nguyễn Chí Thanh sẽ khiến ông trở thành người rất khó có thể thay thế. Ông là cá nhân duy nhất ngoài tướng Giáp mang hàm Đại tướng trong lực lượng vũ trang, và cũng là thành viên chủ chốt trong nhóm lãnh đạo điều hành cuộc chiến của Bộ Chính trị Bắc Việt.

Ông cũng giữ vị trí cốt cán trong Ban Bí thư, chịu trách nhiệm triển khai các chiến lược của Đảng. Là thành viên của Quân ủy Trung ương, ông có tiếng nói đặc biệt trong việc điều hành lực lượng vũ trang. Từ đầu năm 1965, Thanh đã trở thành yếu nhân chủ đạo của Trung ương Cục miền Nam, đầu não chính trị và quân sự của quân giải phóng Cộng sản ở Nam Việt Nam…

Việc Nguyễn Chí Thanh chết do đột quỵ ngày 6/7 đặt ra những vấn đề bức thiết với 10 thành viên còn lại của Bộ Chính trị - những hệ lụy lâu dài và hệ trọng với ban lãnh đạo Đảng Cộng sản…”. - Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - Báo cáo tối mật ngày 11/7/1967.

Trong góc nhìn của “phía bên kia” thì Nguyễn Chí Thanh là ai? Vị thế, sức ảnh hưởng của ông lớn ra sao? Thậm chí sự ra đi đột ngột của ông, một biến cố đặc biệt có thể tạo ra hiệu ứng gì khiến chính quyền Mỹ phải hết sức thận trọng trong việc đưa ra những đánh giá phân tích như vậy?

Còn trong hồi ức của nhiều người lính Trường Sơn liên quan đến sự kiện này đều khẳng định rằng suốt những ngày đầu tháng 7 năm đó, B52 oanh kích rải thảm suốt dọc tuyến đường 559 với tần suất cực điểm, và bản tin ngày 6/7/1967, báo chí Sài Gòn và nước ngoài còn khẳng định rằng yếu nhân cộng sản Nguyễn Chí Thanh đã chết trong chính những vụ oanh kích đó.

“Nguyễn Chí Thanh qua đời trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Tuy nhiên, ông được coi là kiến trúc sư của kế hoạch này. Nguyễn Chí Thanh còn được biết đến với chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh” để đối phó với quân đội Mỹ hùng hậu và được trang bị hiện đại. Tôi còn nhớ khi học tiếng Việt bằng cách dịch báo chí Sài Gòn, họ đưa tin rằng Nguyễn Chí Thanh chết do bom B52” - Giáo sư Carl Thayer.

Rất có thể ở thời điểm năm 1967, phía Mỹ đã “nghe ngóng” được tin tức về sự di chuyển của tướng Thanh từ Hà Nội vào Nam, để rồi dốc toàn lực hòng vùi dập, tiêu diệt bằng được con người này. Rất có thể họ đã hi vọng cái chết của tướng Thanh sẽ xoay chuyển cục diện bi đát của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam lúc đó.

“6/7/1967: Nguyễn Chí Thanh, chỉ huy các lực lượng Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam, qua đời khi ở Hà Nội. Sự thay đổi lãnh đạo này đã ảnh hưởng tới kế hoạch tấn công Tết 1968”.

ncthanh1.jpg
Hồ sơ tối mật số 1365 của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 11 tháng 7 năm 1967 với tựa đề “Các vấn đề đặt ra đối với Bắc Việt sau khi  Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh qua đời”

Chiến lược quân sự trên tiền tuyến lớn

“Khác với suy nghĩ thông thường rằng các chiến binh đi dép cao su chiến đấu theo bản năng, trong thực tế, Việt Cộng tuân thủ triệt để các binh pháp được cân nhắc kỹ lưỡng. Những khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thuộc thường được dùng để giúp các chỉ huy và bộ đội nắm chắc binh pháp nhằm triển khai hiệu quả kỹ - chiến thuật trên chiến trường. Có khẩu hiệu và chiến thuật hòa chung vào một tạo nên một phương châm chỉ đạo lớn, áp dụng trên mọi chiến trường - đó chính là trường hợp: Nắm thắt lưng địch mà đánh” - Sử gia Warren Wilkins.

Cuối năm 1964, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản. Đế quốc Mỹ chuẩn bị trực tiếp đưa quân chiến đấu vào miền Nam; triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Chỉ trong 8 tháng, từ tháng 4/1965 - tháng 12/1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam hơn 18 vạn quân, cả lục quân, không quân và hải quân, đẩy cường độ chiến tranh và tính chất ác liệt lên rất cao.

Cách mạng miền Nam đứng trước những thời cơ và thách thức lớn; đặt ra cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh hàng loạt câu hỏi lớn phải giải đáp. Phải chăng tương quan lực lượng đã thay đổi có lợi cho địch? Phải chăng ta phải thay đổi phương châm chỉ đạo, không thể tiếp tục tiến công mà phải quay về phòng ngự? Mỹ có hỏa lực mạnh, cơ giới nhiều, quân đông, ta đánh cách nào, có thể đánh tiêu diệt được không?

Vận mệnh dân tộc, chiều hướng phát triển của sự nghiệp cách mạng Việt Nam và một mức độ nào đó, của cả phong trào cách mạng thế giới phụ thuộc vào cách thức chúng ta xử trí tình huống chiến lược hệ trọng này. Tình hình tác động không nhỏ đến tinh thần, sự băn khoăn của một số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.

Trong bối cảnh ấy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Nam với cương vị là đại diện Bộ Chính trị tại chiến trường, Bí thư Trung ương cục, Chính ủy Quân giải phóng Miền Nam; có sứ mệnh chuẩn bị và tổ chức lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (Khóa 2) về cách mạng miền Nam trong tình hình mới. Quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết dành cho được độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Nhưng phương châm và phương thức đánh Mỹ như thế nào vẫn là vấn đề chiến lược cần giải quyết từ và ngay trên chiến trường.

“Tướng Thanh, người tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự một hội nghị của khối cộng sản ở Moscow năm 1960.

Sau thời gian dài vắng bóng, tướng Thanh lại viết bài trên tờ báo lớn nhất Hà Nội là tờ Nhân dân, số ra ngày 22/12/1965. Nhiều nhà phân tích phương Tây cho hay, chính bài báo này đã xác định sự hiện diện của ông ở Nam Việt Nam.

Ông khen ngợi “quân đội và nhân dân Nam Việt Nam” và nói rằng, họ có khả năng chiến thắng Mỹ - ngụy. Có lúc ông gọi Việt Cộng là “quân đội ta”. Tướng Thanh cũng viết rằng “những ai không tham gia chiến đấu sẽ khó đánh giá được sức mạnh thực sự của chiến tranh nhân dân”, hàm ý rằng chính ông đang tham gia chiến đấu”. Báo New York Times (ngày 16/4/1966).

ncthanh2.jpg
“Hồ sơ tối mật số 1600” của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) ngày 2 tháng 8 năm 1966 phân tích về tình hình chiến sự tại Miền Nam Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với các lực lượng vũ trang Việt Cộng.

Quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam, đánh phá miền Bắc, nhưng tính chất cơ bản chiến tranh của Mỹ vẫn là chiến tranh xâm lược thực dân mới. Tính chất ác liệt của chiến tranh tăng lên nhiều, gây cho ta những khó khăn lớn, nhưng so sánh lực lượng địch - ta căn bản không thay đổi. Thế trận chiến tranh nhân dân ở miền Nam phát triển cao, đã có sự chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để đón đánh quân Mỹ. Vì thế, ta vẫn giữ vững và phát huy chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng miền Nam.

Quán triệt chủ trương đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kiên quyết không chấp nhận chủ trương di chuyển căn cứ và Sở chỉ huy Miền về phía sau, bởi vì như vậy là bỏ trận địa, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, để cho địch chọc thủng thế trận chiến tranh nhân dân của ta mới tạo dựng được. Đây cũng là điều khiến đối thủ trong cuộc chiến phải ngỡ ngàng:

“…Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh, người dường như đã chỉ đạo các hoạt động quân sự của Bắc Việt ở Nam Việt Nam từ đầu năm 1965, đã viết một báo cáo hẳn là để bảo vệ cương vị của ông trước sự chỉ trích từ phía Hà Nội. Báo cáo này đăng trên số tháng 7 của tờ Học tập, một tạp chí cộng sản Bắc Việt, và chỉ trích thẳng thắn và công khai những người có quan điểm khác với mình.

Về cơ bản, Thanh phê bình những người đã mất nhuệ khí sau khi Mỹ điều lực lượng chiến đấu vào Nam Việt Nam giữa năm 1965. Dựa theo những chính sách cụ thể mà ông bảo vệ, nhìn từ những thái độ cụ thể mà ông chỉ trích, có thể thấy Thanh muốn nhắm vào những lãnh đạo Cộng sản cấp cao chứ không phải cấp trung bình hay cấp thấp, tuy trước đây thì họ thường bị chỉ trích nhiều hơn. Ông liệt ra những thành phần cá biệt, những người dựa vào kinh nghiệm quá khứ để phân tích tình hình hiện nay ở Nam Việt Nam mà quên mất “thực tiễn”. Thanh cho rằng “sẽ là mạo hiểm nếu rập khuôn đúng những gì diễn ra trong quá khứ vào hiện tại”.

Sự chỉ trích này rõ ràng đã thách thức những ai vẫn muốn sử dụng lối tư duy trong kháng chiến chống Pháp”. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - Báo cáo tối mật ngày 2/8/1966.

Trong đường lối quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam của Đảng, phương châm và lực lượng tiến hành chiến tranh nhân dân là những nội dung quan trọng, mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dành nhiều công sức nghiên cứu đề xuất, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Một nội dung cơ bản của phương châm chỉ đạo là đánh lâu dài, trường kỳ kháng chiến và sau này phát triển thành giành thắng lợi từng bước. Phương châm trường kỳ kháng chiến đã xác định từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là yêu cầu khách quan, xuất phát từ so sánh tương quan lực lượng ta và địch.

Tuy nhiên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ ra điểm cốt lõi: quan điểm đánh lâu dài của mỗi cuộc chiến tranh không hoàn toàn giống nhau: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc điểm cuộc cách mạng của ta hiện nay là trên cơ sở đánh lâu dài nhưng có điều kiện giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn, cho nên nói lâu dài, phải kết hợp với tranh thủ thời cơ, phải chuẩn bị tư tưởng, tổ chức đánh lâu dài, đồng thời phải biết tùy theo sự phát triển tình hình đã dự kiến tập trung lực lượng giành thắng lợi trong những thời cơ chiến lược nhất định”. 

“…Cộng sản đã luôn tỏ ra thực dụng trong chiến thuật và hành động quân sự; họ thường đánh giá mỗi tình huống chiến đấu dựa theo những điều kiện chủ yếu của từng thời điểm… Quân Cộng sản sẽ dựa vào tình hình thực tiễn để tính toán nước đi, dù là tấn công quy mô lớn hay đánh du kích”. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - Báo cáo tối mật ngày 25/8/1966.

Đại tướng phân tích cụ thể hai xu hướng nhận thức sai về phương châm đánh lâu dài. Một là, chỉ thấy khả năng giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn chứ không thấy đánh lâu dài là một yêu cầu cần thiết xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. 

Hai là, nhận thức đánh lâu dài theo quan điểm cũ kỹ, không thấy trong điều kiện hiện nay có thể giành thắng lợi trong điều kiện thời gian tương đối ngắn. Phải thấy mối quan hệ biện chứng giữa lâu dài và thời cơ; làm sao cho hai mặt đó hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau; tức là tổ chức sáng tạo thời cơ không những không chống lại quan điểm đánh lâu dài mà lại còn sáng tạo để đánh lâu dài, ngược lại đánh lâu dài nhưng luôn tạo thời cơ có lợi, biết tập trung lực lượng giành thắng lợi quyết định với cách đánh khôn ngoan nhất. 

Đại tướng chỉ rõ: quan điểm về đánh lâu dài và thời cơ khác nhau sẽ dẫn đến chủ trương xây dựng lực lượng khác nhau và cách đánh khác nhau, chứ không phải như hiện nay. Cách đánh mới sẽ liên quan đến phương châm lấy yếu đánh mạnh hay lấy mạnh đánh yếu? Đại tướng phân tích vấn đề phức tạp đó một cách sâu sắc: Ta thừa nhận có cái yếu hơn địch, nên nói lấy yếu đánh mạnh là đúng. “Nhưng không phải chừng đó, nói thế là công thức, chứ không phải cộng sản, mà phải nói những điểm mạnh, về quân sự ta có những điểm rất mạnh”; “… nhiều điểm mạnh rất cơ bản mà trước ta chưa thấy”.

Để lấy yếu đánh mạnh phải biết tập trung lực lượng giành thắng lợi quyết định. Và từ đó dẫn đến vấn đề tư tưởng chiến lược tiến công: “Quan điểm chiến lược của ta là chiến lược tiến công, một chiến lược với sáu phương thức tác chiến rất Việt Nam và rất sáng tạo”.

Đảng ta quán triệt quan điểm bạo lực, quan điểm tiến công, nhưng không phải bất chấp điều kiện và thời cơ. Theo Đại tướng: “Người chỉ đạo chiến lược phải hết sức thực tế, nếu không, quan điểm chiến lược, chiến thuật sẽ rất nghèo nàn, đơn điệu, cũ kỹ, máy móc theo nguyên tắc sách vở… Kinh nghiệm cũ rất quý, sách vở cũng rất quý, nhưng thực tế nó phát triển rất sinh động, nếu máy móc thì có khi thất bại, kinh nghiệm xương máu ở chiến trường chỉ rõ điều đó”.

“Trường Sơn cũng tuyên bố rằng “nếu chúng ta quay lại thế phòng thủ chiến lược, ta sẽ không thể đẩy nhanh lợi thế và sức mạnh, còn tạo điều kiện cho lực lượng địch tăng cường sức mạnh chiến lược và thực hiện tấn công chống chúng ta.” Trường Sơn nói, “sức mạnh của địch sẽ tăng đáng kể nếu chúng ta chần chừ, không dám mạnh mẽ tấn công mà để địch tấn công trước.” Thay vào đó, “chúng ta nên hành xử linh hoạt và sáng tạo bằng cách tránh những nơi nào mà địch mạnh,” nhưng vẫn giữ thế tấn công và đánh vào “nơi nào mà địch yếu”. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - Báo cáo tối mật ngày 25/8/1966. 

Nguyễn Chí Thanh không phải là người đầu tiên bàn về đánh lâu dài và chiến lược thời cơ. Nhưng quan điểm của Đại tướng có nhiều điểm sáng tạo, độc đáo, về những vấn đề cơ bản của tư tưởng, phương châm chỉ đạo và phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân Việt Nam, đó là mối quan hệ biện chứng giữa đánh lâu dài và thời cơ; sáng tạo ra thời cơ, nắm thời cơ; tư tưởng chiến lược tiến công; đánh thắng địch từng bước, từng trận; tập trung lực lượng và phương châm chỉ đạo để thực hiện quan điểm...

Quan điểm, tư tưởng, phương châm chỉ đạo chiến tranh nhân dân ở miền Nam nêu trên được Đại tướng tổng kết, đề xuất, phân tích, cụ thể hóa năm 1966 và trước đó, trong bối cảnh quân đội Mỹ ồ ạt vào miền Nam, thực thi chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Điều đó thể hiện tư duy mới, tư tưởng cách mạng tiến công, táo bạo, nhưng khoa học, dựa trên phương pháp xem xét, đánh giá tình hình, so sánh tương quan lực lượng rất biện chứng, vừa khách quan, toàn diện vừa phát triển.

Và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng với Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh Miền lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân miền Nam thực hiện. Đây là những tiền đề để Đảng ta tiếp tục phát triển, dẫn đến đòn tiến công chiến lược Mậu Thân 1968 và kế hoạch Tổng tiến công chiến lược xuân 1975.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong không gian nghiên cứu đương đại

Năm 2011, Nhà xuất bản Học viện Hải quân Hoa kỳ ấn hành chuyên khảo với cái tên dựa theo đúng phương châm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Nắm thắt lưng địch mà đánh” (“Grab Their Belts to Fight Them: The Viet Cong's Big-Unit War Against the U.S., 1965-1966” (Association of the United States Army).

Cuốn sách này tái hiện bối cảnh chiến tranh năm 1965, bất chấp những bất lợi rõ rệt về hỏa lực và tính cơ động, quân Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực đè bẹp miền Nam Việt Nam và đánh đuổi quân đội Mỹ bằng chiến lược giành thắng lợi nhanh chóng và quyết định không dựa trên chiến tranh du kích mà dựa trên chiến tranh đơn vị lớn.

Tác giả Warren Wilkins đã ghi lại sự hình thành, phát triển và sự tham gia của quân đội giải phóng miền Nam trong giai đoạn mở đầu của cuộc chiến tranh quy mô lớn và cho thấy sự thất bại của chiến lược đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định phát động Tết Mậu Thân như thế nào. Không giống như hầu hết các cuốn sách về chiến tranh khác thuần túy từ góc nhìn của người Mỹ, cuốn sách này phản ánh thông tin xác thực từ góc nhìn của ở phía bên kia chiến tuyến, với tác giả dựa trên hồi ký, lịch sử đơn vị và nghiên cứu chiến trường để tái hiện lại quá trình hình thành và triển khai các đơn vị quân đội trọng yếu, các trận đánh và chiến dịch quyết định cũng như quá trình định hình thế chiến lược của hai bên.

Những luận điểm mà các nhà sử gia Hoa kỳ đã đưa ra gần đây đã đánh giá về đường lối và nghệ thuật quân sự của những người cộng sản, nêu bật thực tế rằng: Với định hướng chiến lược đúng đắn, những đội quân dường như đã biến đổi một cách khác thường, chiến đấu quả cảm dù rằng được trang bị hoàn toàn có khả năng chiến đấu theo cách thông thường hơn, cho dù họ được trang bị vũ khí lạc hậu thế nào so với đối thủ.  

Góc nhìn rất khác biệt về chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Trong cuốn sách: “Hanoi's War: An International History of the War for Peace in Vietnam” (tạm dịch: “Cuộc chiến của Hà Nội: Lịch sử quốc tế về cuộc chiến vì hòa bình tại Việt Nam”), giáo sư Liên-Hang T. Nguyễn đã đưa ra một góc nhìn rất khác biệt về chân dung Nguyễn Chí Thanh cùng với các nhà lãnh đạo Việt Nam giai đoạn này với vai trò là những người tiên phong cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, theo một đường lối riêng, phương pháp riêng không hề phụ thuộc vào những o bế, sức ép trong bối cảnh phức tạp của khu vực và thế giới, đặc biệt là những xung đột ý thức hệ và mâu thuẫn trong quan hệ Xô - Trung lúc bấy giờ.

ncthanh3.jpg
Những hình ảnh về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội. Ảnh: Thái An

Trong khi hầu hết các nhà sử học về cuộc chiến tranh tại Việt Nam tập trung vào nguồn gốc sự can dự của Hoa Kỳ và việc Mỹ hóa cuộc xung đột, thì Liên-Hang T. Nguyễn xem xét bối cảnh quốc tế trong đó các nhà lãnh đạo Bắc Việt trong đó có Nguyễn Chí Thanh đưa ra quan điểm về cuộc chiến trong khát vọng hòa bình. Câu chuyện hấp dẫn này đưa người đọc từ những vùng đầm lầy ở đồng bằng sông Cửu Long đến vùng đồng bằng sông Hồng đầy bom đạn, từ hành lang quyền lực ở Hà Nội và Sài Gòn đến Nhà Trắng Nixon, từ các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris đến các cuộc gặp cấp cao ở Bắc Kinh và Moscow…. Tất cả đều bộc lộ rằng cơ hội đi tới hòa bình chưa bao giờ khó khăn đến thế.

Bằng việc sử dụng các tài liệu lưu trữ chưa từng thấy từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng như các tài liệu từ các cơ quan lưu trữ khác trên thế giới, tác giả đã lý giải những xung đột chính trị và giải pháp kiến tạo hòa bình không chỉ từ quan điểm của Bắc Việt mà còn đặc trong những tham chiếu so sánh quan điểm của miền Nam Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc và Hoa Kỳ, thể hiện một bức chân dung quốc tế độc đáo.

Có thể khẳng định rằng những di sản của Nguyễn Chí Thanh và thời đại của ông vẫn là chủ đề mà các nhà nghiên cứu thế giới dành sự quan tâm rất lớn. Gần đây, nhà sử học nổi tiếng Pierre Asselin với công trình “Vietnam's American War: A History (Cambridge Studies in US Foreign Relations)” (tạm dịch: Cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam”) đã nhấn mạnh quan điểm và nhận định về giai đoạn này. Tác giả cho rằng trong khi lực lượng Cộng sản trong Chiến tranh Việt Nam đã thua hầu hết các trận chiến và chịu thương vong cao hơn đáng kể so với Hoa Kỳ và các đồng minh trong suốt cuộc xung đột.

Cuộc chiến trên bộ ở miền Nam Việt Nam và cuộc chiến trên không ở miền Bắc chắc chắn rất quan trọng trong việc định hình số phận kẻ thắng và kẻ thua, nhưng không chỉ riêng các nhà quân sự mà ngay cả các nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị cũng không giải thích được tại sao cuối cùng Hà Nội lại đánh bại Washington. Để hiểu Chiến tranh Việt Nam, hậu thế phải nhìn xa hơn những vấn đề nội tại của cuộc chiến này.

Trong tác phẩm mới của mình, Pierre Asselin giải thích những kinh nghiệm hình thành và thế giới quan của những người đã nghĩ ra chiến lược và chiến thuật cộng sản trong cuộc xung đột, đồng thời phân tích lý do căn bản và tác động của chúng. 

Dựa trên hai thập kỷ nghiên cứu trong các kho lưu trữ của chính Việt Nam, bao gồm các văn bản chưa được công bố rộng rãi, nhà sử học Asselin đã đưa ra một góc tiếp cận mới về bức tranh lịch sử và chân dung những con người tiêu biểu, trong đó có Nguyễn Chí Thanh và những hướng nghiên cứu cần tiếp tục được khai mở.