Huế là cái nôi của văn hoá - ẩm thực miền Trung với những món ăn được chế biến cầu kỳ, độc đáo từ ẩm thực cung đình đến các món vỉa hè dân dã. Đặc biệt, những món ăn vỉa hè ở Cố đô Huế luôn mang lại ấn tượng đặc biệt cho du khách bởi hương vị đặc trưng và giá thành hợp lý.
Đậu hũ (hay còn gọi là tàu hủ hoặc tào phớ) từ lâu trở thành món ăn giản dị quen thuộc của người dân cũng như du khách thập phương đến với Cố đô Huế.
Tồn tại ngót nghét gần 20 năm, xe đậu hũ của bà Lê Thị Kim Oanh (60 tuổi, trú phường Hương Hồ, TP Huế) dưới chân chùa Thiên Mụ được nhiều người tìm đến thưởng thức.
Gần 20 năm trôi qua, hình ảnh người phụ nữ có hình dáng gầy gò, không quản ngày nắng ngày mưa, một mình đẩy xe đậu hũ bán dạo dưới chân chùa Thiên Mụ đã đi vào tiềm thức của nhiều du khách và bao thế hệ sinh viên tại Huế.
Đôi tay thoăn thoắt múc đậu hũ ra bát cho khách, bà Oanh chia sẻ, gần 7 năm trước, tai hoạ vô tình ập đến với gia đình của bà khi người chồng bị bệnh ung thư qua đời, để lại 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Chồng mất, một tay bà Oanh quán xuyến mọi việc trong nhà. Gánh nặng về kinh tế, cuộc sống và chăm sóc các con trưởng thành đè lên đôi vai người phụ nữ này.
Mỗi ngày bà Oanh đều dậy từ lúc 4h30 sáng để chuẩn bị mọi thứ, từ bàn ghế, xe đẩy đến chén bát. Đúng 7h sáng, xe đậu hũ của bà đậu trước cửa nhà, bán cho những người quen rồi đến 9h, bà lại đẩy xe lên gốc cây phượng trước cổng chùa Thiên Mụ để bán cho du khách.
“Mọi người vẫn hay chia sẻ, ẩm thực đường phố ở Huế đa dạng và họ thích tìm đến gánh đậu hũ của tôi vì cảm nhận được bát đậu hũ ngon, thanh mát lại được ngắm cảnh sông Hương thơ mộng dưới chân Thiên Mụ”, bà Oanh chia sẻ.
Bán đậu hũ nuôi 3 con trưởng thành
Theo người phụ nữ này, nhiều năm trước, mỗi bát đậu hũ được bán với giá 5.000 đồng. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, do giá nguyên liệu tăng cao, mỗi bát đậu hũ cũng được tăng thêm 2.000 – 3.000 đồng để bù chi phí.
“Mỗi ngày từ sáng đến tối, nếu thời tiết thuận lợi hoặc gặp đoàn khách du lịch tham quan chùa Thiên Mụ, tôi cũng bán được khoảng 200 đến 300 ngàn đồng tiền đậu hũ, đủ tiền nuôi con ăn học”, bà Oanh nói.
Hàng chục năm rong ruổi với chiếc xe bán đậu hũ dạo, ẩn sau khuôn mặt có phần khắc khổ của người phụ nữ bước vào tuổi lục tuần này có những câu chuyện khiến nhiều người nể phục. Đặc biệt, trong câu chuyện với chúng tôi, đôi mắt bà rực sáng khi kể về 3 đứa con của mình.
“Mấy năm trước, đứa con gái lớn trúng tuyển vào ngành Sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm Huế. Hai đứa em sau cũng nối gót chị lần lượt trúng tuyển vào các trường Ngoại ngữ và Y Dược (Đại học Huế).
Hiện cô con gái lớn của tôi đã ra trường, có công việc ổn định và hạnh phúc bên cạnh gia đình nhỏ của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, cô con gái thứ hai đi du học ở Nhật Bản còn cậu con trai út vẫn đang tiếp tục hành trình học tập của mình”, bà Oanh tự hào chia sẻ.
Những ngày cuối tháng 8, thời điểm chúng tôi tìm đến xe đậu hũ của bà Oanh cũng là lúc hàng chục bạn trẻ và du khách đang ngồi dưới chân chùa Thiên Mụ thưởng thức món đậu hũ thanh mát của bà.
Miệng cười nhỏ nhẹ, đôi tay thanh thoát múc những bát đậu hũ tươi mát cho du khách, lâu lâu bà Oanh lại trở thành “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ khi du khách muốn hỏi thăm về những cảnh quan, các điểm du lịch ở Huế.
“Tôi từng nhiều lần thưởng thức món đậu hũ ở Huế nhưng chưa cảm nhận được ở đâu ngon như bát đậu hũ của cô Oanh. Bát đậu hũ ở đây có màu trắng ngà quyện trong mùi nước đường và vài lát gừng thơm phức.
Sự thân thiện, nhiệt tình của cô cũng khiến cho mọi người cảm nhận được sự gần gũi và thân thương. Tôi để ý thấy bất cứ du khách nào ghé vào ăn đậu hũ, cô cũng vui vẻ, niềm nở tiếp đón”, chị Khánh Linh (du khách đến từ TP Đà Nẵng) chia sẻ.
Đình Thành - Thúy Nga