Ý tưởng hình thành cuốn sách được bắt nguồn từ bài viết Bệnh sợ trách nhiệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1973, khi Tổng Bí thư là một biên tập viên của tạp chí.
Nội dung tập hợp bài viết của nhiều tác giả nhằm chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ, trăn trở, thể hiện niềm tin, sự khẳng định đối với vai trò của người trẻ hiện nay.
Đặc biệt, ý nghĩa xuyên suốt cuốn sách mà tập thể tác giả muốn gửi gắm là sự động viên, khích lệ thế hệ trẻ cần nuôi dưỡng, giữ gìn vốn quý, không ngừng phát triển và sáng tạo ra nhiều giá trị hơn nữa nhằm bảo đảm một tương lai thành công, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Cuốn sách Người trẻ có sợ trách nhiệm được mở đầu bằng bài viết Bệnh sợ trách nhiệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù bài viết ra đời cách đây nửa thế kỷ, tình hình, nhiệm vụ lúc đó khác so với bây giờ, song những quan điểm và tinh thần dám lên án, dám đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm” khi Tổng Bí thư còn là một cán bộ trẻ vẫn còn nguyên tính thời sự, hàm chứa ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn.
Thực tiễn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia và trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay minh chứng rằng, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, thế hệ trẻ luôn có những ước mơ và hoài bão lớn, sẵn sàng dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung theo đúng tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Nhưng bên cạnh đó, ở nơi này nơi kia vẫn còn những người trẻ sống thờ ơ, vô tâm, ích kỷ, đôi khi đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết mà quên đi vai trò với cộng đồng, xã hội, gia đình và những người xung quanh. Đó có phải là biểu hiện sợ trách nhiệm - một “căn bệnh” hay không?
Hay như bài viết của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn về Vấn đề thanh niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục định hướng cho công tác thanh niên của Đảng ta trong thời kỳ mới, từ đó xây dựng được một đội ngũ kế cận xứng đáng, gánh vác sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành tựu của cách mạng.
Hoặc khi bàn về ước mơ thoát nghèo của thanh niên địa phương nơi mình công tác, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mù Cang Chải Nông Việt Yên đã thể hiện sự trăn trở nhìn thẳng vào thực tiễn để đánh giá đúng những nấc thang phát triển về nhận thức của thanh niên nơi đây. Các tấm gương sáng được nêu trong bài viết cho thấy họ là người hơn ai hết hiểu rằng không thể mãi trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải tự thân vận động, tự khẳng định mình, biến ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy và làm giàu chính đáng trên quê hương trở thành sự thật.
23 bài viết trong cuốn sách là những suy nghĩ, trao đổi, thể hiện niềm tin, sự khẳng định đối với vai trò của người trẻ trong công việc và cuộc sống; đưa ra những góc nhìn, đánh giá khách quan về thế hệ trẻ và lý do tại sao cần trao cho họ những cơ hội, chính sách ưu tiên để phát triển.