Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh khá phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Theo thống kê, 10-20% người lớn từng bị trào ngược dạ dày thực quản ít nhất một lần trong đời.
Khi hoạt động bình thường, dạ dày tiết ra axit mạnh và các enzym để giúp tiêu hóa thức ăn. Ở một số người, axit có thể thoát ra khỏi dạ dày, đi ngược lên vào đoạn dưới của thực quản, gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh thường có các biểu hiện như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua; buồn nôn, nôn; đau, tức ngực; khó nuốt; khản giọng và ho; miệng tiết ra nhiều nước bọt; đắng miệng. Ngoài ra, người bệnh có thể chán ăn, sụt cân, bị thiếu máu, hoặc chảy máu ở đường tiêu hóa.
"Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, trào ngược hoàn toàn không gây ra bất kỳ triệu chứng nào", bác sĩ Nguyễn Xuân Kiên, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay.
Ông cũng nhận định những người bị trào ngược làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến.
Theo thông tin từ Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư thực quản là căn bệnh cướp đi mạng sống của hơn 3.000 người Việt mỗi năm.
Một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này là chứng trào ngược dạ dày thực quản. Theo đó, người có triệu chứng trào ngược này mỗi tuần/lần làm tăng nguy cơ ung thư thực quản lên 5 lần, trào ngược mỗi ngày một lần làm tăng nguy cơ này lên 7 lần.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Kiên, hầu hết những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản không phát triển thành ung thư thực quản. Dù vậy, tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể gây ra Barrett thực quản, đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
"Hiện tượng trào ngược axit dạ dày vào đoạn dưới thực quản diễn ra liên tục trong thời gian dài có thể làm tổn thương lớp niêm mạc bên trong của thực quản. Điều này khiến các tế bào vảy thường lót bên trong niêm mạc thực quản được thay thế bằng các tế bào biểu mô tuyến. Các tế bào tuyến này trông giống như các tế bào lót ở niêm mạc dạ dày và ruột non, chúng có khả năng chống lại axit dạ dày cao hơn. Tình trạng này được gọi là bệnh Barrett thực quản", bác sĩ Kiên phân tích thêm.
Biến chứng khác của trào ngược dạ dày, thực quản
- Viêm họng mạn tính: Khi lượng dịch vị axit trào ngược lên vùng hầu họng dễ gây viêm nhiễm với các triệu chứng gồm ho, vướng đờm ở cổ. Nếu không giữ ấm vùng cổ khi ra ngoài đường, tình trạng bệnh sẽ nặng thêm. Ngoài ra, nhiều người chỉ uống thuốc trị viêm họng bằng kháng sinh thông thường mà không chú ý đến tình trạng trào ngược dạ dày khiến hiệu quả điều trị không đạt kết quả cao.
- Viêm thanh quản, phế quản: Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học, kèm theo axit dạ dày trào lên dễ gây viêm thanh quản. Bệnh gây rát họng, mất tiếng, khàn tiếng… Nếu không được kiểm soát tốt, viêm thanh quản, phế quản dễ bị tái phát thành mạn tính.
Ngoài ra, trào ngược dạ dày thực quản có thể tái phát và biến chứng nặng hơn với các triệu chứng như đầy bụng, mất cảm giác thèm ăn, nuốt vướng, nghẹn cổ... Đây là biểu hiện của biến chứng loét, hẹp thực quản.