Chiều 17/4, Hội Khoa học hành chính Việt Nam triệu tập Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 37 thành viên và thống nhất đổi tên Hội Khoa học hành chính Việt Nam thành Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam.
Ngay sau đó, Ban Chấp hành Hiệp hội họp phiên thứ nhất để kiện toàn nhân sự. Kết quả, Ban Chấp hành Hiệp hội đã bầu TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Nội vụ làm Chủ tịch; 2 Phó Chủ tịch gồm: TS. Phạm Trí Thức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và TS. Phạm Quang Long, Giám đốc Trung tâm Phát triển nhân lực Vustar.
Ban Chấp hành Hiệp hội cũng bầu 9 Ủy viên Ban Thường vụ.
Vì một nền hành chính phục vụ nhân dân
Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hiệp hội đưa ra phương châm “Liên kết, gắn bó, sáng tạo, trách nhiệm”, "vì một nền hành chính phục vụ nhân dân".
Hiệp hội phấn đấu thành lập thêm ít nhất 10 chi hội ở những địa phương, vùng có tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển khoa học hành chính; xúc tiến và thúc đẩy thành lập Hội địa phương để các Hội này sẽ tham gia Hiệp hội Khoa học hành chính với tư cách là thành viên tổ chức.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng phấn đấu mỗi năm triển khai nghiên cứu ít nhất 2 - 3 đề tài nghiên cứu cấp Bộ; một đề tài cấp nhà nước; tích cực tham gia và các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, đánh giá hiệu quả, sự hài lòng của người dân đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hiệp hội.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, Đảng xác định “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”.
Để thực hiện được điều này cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, giải quyết 3 yêu cầu cơ bản: Tổ chức nền hành chính quốc gia đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; kiểm soát và phát huy tính năng động của kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát huy dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương hành chính. Giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước – Thị trường – Xã hội.
“Song song với đó cần sử dụng và phát huy hiệu quả các sản phẩm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các thành tựu khác của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng; đồng thời hội nhập sâu rộng với quốc tế, tiến cùng thời đại văn minh của nhân loại”, Chủ tịch MTTQ Việt Nam nêu rõ.
Ông Chiến lưu ý, Hội là nơi tập hợp quy tụ những người cùng sở thích, hiểu biết, đam mê nghiên cứu khoa học hành chính. Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí, cùng nhau trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, bổ sung tri thức, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học theo đặt hàng của Nhà nước.
Đồng thời tạo sự đồng thuận, tư vấn góp ý, phản biện xã hội, đóng góp công sức, trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính quốc gia chuyên nghiệp, hiện đại vì nhân dân phục vụ góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Ông Trần Anh Tuấn sinh ngày 24/2/1961; quê ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Khoa học Quản lý, Thạc sỹ Kinh tế Thương mại. Ông có thời gian dài gắn bó và giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, từng phụ trách tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, chính quyền địa phương; công tác hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ; công tác thanh niên… Ông là người chủ trì xây dựng một số luật quan trọng như: Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức; Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương. Hiện nay, ông đã nghỉ hưu theo chế độ. |
Thu Hằng
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ làm CT Hội Khoa học hành chính
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Ngọc Hiến được đại hội lần thứ nhất Hội Khoa học hành chính bầu làm Chủ tịch Hội.Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nghỉ hưu
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nghỉ hưu từ ngày 1/6/2021; Bộ Nội vụ còn 4 Thứ trưởng: Nguyễn Duy Thăng, Triệu Văn Cường, Nguyễn Trọng Thừa và Vũ Chiến Thắng.