Trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội lần thứ VIII, sự kiện “Làng làng phố phố Hà Nội” do Nhã Nam tổ chức đã giới thiệu tới bạn đọc hai tập sách của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến Hà Nội còn một chút nàyQua đêm ở nhà các vua Nguyễn.

Hà Nội là một đề tài quen thuộc được nghiên cứu và khai thác ở nhiều tác phẩm, thể loại. Theo dòng chảy lịch sử, sự thay đổi của Thủ đô luôn được chú ý, được các cây bút tái hiện và ghi nhận bằng sự trân trọng và yêu quý.

ngoctien.jpg
Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến (trái) và nhà văn Trương Quý (phải) trao đổi tại sự kiện.

Trong số họ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến là một tác giả kỳ cựu với sự nghiệp cầm bút trên 30 năm, hòa mình vào từng nhịp thở của mảnh đất Hà Nội quê hương, lăn lộn với đời trên khắp các vùng miền từ Nam ra Bắc. Chặng đường rong ruổi với chữ nghĩa, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm dày dặn, phong phú về thể loại.

Không chỉ viết về Hà Nội nhiều và hay, Nguyễn Ngọc Tiến còn viết rộng hơn thế, ông viết về đất nước cũng thú vị không kém. Đất nước trên trang viết của ông có khi nhọc nhằn và đau khổ theo chân những người đồng bào chạy dịch Covid từ Nam ra Bắc, lại có khi phong tình quyến rũ trong hương vị của “mắm Nghệ, lòng giòn, rượu ngon, cơm trắng”.

Qua tập tản văn Hà Nội còn một chút này (2022), tác giả Nguyễn Ngọc Tiến dường như muốn kể cho chúng ta về một Thủ đô khác, với những lịch sử khác qua việc trả lời hàng loạt câu hỏi lạ lùng như: Vì sao nước hồ Gươm xanh, và nước hồ Gươm xanh đẹp là thế sao dẫn lối cho lắm cô gái trẻ đến tự tử? Từ bao giờ và làm thế nào mà giọng pha tạp của người tứ chiếng đến Hà Nội dần trở thành giọng chuẩn của phương ngữ Bắc?...

20231008 222955.jpg
Tác phẩm 'Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn'.

Tiếp nối chặng đường viết lách đầy đam mê, tản văn Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn tập hợp gần 30 bài viết, bộc lộ những trải nghiệm và suy tư sâu sắc của Nguyễn Ngọc Tiến về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.

Chia sẻ về ý tưởng viết tác phẩm Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn với nhà văn Trương Quý, nhà văn tâm sự: "Tôi tò mò chuyện các vua ngủ và ăn uống ra sao, bàn bạc với quan đại thần hay đối xử với các con, hoàng hậu, cung tần như thế nào... nên nhiều lần có ý định ngủ một đêm trong Hoàng thành, song không được. 

May mắn thay, nhờ có người quen giúp đỡ, tôi "mua chuộc" bảo vệ cho mình nghỉ lại một đêm, từ đó nảy sinh xúc cảm kỳ lạ để viết sách, tôi bắt đầu suy nghĩ về những vị vua xưa cùng quyền lực của họ, nghĩ tới lăng mộ các vua Nguyễn được xây sau này như vua Gia Long, Minh Mạng,Tự Đức... để thấy rằng cuộc đời làm vua quả thực 'ngồi trên đầu thiên hạ', nhưng khi mất vẫn 'khôn dại cùng chung ba thước đất' như thơ của vua Tự Đức".

Tại buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, khi viết sách, ông thường chọn những chủ đề độc lạ, ít được quan tâm nhằm hấp dẫn người đọc, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu về tri thức.

Với quan niệm ấy, Hà Nội trong từng trang viết của ông luôn luôn đẹp từ những điều nhỏ nhặt và quen thuộc nhất. Không chỉ chắt lọc trải nghiệm và suy tư về đất nước của người viết, hai cuốn sách còn lắng đọng niềm trăn trở của một khách phong trần nặng tình núi sông.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội. Ông gắn bó phần lớn cuộc đời với thành phố quê hương và có gần 30 năm làm phóng viên cho báo Hà Nội Mới.

Ngoài các cuốn sách khảo cứu về Hà Nội, ông còn viết văn, viết kịch bản sân khấu và kịch bản phim. Năm 2012, Nguyễn Ngọc Tiến nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội với hai tác phẩm Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội .