Sự kiện do Nhã Nam phối hợp với Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.
Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ và được tán tụng là xuất chúng của nhà văn Yasushi Inoue, Súng săn và Bọ tuyết là hai tác phẩm mang phong cách viết hoàn toàn khác biệt. Điểm chung duy nhất của hai tác phẩm này và cũng là đặc trưng không thể nhầm lẫn trong các sáng tác của Yasushi Inoue là sắc màu của buồn thương, tịch liêu.
Tiểu thuyết Súng săn là tác phẩm đầu tay của Yasushi Inoue. Cuốn sách được kể dưới dạng những bức thư, được gửi từ ba người phụ nữ cho một người đàn ông: cô con gái phát hiện ra người mẹ đã khuất của mình là kẻ ngoại tình, người vợ bị lừa dối và người đàn bà ngoại tình.
Trong bức thư của cô con gái gửi cho người chú của mình, cô đã nhắc đến một màu sắc mới không có ở hộp màu thường thấy, một thứ màu “ủ dột, như thể mặt trời đang lặn” của buồn thương.
Nhà văn Nhật Chiêu nhận định, nỗi buồn trong Súng săn không phải nỗi buồn bi lụy mang tính cá nhân mà gần như bao trùm lên toàn bộ cuộc đời của các nhân vật được nhắc đến.
“Tiểu thuyết Súng săn tuy giản dị và đơn sơ, nhưng nếu đọc kỹ từng câu, dường như tác phẩm có thể kết nối người đọc với nỗi buồn của nhân sinh và ai trong chúng ta cũng phải trải qua nỗi buồn đó để tìm đến hạnh phúc”, nhà văn Nhật Chiêu nhận xét.
Theo Tiến sĩ Văn học Trần Thị Thục, Giảng viên Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Inoue có thể len lỏi tới phần sâu thẳm trong trái tim của mỗi con người, và chỉ với chi tiết những bức thư, dường như mọi thứ bên trong con người dần trở nên xáo trộn và khiến chúng ta phải quay lại tự vấn bản thân.
Khác với Súng săn, gam màu của Bọ tuyết mang nhiều nét tươi sáng hơn, song cũng không tránh khỏi nét màu buồn bã và cô đơn. Đằng sau khung cảnh thiên nhiên gắn liền với thời thơ ấu của lũ trẻ cũng là những chi tiết thể hiện nỗi sợ và buồn thương trong số phận của cậu bé Kousaku.
Qua miêu tả về loài bọ tuyết cùng những chiếc lá lật ngược bởi gió thu của Inoue, nhà văn Nhật Chiêu khẳng định cuốn tự truyện của Inoue chứa đựng nhiều tầng nghĩa sâu xa.
“Khi cơn gió mùa thu của cuộc đời đi qua, những chiếc lá lật mặt sau của nó ra, và giống như mặt sau của chiếc lá, phía sau của tang tóc là óng ánh bạc- màu của hạnh phúc. Ngược lại, sau ánh bạc của hạnh phúc là những nỗi buồn thương.
Đọc tác phẩm của Yasushi Inoue để hiểu rằng, đau buồn là một dạng của hạnh phúc, và hạnh phúc cũng là một dạng của buồn thương. Văn chương của Inoue tinh tế đến mức, chỉ cần đọc nhanh một chút thôi, cũng có thể lỡ mất các tầng sâu ý nghĩa”, nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ.