Theo các hãng tin Reuters và AP, thỏa thuận nhằm đưa chiến đấu cơ tiên tiến vào hoạt động trong năm 2035, bằng cách kết hợp dự án Hệ thống không chiến tương lai - còn gọi là Tempest do Anh dẫn đầu với chương trình F-X của Nhật Bản, ba nước cho biết trong một tuyên bố chung ngày 9/12.
Kế hoạch hợp tác 3 bên này mang tên Chương trình Không chiến Toàn cầu (GCAP). Lãnh đạo ba nước cho biết: "Chúng tôi cam kết duy trì trật tự quốc tế cởi mở, tự do và dựa trên luật lệ, vốn quan trọng hơn bao giờ hết vào thời điểm những nguyên tắc này đang được tranh cãi và những mối đe dọa cũng như những hành động gây hấn đang gia tăng".
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, máy bay mới sẽ là chiến cơ tàng hình đa nhiệm, vượt trội so với chiếc F-35 và Eurofighter. Máy bay mới dự kiến sẽ thay thế cho 94 chiếc F-2s của Nhật và 114 chiếc Eurofighters của Anh và 94 chiếc Eurofighter ở Italia. Các quan chức ba nước nói thêm, các chi tiết khác gồm mục tiêu sản xuất, chi phí phát triển, mẫu thiết kế vẫn đang được thảo luận.
Ban đầu, Nhật Bản coi công ty Lockheed Martin của Mỹ là đối tác trong việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, Tokyo đã hủy kế hoạch, vốn được cho là do công ty của Mỹ không muốn chia sẻ những kiến thức chủ chốt về công nghệ tàng hình. Sau đó, Anh và Italia được Nhật Bản chọn làm đối tác sau khi Tokyo chắc chắn rằng hai quốc gia trên sẽ chia sẻ thông tin quan trọng, cho phép mỗi nước đưa ra quyết định của mình về việc sửa chữa.
Theo thỏa thuận hợp tác phát triển chiến đấu cơ, công ty Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản sẽ hợp tác với nhà thầu quốc phòng BAE Systems PLC của Anh và Leonardo S.p.A của Italia. Công ty IHI của Nhật Bản, Rolls Royce của Anh và Avio Aero của Italia sẽ chịu trách nhiệm về động cơ trong khi Mitsubishi Electric Co. của Nhật, Leonardo của Anh và Leonardo S.p.A của Italia sẽ làm việc về hệ thống điện tử hàng không.
Trong một tuyên bố chung với Nhật Bản được đưa ra vào hôm qua, Lầu Năm Góc đã ủng hộ việc phát triển chiến đấu cơ mới.