Cục Dân số ghi nhận yếu tố dẫn đến thực trạng kết hôn muộn hay sinh muộn, sinh ít, không muốn sinh con ở Việt Nam là do học vấn, điều kiện sống được cải thiện, tâm lý thích thụ hưởng cuộc sống.
Thông tin do Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cung cấp. Ngoài ra, nguyên nhân khiến người Việt, đặc biệt ở thành thị, ngại sinh con là do đô thị hoá, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con.
Bên cạnh đó, “hạ tầng, dịch vụ còn nhiều bất cập” cũng được đề cập là một trong 4 nhóm yếu tố tác động tâm lý hành vi kết hôn hay sinh đẻ của người Việt. Đồng thời, tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh có xu hướng gia tăng.
Số liệu thống kê năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy mức sinh trung bình của người “giàu nhất” là 2 con, trong khi người “nghèo nhất” 2,4 con. Người có mức sống “giàu” và “trung bình” mức sinh từ 2,03 đến 2,07 con. Thống kê từ Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê do lãnh đạo Cục Dân số dẫn ra không nêu rõ cơ sở xác định tiêu chí mức sống giàu nhất - giàu hay nghèo nhất - nghèo.
Người có trình độ học vấn dưới bậc tiểu học sinh tới 2,35 con còn người trình độ trên THPT sinh 1,98 con.
Ông Hoàng cho biết ở khu vực thành thị, việc thiếu trường học, nỗi lo về học phí, chi phí sinh hoạt... khiến nhiều người e ngại sinh con. Nhiều người Việt cũng có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn sinh con.
Ngoài ra, phụ nữ thành thị cũng sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn. Cụ thể, tại khu vực thành thị, mức sinh cao nhất là nhóm phụ nữ 25-29 tuổi, với tỷ suất sinh 127 trẻ/1.000 phụ nữ. Còn ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất là nhóm 20-24 tuổi với 147 trẻ/1.000 phụ nữ.
Việt Nam đã đạt và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2006 (mức sinh dưới 2,1 con), tuy nhiên với khu vực thành thị, mức sinh luôn thấp hơn từ 25 năm qua. TPHCM hiện có mức thấp nhất cả nước, với 1,32 con/phụ nữ, số liệu năm 2023. Khu vực Đông Nam bộ, mức sinh hiện chỉ 1,47 con/phụ nữ, rất thấp và ngày càng thấp.
Mức sinh ở Việt Nam năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm; người thành thị luôn có mức sinh thấp hơn mức chung. Đồ hoạ: Võ Thu
Hiện 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, hầu hết nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, công bố kết quả một khảo sát 1.200 phụ nữ tại 4 tỉnh, thành ở phía Nam có mức sinh thấp gồm Khánh Hoà, TPHCM, Sóc Trăng, Cà Mau năm 2023, cho thấy lý do lớn nhất để người TPHCM không định sinh nhiều con hơn là đã “đủ số con mong muốn” với gần 56% người được hỏi trả lời. Trong khi đó, 30% người cho rằng không muốn sinh nhiều hơn là vì lý do “không có đủ tiền để nuôi dạy con tốt”. Chỉ hơn 5-6% cho rằng không có đủ chỗ ở/nhà chật chội hoặc các dịch vụ y tế, giáo dục quá đắt.
Chia sẻ về tâm lý "thích tận hưởng cuộc sống nên ngại kết hôn, sinh con" của người trẻ hiện nay, Giáo sư Nguyễn Đình Cử, chuyên gia hàng đầu về Dân số học, cho rằng cần hướng nhìn xa hơn về tương lai thay vì những lợi ích hay nỗi lo trước mắt.
"Đúng là tuổi trẻ nếu không sinh con thì được tự do, tự quyết. Nhưng thế hệ trẻ cần có tầm nhìn xa vì không ai trẻ mãi, ai cũng đến lúc già, nên cần nghĩ tới giai đoạn 60 tuổi trở lên. An sinh xã hội ở nước ta vẫn còn khiêm tốn, chưa gánh được chức năng chăm sóc người cao tuổi, việc này vẫn phải dựa vào gia đình, cộng đồng. Hơn nữa, có con cái, chúng ta mới có động lực làm kinh tế, mới trải nghiệm được các cung bậc tình cảm, về tình yêu, trách nhiệm", vị chuyên gia chia sẻ.
Nếu mức sinh vẫn giảm mạnh, 30 năm nữa dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm
Theo dự báo, trong trường hợp mức sinh giảm mạnh thì sau năm 2054, nghĩa là 30 năm nữa, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.
Giai đoạn 5 năm sau đó, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm này vào cuối thời kỳ dự báo (từ 2064-2069) là 0,18%, tương đương giảm bình quân 200.000 người/năm.
Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến khoảng 2064-2069, dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, một cuộc điều tra tiến hành vào năm 2019 tại các tỉnh phía Nam cho thấy 91% người được hỏi đều nhận định chi phí vật chất để nuôi con là "cao và rất cao".
Theo GS Nguyễn Thiện Nhân, muốn mỗi nhà đủ 2 con, điều kiện công việc, chế độ lương, thăng tiến phải khuyến khích lập gia đình và sinh con, đồng thời cần dạy cách làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ hạnh phúc.