Theo dự báo của Cục Dân số (Bộ Y tế), trong trường hợp mức sinh giảm mạnh, sau năm 2054, nghĩa là 30 năm nữa, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.
Giai đoạn 5 năm sau đó, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm này vào cuối thời kỳ dự báo (từ 2064-2069) là 0,18%, tương đương giảm bình quân 200.000 người/năm.
Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo đến khoảng 2064-2069, dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.
Mức sinh trên cả nước năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), cả nước hiện có 21 tỉnh/thành có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, 9 địa phương đạt mức sinh thay thế.
Dự báo 7 tỉnh có tỷ lệ tăng dân số ở mức âm năm 2024
Trong nhóm các tỉnh có mức sinh thấp, Cục Dân số đưa ra dự báo tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của 19 tỉnh/thành theo phương án trung bình, giai đoạn từ 2024-2045. Đây đều là các tỉnh thuộc khu vực Đông và Tây Nam bộ.
Năm 2024, dự báo có 7 tỉnh tỷ lệ tăng dân số ở mức âm, gồm: Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cà Mau. Trong đó, An Giang có tỷ lệ tăng dân số là -0,7%, các tỉnh còn lại từ -0,1 đến -0,4%. Ngoài ra, Bến Tre và Trà Vinh có mức tăng 0%.
Như vậy, với dân số khoảng 1,9 triệu người (2023), với dự báo tỷ lệ tăng trưởng âm, An Giang sẽ giảm khoảng 13.300 người năm 2024.
TPHCM, nơi có mức sinh thấp nhất hiện nay với 1,32 con/phụ nữ, năm 2024, dự báo dân số sẽ tăng 1,9%, đạt gần 9,9 triệu người. Tỷ lệ gia tăng dân số sẽ giảm dần, từ năm 2024-2029-2039-2045 lần lượt là 1,4-0,9-0,6 và 0,5%. 20 năm nữa, dân số TPHCM tăng chưa đến 2 triệu người.
Dân số Việt Nam hết năm 2023 đạt khoảng 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người so với năm 2022, tương đương tăng 0,85%, thấp hơn mức 0,98% của năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Năm 2022, cả nước ghi nhận 2 tỉnh Cà Mau và Hậu Giang có tỷ lệ tăng dân số ở mức âm (tổng dân số năm sau thấp hơn năm trước). Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ tăng dân số ở Hậu Giang là -0,06%, năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm với -0,16%. Tỷ lệ này ở Cà Mau lần lượt là -0,09 và -0,02%. Trong 3 năm 2021-2023, Hậu Giang sụt giảm 1,6 triệu người, còn Cà Mau sụt 1,4 triệu.
Theo dự báo Cục Dân số mới đưa ra, năm 2024, mức tăng dân số ở Hậu Giang là -0,4%; Cà Mau là -0,3%.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, chuyên gia hàng đầu về Dân số học, tỷ lệ tăng dân số trong nội bộ một địa phương phụ thuộc nhiều yếu tố, ngoài mức sinh, mức chết, còn có yếu tố nhập cư, xuất cư (di cư).
"Thái Bình, Bến Tre hay Nghệ An, Hà Tĩnh là những địa phương có mức xuất cư lớn, tỷ lệ tăng dân số có thể thấp nhưng không có nghĩa mức sinh của họ quá thấp. Những trường hợp này phải nghiên cứu kỹ các yếu tố tác động", Giáo sư Cử nói với VietNamNet.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng các tỉnh Đông và Tây Nam bộ "nếu không có người dân nơi khác nhập cư vào thì dân số chỉ có giảm đi, TPHCM là một ví dụ điển hình". Thực tế, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê vừa công bố cuối tháng 6/2024, mức sinh ở Đông Nam bộ là 1,47 con và Tây Nam bộ là 1,54 con - mức rất thấp.
Ba thời cơ của Việt Nam
Để đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tránh nguy cơ giảm liên tục lao động và dân số đất nước khiến kinh tế trì trệ dựa trên bài học của nhiều quốc gia khác, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đặt ra 3 thời cơ của Việt Nam.
Trong đó, ông cho rằng mức sinh thấp đáng kể dưới mức sinh thay thế chỉ mới 2 năm (2023, 2024), cùng với truyền thống văn hoá coi trọng gia đình của Việt Nam, đa số thanh niên hiện nay vẫn có mong muốn kết hôn khi trưởng thành và có 2 con trở lên.
"Nếu có đột phá về chính sách thì sau 25-30 năm nữa, các thế hệ thanh niên lúc đó sẽ tiếp tục phát huy truyền thống coi trọng gia đình và sinh con", ông nhận định.
Điều này khá phù hợp với kết quả khảo sát trên 1.200 phụ nữ ở 4 tỉnh/thành phía Nam do PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, công bố hồi tháng 8. Theo đó, gần 72% phụ nữ được khảo sát muốn có trên 2 con, chưa đến 7% người muốn sinh một con. Theo nghiên cứu, đàn ông mong muốn sinh nhiều con hơn mong muốn của phụ nữ.
Trước đó, Giáo sư Thiện Nhân cũng đề xuất một số giải pháp để khuyến sinh, trong đó thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng. Để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thu nhập của hai người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (gồm hai người lớn, hai trẻ con), cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người...