Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có một số mã cổ phiếu của những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh độc, lạ như dịch vụ tang lễ (CPH), vàng mã (CAP), sòng bài (RIC)...Trong bối cảnh chỉ số thị trường biến động mạnh, những cổ phiếu này cũng thường xuyên được nhà đầu tư chú ý.
Trong phiên giao dịch ngày 26/4 dù có lúc giảm hơn 47 điểm nhưng lực cầu bắt đáy đã giúp chỉ số VN-Index phục hồi về cuối phiên, đóng cửa mức 1.341,34 điểm tăng hơn 30 điểm. HNX-Index cũng tăng 7,66 điểm lên 345,17 điểm và UPCoM-Index tăng 1,61 điểm lên 101,15 điểm.
Xuôi theo diễn biến tích cực của thị trường, nhiều mã cổ phiếu tăng trần trở lại sau loạt phiên “nằm sàn”. Trong số đó có mã RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia. Chốt phiên giao dịch ngày 26/4, cổ phiếu RIC tăng trần 6,8% lên 14.750 đồng, giúp mỗi cổ phiếu thêm 950 đồng.
Từ đầu tháng 4, cổ phiếu RIC liên tục giảm, nhiều phiên “nàm sàn”, đưa thị giá từ mức 20.300 đồng/cổ phiếu về 14.750 đồng/cổ phiếu như hiện tại. Trước đó, cổ phiếu này khiến giới đầu tư ngỡ ngàng bởi những biến động liên tục.
Cụ thể, sau nhiều năm giao dịch dưới mệnh giá, cổ phiếu RIC bắt đầu có chuỗi tăng trần liên tiếp với 34 phiên từ ngày 11/1/2021 - 4/3/2021, đưa thị giá cổ phiếu RIC từ mức giá 5.300 đồng/cổ phiếu lên mức giá 46.150 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng hơn 770%.
Đáng nói, sau chuỗi tăng trần liên tiếp này, RIC rơi vào đợt giảm sâu với 14 phiên “nằm sàn”, đưa giá cổ phiếu RIC về vùng giá 15.700 đồng/cổ phiếu. Những ngày giao dịch tiếp theo, RIC có loạt phiên tăng trần, giảm sàn đan xen và chốt ngày giao dịch cuối năm ở mức 18.900 đồng/cổ phiếu, vẫn tăng gần gấp 4 lần thời điểm đầu năm.
Báo cáo cho thấy, 3 tháng đầu 2022, doanh thu thuần của RIC chỉ đạt 8,8 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ; doanh nghiệp kinh doanh casino duy nhất sàn chứng khoán lỗ sau thuế 30 tỷ đồng. RIC cho biết, nguyên nhân thua lỗ là do ngành dịch vụ, du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Dù doanh nghiệp cố gắng cắt giảm nhân công, tiết kiệm chi phí nhưng do doanh thu thấp nên kết quả kinh doanh vẫn bị lỗ.
Trong ngày thị trường khởi sắc nhưng mã cổ phiếu CAP của Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Yên Bái - doanh nghiệp bán vàng mã duy nhất trên sàn - lại tiếp tục đỏ lửa. Theo đó, khép ngày giao dịch, cổ phiếu CAP giảm 0,09% về 109.900 đồng. Tính từ 20/4 - 27/4, cổ phiếu này giảm 3,08%, tương đương mỗi cổ phiếu “bốc hơi” 3.500 đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm, mã cổ phiếu này liên tục tăng mạnh, khoảng 26% từ vùng giá 87.000 lên 109.000 đồng/cổ phiếu.
Nông sản thực phẩm Yên Bái thành lập từ 1972, chuyên về bán tinh bột sắn, giấy đế, vàng mã và các hoạt động khác. Theo báo cáo tài chính, năm 2020 - 2021, doanh thu CAP đạt 518 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của tăng 90% lên mức 57 tỷ đồng.
Vẫn theo báo cáo, cơ cấu doanh thu của CAP nhiều nhất là tinh bột sắn với 304 tỷ đồng, giấy đế đạt 132 tỷ đồng, sản phẩm vàng mã đạt 74 tỷ đồng…
Trong khi đó, cổ phiếu doanh nghiệp tang lễ duy nhất trên sàn là Công ty cổ phần mai táng Hải Phòng (mã CPH) tiếp tục đi ngang tại 1.900 đồng/cổ phiếu. Hơn 1 năm nay, mã này không có giao dịch, dù có nhiều lệnh đặt mua.
Mai táng Hải Phòng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tâm linh với 3 mảng kinh doanh chủ yếu là bộ phận bán hàng với việc bán các loại bình, quách, mộ đá; bộ phận sản xuất thành phẩm với các sản phẩm mộ đơn, mộ đôi và cơ sở hạ tầng; bộ phận cung cấp dịch vụ bao gồm dịch vụ tang lễ, cải táng, hỏa táng.
Báo cáo cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2021 của CPH đạt 112 tỷ đồng, tăng 2,88%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9 tỷ đồng, không biến động nhiều so cùng kỳ.
CPH là một trong số doanh nghiệp duy trì chế độ trả cổ tức cao hàng năm cho cổ đông. Năm 2022 công ty đặt mục tiêu đạt 110 tỷ đồng doanh thu thuần. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm nhẹ về mức 8,9 tỷ đồng, phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 16,1% cho cổ đông.
(Theo VTC News)