Giáo viên mong bớt phải ôm đồm việc bất đắc dĩ
Chia sẻ với VietNamNet, cô Nguyễn Thị Lan (giáo viên Trường Tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho hay, năm nay được đón các học sinh trở lại trường khai giảng trực tiếp nên rất vui mừng.
Tuy nhiên, cô giáo có chút tâm tư. Bởi sau khi dạy một số buổi ôn tập hè - khởi động trước khi vào năm học mới, cô Lan thấy lo lắng, áp lực nhất định.
“Học sinh quên kiến thức của năm vừa qua khá nhiều, có thể do ảnh hưởng của việc học trực tuyến kéo dài” - cô Lan trăn trở.
Là tổ trưởng chuyên môn, cô Lan đã đưa vấn đề này ra bàn bạc trong tổ, để tìm cách vừa phân công giáo viên thiết kế bài dạy theo chương trình mới vừa thiết kế nội dung củng cố kiến thức của năm học trước.
“Anh chị em chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng hết sức, nhằm đưa ra biện pháp tốt nhất để dạy học và khắc phục những phần kiến thức hổng của học sinh”.
Cũng vì vậy, cô Lan mong muốn phụ huynh quan tâm, đồng hành trong quá trình học tập của học sinh thay vì suy nghĩ giao phó cho giáo viên.
Dạy Chương trình Giáo dục phổ thông mới đồng thời với việc bồi dưỡng kiến thức hổng cho học sinh, nên cô Lan hy vọng Ban giám hiệu không quá áp lực chuyện hồ sơ, báo cáo... lên giáo viên.
Một giáo viên Trường TH Quỳnh Văn A (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) thì mong mỏi ngành giáo dục cũng như các nhà trường giảm bớt những cuộc thi giáo viên dạy giỏi, các cuộc họp, tập huấn vô bổ hay các phong trào không cần thiết để các thầy cô chuyên tâm vào việc dạy hơn.
“Giáo viên chúng tôi chỉ mong được tập trung vào việc dạy mà không phải ôm đồm quá nhiều thứ việc bất đắc dĩ như thủ quỹ, nhà vận động...”.
Cô giáo này cũng mong lương nhà giáo được cải thiện hơn, giáo viên được trao quyền tự chủ hơn trong giáo dục học sinh.
“Chúng tôi còn mong tăng tỉ lệ giáo viên/học sinh, giảm sĩ số học sinh/lớp để thầy cô có điều kiện chăm sóc các em tốt hơn".
Đồng thời, cũng như cô Lan, giáo viên này mong áp lực đối với giáo viên được giảm bớt thông qua giảm tải những hồ sơ sổ sách không thực cần thiết...
Trong khi đó, Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Lịch sử của Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) chia sẻ rất phấn khởi vì sau một năm khai giảng online thì năm nay được đón lễ khai giảng trực tiếp hứa hẹn nhiều cảm xúc.
"Như được quay lại nơi mình yêu thương" - thầy Du ví von.
Tuy nhiên thầy Du lo lắng bởi đây là năm đầu tiên lớp 10 áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới. “Biết là sự quan tâm cho Chương trình mới cũng đã có nhưng vẫn còn đó nhiều hỗn độn, ngổn ngang trước mắt khi đi vào thực tế triển khai. Cụ thể như chương trình Lịch sử địa phương chưa có giáo trình nên chúng tôi chưa biết sẽ dạy như thế nào”.
Trăn trở của những vị hiệu trưởng
Chia sẻ với những thầy cô trực tiếp đứng lớp, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) - cho hay ông mong muốn ngành giáo dục hãy lắng nghe hơn nữa tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo để có những chính sách nhằm giảm bớt áp lực cho giáo viên.
“Tôi mong ngành từng bước tham mưu với các cấp có thẩm quyền để có chính sách tiền lương, phụ cấp cao hơn để giáo viên bớt lo lắng chuyện cơm - áo - gạo - tiền”.
Ở góc độ là một hiệu trưởng, thầy Tuấn Anh bày tỏ mong muốn các văn bản quản lý của ngành khi ban hành cần phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng ban hành mà khó thực hiện. Đồng thời cần xem xét sửa đổi các quy định về dạy thêm, học thêm, vận động tài trợ cơ sở vật chất phù hợp.
“Tôi cũng rất mong ngành giáo dục và địa phương sớm tham mưu với các cấp có thẩm quyền để không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên” - vị hiệu trưởng nói.
Riêng với Trường THCS Quỳnh Phương - nơi thầy Tuấn Anh đang làm quản lý - thì thầy “vẫn mơ một giấc mơ giản dị” đó là có đủ phòng học để triển khai tốt hơn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, vì thiếu cả giáo viên lẫn phòng học nên nhà trường vẫn phải dạy học 2 buổi/ngày và thiếu nhiều phòng chức năng, phòng bộ môn khác.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du thì cảm giác rất vui và hồi hộp vì 2 năm rồi mới có ngày khai giảng đúng nghĩa.
“Tôi chờ đợi lắm vì mỗi năm phải có một ngày khởi đầu. Năm nay sẽ có ngày khởi đầu trực tiếp sau hai năm học căng thẳng vì Covid-19 nên trong tôi nhiều cảm xúc tràn về” - thầy Phú nói.
Tuy nhiên, theo thầy Phú, bên cạnh đó còn có những trăn trở trong nội tại của ngành. Thứ nhất là đời sống của thầy cô.
"Hiện nay vật giá leo thang nhưng thu nhập của nhà giáo không mấy thay đổi khiến đời sống rất eo hẹp. Trong trường tôi, nhiều thầy cô phải làm nghề tay trái để trang trải thêm cho cuộc sống. Một số thầy cô khác vì thu nhập thấp mà thậm chí chưa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân vì nhiều khoản chi phí phải lo, từ ăn uống đến tiền thuê trọ...”.
Điều trăn trở thứ hai của thầy Phú là sức khoẻ giáo viên.
“Tại Trường THPT Nguyễn Du đã có có đến 70% giáo viên nhiễm Covid-19. Đến thời điểm này, nhiều thầy cô vẫn đang ho, một thầy đang có vấn đề về phổi, nhiều nhà giáo nói trí nhớ suy giảm hậu Covid-19.
Hiện nay, gói kinh phí khám sức khoẻ cho thầy cô giáo không nhiều. Với kinh phí 300- 400 nghìn đồng nên gần như thầy cô chỉ khám đại khái, chứ không thể chuyên sâu. Vì vậy, tôi rất mong Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế có chính sách, chế độ khám sức khoẻ cho nhà giáo ít nhất từ 1,5 triệu đồng/người, để họ có thể được khám chuyên sâu, phát hiện bệnh sớm” - thầy Phú đề nghị.
Điều trăn trở thứ ba, theo thầy Phú, là năm học này các giáo viên sẽ gặp không ít khó khăn vì vừa “gánh” chương trình cũ ở lớp 11-12 vừa thay đổi theo Chương trình mới với lớp 10.
“Sự lẫn lộn giữa cái mới và cái cũ này ảnh hưởng rất nhiều tới sự nhanh nhạy của nhà giáo. Trong khi chúng ta thường nói tiếp thu cái cũ để theo cái mới thì các nhà giáo phải đồng thời dạy cả hai chương trình”.
Trong khi đó, hiện nay, nguồn lực phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn khá nghèo nàn. Bằng chứng là giáo viên phải dạy tích hợp, trong khi đào tạo ở đại học thì chỉ học chuyên sâu 1 môn học. Việc học bồi dưỡng vài tháng để dạy chương trình tích hợp là rất chắp vá, để đi sâu vào chương trình là rất khó.
“Là hiệu trưởng, khi thấy các thầy cô của mình lo toan vì thu nhập hay đời sống, tôi rất trăn trở. Bản thân tôi cũng suy nghĩ nhiều, mong có chính sách đãi ngộ tốt để giữ nhiệt huyết trong trái tim người thầy.
Tôi mong thầy cô có nhiều sức khoẻ, vượt qua những khó khăn thử thách của hiện tại. Để làm được vậy, trước hết chúng ta cứ hãy nghĩ rằng mình đang vì thế hệ trẻ để vui với nghề” - vị hiệu trưởng bày tỏ.