Đứa trẻ nào cũng được bố mẹ lo tận răng: ăn ngon, mặc đẹp, học chính khoá, ngoại khoá, du lịch đủ cả... Nhìn về khía cạnh vật chất, gen Z (không phải tất cả) đúng là quá sướng nếu so với thế hệ bố mẹ chúng.
Nhưng về khía cạnh tinh thần thì sao, gen Z có sướng? Điều hành nhiều trại hè dành cho học sinh cấp 2, 3, được lắng nghe nỗi lòng của gen Z, tôi thấy rằng các em đủ đấy mà cũng thiếu đấy, sướng đấy mà cũng khổ đấy, những nỗi khổ mà không phải cha mẹ nào cũng thấu.
Cả tháng chỉ vài bữa cơm gia đình, bị 8 điểm là mắng
Đó chính là cảm giác “đói” những bữa cơm đầm ấm với đầy đủ các thành viên gia đình vì nhiều bố mẹ tối ngày bận khách hàng, ngoại giao, quan hệ hoặc tranh thủ làm ngoài giờ để có thêm thu nhập. Một cậu học sinh lớp 8 rất cá tính tâm sự: “Cả tháng có khi con chỉ ăn chung với bố mẹ vài bữa”.
Đó là cảm giác ấm ức, bất lực khi không được bố mẹ lắng nghe và thấu hiểu.
“Mẹ nói là mẹ luôn hiểu con nhưng thực ra mẹ không hiểu con. Mỗi khi con có khó khăn gì đó muốn tâm sự với mẹ, mong nhận được sự giúp đỡ thì mẹ lại luôn làm con cảm thấy như con là người có lỗi. Như hồi cấp 2 con bị bắt nạt, con tâm sự với mẹ, mong được mẹ bảo vệ thì mẹ lại hỏi: Con đã làm gì bạn khiến bạn làm như vậy với con? Mẹ hỏi như vậy khiến con cảm thấy không được chia sẻ, giúp đỡ. Từ đó, con ngày càng ít nói chuyện với mẹ” - một nữ sinh lớp 11 chia sẻ với tôi trong một ca tư vấn.
Là học sinh trường chuyên, tham gia hoạt động cộng đồng tích cực, nhưng em cho biết nhiều lúc cảm thấy không muốn sống vì lớn rồi nhưng em vẫn bị mẹ đánh và mắng nhiếc mỗi khi em nói lên quan điểm riêng không đúng ý mẹ. Em chỉ mong nhanh tới ngày tốt nghiệp phổ thông để được đi xa gia đình, bắt đầu một cuộc sống độc lập.
Đó là sự ức chế, cảm thấy mình yếu kém, vô giá trị khi suốt ngày bị bố mẹ chê bai, dè bỉu hoặc tua điệp khúc “con nhà người ta thế chứ”.
Đó là cảm giác mất mặt khi bị bố mẹ mắng té tát trước cổng trường trước ánh nhìn của biết bao bạn bè khi bị điểm kém hoặc phạm lỗi trên trường.
Đó là nỗi đau, cảm giác bơ vơ khi không được bố mẹ chấp nhận vì thuộc về thế giới thứ ba.
Đó là áp lực đồng trang lứa khi đứa trẻ cảm thấy thua kém bạn bè, hoài nghi về bản thân.
Đó là lòng tự trọng bị tổn thương khi bị thầy cô bêu danh trước lớp, trước trường.
Ngay cả những em học sinh đứng top này top kia cũng phải sống trong áp lực của người trên đỉnh. “Con mà bị một điểm 8 thôi là thế nào cũng bị ăn mắng” - một học sinh cấp 2 học lớp chọn tâm sự. Một lần đi họp phụ huynh cho con, tôi từng chứng kiến một người mẹ chia sẻ với cô giáo chủ nhiệm sau giờ họp: “Hôm qua, em đã mắng cho nó một trận vì môn Anh văn được có 8 điểm”.
Nhiều, nhiều lắm những nỗi khổ, những áp lực (không kém gì người lớn) mà gen Z đang phải gánh nhưng lại không thể tỏ bày cùng cha mẹ, thầy cô. Chúng chỉ còn biết chia sẻ với nhau rồi đôi khi cùng nhau nghĩ tiêu cực, hành động tiêu cực. Không có gì khó hiểu khi một bộ phận gen Z tìm đến chúng bạn xấu, nghiện game, cỏ, đi bay đi lắc. Đơn giản vì ở đó, chúng được công nhận, được tôn vinh, được lắng nghe, đồng cảm, thứ mà chúng không tìm thấy trong gia đình.
Nhạy cảm, mong manh, dễ vỡ là những từ khoá mà ngày nay người lớn và cả chính gen Z hay dùng để nói về thế hệ mình.
Vì thế mà gen Z, theo góc nhìn của tôi, rất cần được thấu hiểu, cảm thông, nâng đỡ và tiếp cận một cách khéo léo trong gia đình, ở lớp học. Có như vậy, thế hệ này mới có một sức khoẻ tâm lý đủ vững để có thể trở nên bản lĩnh, dẻo dai, linh hoạt, nhưng cũng đầy yêu thương, những phẩm chất không thể thiếu của con người trong thế giới đầy biến động, phức tạp, bất ổn và mơ hồ như hiện nay.
(*) Thế hệ Z (còn gọi là gen Z) là thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ nhỏ, các thành viên còn được mệnh danh là những công dân thời đại kĩ thuật số. Thế hệ này được sinh ra trong khoảng từ những năm cuối thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010.
Trần Vân Anh