Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/1/2024 có nhiều điểm mới áp dụng cho người hành nghề khám chữa bệnh; cơ sở khám chữa bệnh; hỗ trợ học phí với một số chuyên ngành…

Mở rộng đối tượng được cấp giấy phép hành nghề

Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũ, có 7 đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề gồm: Bác sĩ; Y sĩ; Điều dưỡng viên; Hộ sinh viên; Kỹ thuật viên; Lương y và Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Trong Luật mới, có 10 chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề, bổ sung Dinh dưỡng lâm sàng, Cấp cứu viên ngoại viện và Tâm lý lâm sàng.

Phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề y sang giấy phép hành nghề

Theo Điều 121 quy định chuyển tiếp về chuyển đổi chứng chỉ hành nghề sang giấy phép hành nghề, chứng chỉ hành nghề được cấp trước ngày 1/1/2024 được chuyển đổi sang giấy phép hành nghề theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ 5 năm một lần kể từ ngày chuyển đổi theo quy định của Luật này.

mo-csgt-1.png
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: BVCC

Việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với hồ sơ đã nộp trước ngày 1/1/2024 được thực hiện theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (cũ) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14.

Theo Điều 27 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm. Quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.

Người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám chữa bệnh trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.

Những người được điều động tham gia khám chữa bệnh khi xảy ra tình trạng khẩn cấp

Tại Điều 115 quy định về huy động, điều động người tham gia hoạt động khám chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp bao gồm 4 nhóm sau:

- Người hành nghề khám chữa bệnh, bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam.

- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy phép hành nghề.

dieu-tri-covid-1.jpg
Thầy thuốc tại cơ sở điều trị Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thời điểm năm 2022, khi đó Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Ảnh: Võ Thu 

- Học viên, sinh viên, học sinh đang học trong cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe.

- Người thuộc đối tượng được cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy phép hành nghề.

Cấm sử dụng rượu, bia tại cơ sở khám chữa bệnh, trong khi khám chữa bệnh 

Trong Luật cũ có 14 điều bị cấm trong hoạt động khám chữa bệnh. Ở Luật mới, danh sách này bổ sung, sửa đổi, mở rộng lên 21 điều. Trong đó, Luật cũ cấm người hành nghề sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh, chữa bệnh thì Luật mới cấm sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, ma túy, thuốc lá tại cơ sở khám chữa bệnh hoặc trong khi khám chữa bệnh.

Luật cũ cấm đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám chữa bệnh, Luật mới cấm có hành vi nhũng nhiễu trong khám chữa bệnh.

Khái niệm "nhũng nhiễu" được định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 như sau: "Nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ".

Thay đổi 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp

Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám chữa bệnh, Luật mới thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn.

Nếu trong Luật cũ, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước bao gồm 4 tuyến: Trung ương, tỉnh, huyện, xã thì trong Luật mới, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh Nhà nước, tư nhân gồm: 

- Cấp khám chữa bệnh ban đầu

- Cấp khám chữa bệnh cơ bản

- Cấp khám chữa bệnh chuyên sâu

6 chuyên ngành được hỗ trợ toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt toàn khóa học

Tại Điều 105, Luật quy định Nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành: Tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.

Theo đó, nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.

Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.