Hội chợ nghệ thuật thường niên Frieze London diễn ra vào tháng 10 tại công viên Regent. Nơi đây chào đón các nghệ sĩ, giới sưu tập nghệ thuật quốc tế, những người hoạt động trong ngành.
Được thành lập vào năm 2003, Frieze London tập trung vào nghệ thuật đương đại và các nghệ sĩ còn sống.
Từ lâu, hội chợ này đã nổi tiếng với các sáng tạo nghệ thuật đẩy xa mọi giới hạn. Năm 2007, tác phẩm sắp đặt có tên Chợ trời trưng bày các sáng tác cùng với bộ sưu tập ngẫu nhiên tài sản của một số nghệ sĩ - bao gồm cả chiếc sofa cũ của họa sĩ vẽ chân dung Elizabeth Peyton - với giá khởi điểm là 0 bảng Anh.
Frieze London năm nay tiếp tục có nhiều tác phẩm sắp đặt kỳ lạ khiến CNN đặt câu hỏi: “Đây có phải là nghệ thuật hiện đại?”.
Đài phun nước soda nho
Triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ Adam Farah-Saad gồm một đài phun nước tương tự ở công viên hoặc sân chơi dành cho trẻ em.
Phiên bản bằng thép có lẽ sẽ được những người dưới 18 tuổi quan tâm vì tuôn trào soda nho chứ không phải là nước tinh khiết. Theo phòng trưng bày, tác phẩm của Farah-Saad khám phá chất lượng phi tuyến tính của trí nhớ, đặc biệt liên quan đến tuổi thiếu niên.
Xung quanh đài phun nước soda nho là khung thép, kệ đĩa CD với album Butterfly năm 1997 của Mariah Carey.
Tháp canh bơm hơi
Tác phẩm toàn màu trắng của Debora Delmar có tên Caballero Alto, đặt theo tên tháp canh của lâu đài Chapultepec ở Mexico. Cuối thế kỷ 19, lâu đài kiên cố là nơi diễn ra trận chiến giữa Mexico và Mỹ, khiến nhiều binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng.
Máy tính bảng đặt trong chuồng mèo
Điều đầu tiên thu hút bạn với tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Wantanee Siripattananuntakul (Thái Lan) là âm thanh quang quác. Trong chuồng mèo có chiếc máy tính bảng đang chiếu cảnh con vẹt bị nhốt trong chuồng. Con vẹt xám Beuys của Wantanee được đặt theo tên nghệ sĩ người Đức Joseph Beuys.
Những chiếc chuồng nhiều lớp ám chỉ đến tác động hạn chế của ngành truyền hình, gợi nhắc về thứ bậc xã hội và bẫy người xem bên trong “một chiếc chuồng vô hình”.
Chiếc quạt bàn và cuốn sách mở
Tác phẩm của nghệ sĩ Ấn Độ Shilpa Gupta được đặt tên là 100 bản đồ vẽ tay của Vương quốc Anh. Đó là một cuốn sổ ghi chú bìa màu đen vẽ các đường địa lý cơ bản được đặt trên bàn.
Đặt cách đó khoảng 50cm là một chiếc quạt điện thổi các trang giấy bay phấp phới. Cơn gió vô tình sẽ chỉ ra người xem được chào đón bằng phiên bản địa lý nào của Vương quốc Anh nhằm phản ánh sự chủ quan về biên giới và lãnh thổ chính trị.