Những thách thức hội nhập
Tuy nhiên, con đường hội nhập thành công không phải là không có những trở ngại. Dòng người nhập cư vào Châu Âu không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là thách thức về văn hoá. Hội nhập thành công là một quá trình nhiều mặt, không chỉ liên quan đến sự hoà nhập của người nhập cư vào thị trường lao động mà còn cả sự hoà nhập văn hoá và cách sống của họ vào xã hội Châu Âu.
Mặc dù có một số thành công như nói trên, nhưng Châu Âu vẫn phải đối mặt với những khó khăn đáng kể trong việc hoà nhập người nhập cư. Cơ cấu xã hội của các nước Châu Âu liên tục bị thách thức bởi sự hình thành các cộng đồng riêng biệt bị tách rời hoàn toàn khỏi đời sống của người dân bản địa.
Những quận Banlieu ở phía bắc Paris hay quận Rinkeby và Tensta ở Stockholm đã trở nên nổi tiếng vì bị cảnh sát khuyến nghị là “no-go zones” (khu vực không vào). Tại những khu vực này, tỷ lệ tội phạm và bạo lực băng đảng ở mức chưa từng có trước đây, hầu hết giữa các nhóm người nhập cư và đôi lúc còn diễn ra trong các quận trung tâm của hai thành phố này.
Những vấn đề này tạo nên chuyện đánh đồng sự gia tăng của người nhập cư với sự gia tăng tội phạm, và cho dù ở đây còn có tác động của một loạt yếu tố kinh tế xã hội khác– điều này cũng chẳng hoàn toàn sai, và cho thấy thất bại trong chính sách hoà nhập của Châu Âu.
Khó khăn trong việc hoà trộn các văn hoá, ngôn ngữ, tín ngưỡng, và tôn giáo khác nhau vào các xã hội Châu Âu, vốn đơn sắc tộc trong suốt lịch sử, là một thử thách không thể chối từ ngay cả với những nhà lãnh đạo lý tưởng nhất.
Một ví dụ là phản ứng của công chúng Đức trước những lời cầu nguyện của Nhà thờ Hồi giáo Cologne trên loa phóng thanh, phát 5 lần mỗi ngày. Những hoạt động như thế có thể coi là sự xâm phạm các truyền thống địa phương và phá vỡ hiện trạng xã hội, dẫn đến các cuộc tranh luận xã hội về sự khoan dung tôn giáo và bảo tồn văn hoá địa phương.
Những thách thức này càng trở nên phức tạp hơn bởi sự xuất hiện của những người nhập cư từ các khu vực khủng hoảng, với gánh nặng tâm lý và mong muốn giữ gìn lối sống ở xã hội bản địa khiến cho việc hoà nhập còn khó khăn hơn nữa.
Đối với nhiều người nhập cư, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp hơn, quá trình hội nhập sẽ diễn ra chậm chạp. Nếu không có những kỹ năng cơ bản cần thiết, họ sẽ bị bỏ lại phía sau trên thị trường lao động và xã hội nói chung. Sự phân biệt đối xử vẫn tiếp tục là rào cản lớn đối với hội nhập, người nhập cư, đặc biệt những người trong hoàn cảnh khó khăn, thường sẽ phải đảm nhiệm những công việc ít ổn định hơn hoặc bị đưa vào các công việc với trình độ chuyên môn thấp hơn so với kinh nghiệm của họ.
Hơn nữa, tác động của việc nhập cư đối với các dịch vụ công, nhà ở, và cơ hội việc làm cho người dân bản địa là một vấn đề không thể bỏ qua. Điều này đã trở thành một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong chính trị nhập cư của EU, khi nhiều người dân tin rằng các nhóm nhập cư đang “chiếm đoạt” việc làm của họ với chi phí lao động thấp hơn, và sẵn sàng đảm nhận các công việc tốn nhiều công sức hơn. Nhận thức rằng người nhập cư được đối xử ưu đãi hoặc đã góp phần làm giảm mức lương của người bản địa sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nữa và làm bùng phát quan điểm chống nhập cư trong xã hội.
Đối mặt với những vấn đề này, các chính phủ Châu Âu sẽ phải đưa ra các chính sách cân bằng nhằm đảm bảo sự hội nhập thành công của người nhập cư, đồng thời giải quyết các vấn đề được đặt ra bởi người dân bản địa về ảnh hưởng của nhập cư đối với cuộc sống của họ. Con đường phía trước phải bao gồm các chương trình hội nhập toàn diện – đảm bảo giáo dục ngôn ngữ và văn hoá thành công, cũng như là đào tạo nghề dẫn đến việc làm có ý nghĩa và đóng góp cho nền kinh tế.
Giải quyết thách thức
Để giải quyết hai thách thức kép là khủng hoảng nhân khẩu học và hội nhập người nhập cư, Châu Âu đòi hỏi phải có những phản ứng chính sách toàn diện. Các quốc gia Châu Âu đã bắt đầu nhận ra rằng, hội nhập không phải là một quá trình duy nhất phù hợp với tất cả các nhóm nhập cư; thay vào đó, nó đòi hỏi những cách tiếp cận phù hợp với nguồn gốc đa dạng của người nhập cư, và lý do họ nhập cư vào Châu Âu.
Ví dụ, người Ukraine hoà nhập dễ dàng hơn ở những quốc gia như Ba Lan hay Séc do chia sẻ văn hoá Slavơ, trong khi người Syria và Somalia khó có thể hoà nhập ở Đức và Thuỵ Điển do khác biệt về các giá trị sống.
Các khoản đầu tư công cho hội nhập đang tăng đều đặn ở các quốc gia EU, phản ánh cam kết xây dựng một xã hội hoà nhập hơn. Các quốc gia đã mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ hội nhập ra ngoài các nhóm người tị nạn truyền thống, mở rộng đến những người di cư theo gia đình và thậm chí những người di cư trong EU. Điều này cho thấy sự thay đổi rộng rãi hơn trong cách tiếp cận dựa trên nhu cầu kinh tế và xã hội của các quốc gia, thay vì chỉ dựa vào các lý do đạo đức hay chỉ để thoả mãn các yêu cầu tiếp nhận do Uỷ ban Châu Âu đặt ra.
Một giải pháp đổi mới là cải thiện sự phối hợp theo cả chiều ngang và chiều dọc giữa các bên liên quan trong vấn đề nhập cư, chẳng hạn như chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, và chính phủ trung ương – nhằm nâng cao hiệu quả trong việc triển khai các chính sách hội nhập.
Đáng chú ý nhất là các nỗ lực nhằm nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo rằng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và hội nhập được đồng bộ trên khắp quốc gia. Những sáng kiến này ngày càng được quan tâm ở các quốc gia Châu Âu, ví dụ các các chính sách duy trì việc làm trong đại dịch COVID-19 được mở rộng cho cả người bản địa lẫn nhập cư– ví dụ như Kurzabeit ở Đức hay Activité partielle ở Pháp. Ngoài ra, đã có sự thúc đẩy việc công nhận bằng cấp và kỹ năng nước ngoài, đặc biệt đối với những người di cư có trình độ học vấn cao – để tận dụng tiềm năng của họ và giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Để giải quyết vấn đề khác biệt về văn hoá và đảm bảo người nhập cư tôn trọng các phong tục và giá trị bản địa, các quốc gia Châu Âu sẽ cần phải có các chương trình định hướng văn hoá toàn diện cho người nhập cư.
Các chương trình này nhằm mục đích giáo dục những người mới đến về ý nghĩa lịch sử vả văn hoá của quốc gia tiếp nhận, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tôn trọng các truyền thống trong khi sinh sống tại đó. Những sáng kiến như vậy cũng cần phải mang tính tương hỗ, thúc đẩy sự hiểu biết rằng mặc dù người nhập cư được khuyến khích hoà nhập vào phong tục địa phương, nhưng truyền thống và bản sắc riêng của họ cũng được tôn trọng và có giá trị - nếu không có ảnh hưởng xấu đến xã hội bản địa.
Cách tiếp cận kép này, kết hợp với sự tham gia và đối thoại tích cực từ cộng đồng, có thể mở đường cho một xã hội gắn kết hơn, nơi sự đa dạng văn hoá trở thành tài sản chư không phải nguồn gốc của sự chia rẽ như hiện nay.
Tương lai của Châu Âu
Đối mặt với ngưỡng cửa đặt ra thử thách kép về nhân khẩu học và văn hoá, tương lai và sự thành công của hội nhập tại Châu Âu sẽ được định hình bởi các chính sách của ngày nay. Kinh nghiệm của lục địa này trong các thập kỷ qua cho thấy, Châu Âu sẽ phải liên tục thích ứng với những thách thức đặt biệt do mỗi làn sóng nhập cư đặt ra.
Theo các dự đoán dân số của thế kỷ 21, làn sóng nhập cư lớn nhất từ Châu Phi thậm chí còn chưa thực sự bắt đầu. Dân số Châu Phi đến Châu Âu sẽ tăng từ gấp đôi lên gấp ba, rồi gấp bốn, và có thể gấp năm lần trong suốt những năm còn lại của thế kỷ này – và những người trẻ tại Châu Phi sẽ tiếp tục hướng tới phía Bắc để tìm kiếm các cơ hội làm việc tốt hơn. Do vậy, các chính sách hội nhập sẽ phải phát triển để cung cấp sự hỗ trợ toàn diện trong mọi khía cạnh của xã hội, kinh tế, và văn hoá Châu Âu.
Các chính sách hội nhập của Châu Âu sẽ phải đủ linh hoạt để đáp ứng với các mô hình di cư biến động và nhu cầu thay đổi của cả người nhập cư lẫn người bản địa. Điều này bao gồm việc thừa nhận tiềm năng của người di cư trong việc hồi sinh và duy trì tình trạng nhân khẩu cân bằng trong các xã hội gìa đi của Châu Âu, trong khi vẫn bảo tồn các truyền thống văn hoá phong phú đặc trưng của các quốc gia Châu Âu.
Tương lai của hội nhập tại Châu Âu sẽ không chỉ đơn thuần là vấn đề chính sách, mà còn là sự phản ánh các giá trị của lục địa này và cam kết của Liên minh Châu Âu để xây dựng một xã hội thống nhất. Sự thành công của nỗ lực này sẽ được đo không chỉ bằng các chỉ số kinh tế, mà còn bằng sức mạnh và sự gắn kết của cộng đồng trong những năm tới.
Phạm Vũ Thiều Quang