Không gian mạng là phương tiện nhiều lợi thế kết nối vạn vật. Ngoài những thế mạnh vượt trội cho nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển, tiến bộ, những ưu thế này cũng bị kẻ xấu lợi dụng triệt để phát tán những thông tin sai, xấu, độc. Hành động có trách nhiệm trên mạng là cách mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ mình, tôn trọng người khác và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tuân thủ luật pháp.
Cắt ghép, phát tán thông tin sai sự thật
Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an Quảng Ninh là người nổi tiếng lâu nay. Tên tuổi của ông gắn với sự quyết liệt đấu tranh với tội phạm và được người dân mến mộ.
Ngày 4/2, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện tài khoản TikTok tên “T.T.010280” có hành vi đăng tải, phát tán video có nội dung cắt ghép, sai sự thật liên quan đến phát biểu của Thiếu tướng Đinh Văn Nơi thời điểm ông làm Giám đốc Công an tỉnh An Giang.
Ngay sau khi phát hiện, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an TP Hà Nội tiến hành xác minh.
Quá trình điều tra xác định, chủ tài khoản trên là ông T.M.T. (SN 1976, trú xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Tại cơ quan công an, ông T. thừa nhận hành vi sử dụng tài khoản TikTok đăng tải, phát tán video có nội dung cắt ghép thông tin sai sự thật liên quan đến bài phát biểu của Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, tạo dư luận tiêu cực trên mạng.
Qua đấu tranh mở rộng, phát hiện tài khoản trên còn đăng tải một số bài viết có nội dung thiếu kiểm chứng liên quan đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã yêu cầu ông T. xóa bỏ các bài viết có nội dung vi phạm, cam kết không tái phạm, đồng thời bàn giao hồ sơ vụ việc cho Công an TP Hà Nội xử lý.
Nhìn nhận thêm về vụ việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh cho hay, việc xuyên tạc đó, không chỉ ảnh hưởng về tâm lý, tư tưởng của chính người bị xuyên tạc, người thân và đồng nghiệp của họ mà còn khiến người xem hiểu sai câu chuyện, sai bản chất vấn đề… Nguy hiểm hơn cả là những thông tin xuyên tạc lại lồng ghép yếu tố chính trị vào đó.
Cách đây không lâu, tháng 8/2021 - thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) phát hiện nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của ông Vũ Đức Đam (khi đó là Phó Thủ tướng) về công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua xác minh, VAFC khẳng định, nội dung phát ngôn này là giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của ông Vũ Đức Đam.
Cũng diễn ra vào tháng 8/2021, một người tên Trần Khoa được cho là bác sĩ sản phụ chia sẻ về việc rút ống thở của mẹ nhường cho một sản phụ.
Thông tin này được chia sẻ lại, lập tức gây chú ý, bàn tán xôn xao trên mạng xã hội trong bối cảnh dịch đang căng thẳng, thiếu máy thở trầm trọng tại các cơ sở y tế.
VAFC khẳng định thông tin nêu trên là tin giả. Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về hai em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở là ảnh cũ. Tấm ảnh đăng, lan truyền trên mạng được chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại bệnh viện Từ Dũ, do tài khoản Facebook Cao Hữu Thỉnh đăng lên ngày 21/7 hoàn toàn không phải ảnh chụp ngày 7/8 như mạng xã hội chia sẻ.
Gần đây nhất, sự kiện Phó Thủ tướng, Chủ tịch nước thôi nhiệm vụ cũng có nhiều tài khoản tung tin đồn thất thiệt, làm sai lệch bản chất sự việc.
Lợi dụng vấn đề đang được quan tâm để tạo dựng thông tin giả mạo
Là phóng viên của một tờ báo thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, anh T.L. vẫn không thể quên kỷ niệm tác nghiệp trong một phiên họp HĐND tỉnh này để bầu Chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 6/2020.
Theo anh L., sự việc đáng lý sẽ diễn ra bình thường nhưng sau khi một bức ảnh anh chụp đăng lên báo, được Trương Châu Hữu Danh lấy lại, đăng tải lên mạng xã hội kèm những dòng bình luận như “để có kết quả như mong muốn ông Bí thư Nguyễn Văn Hùng đã trực tiếp đứng ở thùng để xem phiếu” hay “ông Bí thư Nguyễn Văn Hùng là người kiểm phiếu vĩ đại”.
Hình ảnh ông Nguyễn Văn Hùng – khi đó giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (nay là Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL) trong một khoảnh khắc, quay người lại nở nụ cười với đại biểu khác sau khi vừa bỏ phiếu xong nhanh chóng bị lan truyền trên mạng kèm những bình luận sai bản chất.
Đáng nói, chỉ hơn 1 năm sau, vào tháng 9/2021, Trương Châu Hữu Danh cùng nhóm "Báo sạch" bị cơ quan chức năng TP Cần Thơ khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm diễn ra vào ngày 26/10/2021, trong phần xét hỏi của tòa, bị cáo Trương Châu Hữu Danh bày tỏ ăn năn, hối hận vì đã viết, đăng nhiều bài viết sai sự thật trên mạng xã hội, trong đó có vụ việc nói trên.
Đó chỉ là vài trong số rất nhiều vụ việc bịa đặt, xuyên tạc, thậm chí có không ít thông tin với nội dung phản động, kích động hận thù, lôi kéo mọi người chống phá Đảng, Nhà nước… phát tán trên mạng.
3 thật 7 bịa đặt
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do nhìn nhận, tình trạng tin xấu, tin độc xuất hiện trên không gian mạng thời gian gần đây diễn ra tinh vi, chuyên nghiệp với tần suất tăng gấp đôi.
Nguồn phát chủ yếu từ một số tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài hướng vào trong nước. Không chỉ tung tin xấu độc trên 3 nền tảng Facebook, YouTube, TikTok, có nhiều sự kiện với mục đích thông tin nhanh hơn nên các đối tượng sử dụng tính năng livestream.
Theo ông Lê Quang Tự Do, “3 phần thực, 7 phần hư cấu" là chiêu thức các thế lực thù địch sản xuất tin xấu, độc phát tán trên không gian mạng. Các đối tượng lấy hình ảnh hoạt động của các lãnh đạo cấp cao phát trên VTV, từ báo chí chính thống rồi cắt ghép, xào nấu, thêm thắt, xuyên tạc, bịa đặt, cài cắm thêm nhiều tin giả.
"Chỉ 1 - 2 nội dung đã được đăng báo chính thống, còn lại từ sự kiện đó những đối tượng sẽ xuyên tạc thành vấn đề khác, kèm theo tin giả, thuyết âm mưu, dựng chuyện.
Nội dung những thông tin xấu, độc chủ yếu tập trung vào những vấn đề chính trị nóng của đất nước, nhất là về nhân sự cấp cao. Gần đây nhất là sự kiện hai Phó Thủ tướng, Chủ tịch nước xin thôi nhiệm vụ… Với việc cắt ghép, xuyên tạc nhân sự kiện này nhiều người xem hiểu sai bản chất sự việc”, ông Lê Quang Tự Do cho hay.
Giả mạo cơ quan Đảng, Nhà nước và báo chí chính thống
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, để phát tán thông tin xấu, độc lên không gian mạng, những tổ chức, cá nhân phản động thực hiện dưới 3 thủ đoạn.
Thứ nhất, dùng tài khoản chính danh như Tổ chức Việt Tân, RFA, Thoibao.de…
Thứ hai, dùng tài khoản mạo danh - lập ra những tài khoản mang tên các lãnh đạo cấp cao hoặc các cơ quan ban ngành như Ban Tuyên giáo Trung ương, VTV, Bộ Y tế, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an…
Đây là những cơ quan thường phát đi những thông tin quan trọng, được dư luận quan tâm. Việc mạo danh này khiến nhiều người lầm tưởng.
Thủ đoạn thứ ba, lập các tài khoản lấy tên giống như cơ quan báo chí (Tintức Việtnam, Tintức 24h, Tin Chính trị Việt nam… ) hoặc các tổ chức (Nhật ký yêu nước, Con đường VN…) gây nhầm tưởng là cơ quan báo chí hoặc tổ chức yêu nước.
“Đây là những thủ đoạn đã xuất hiện trên không gian mạng trong 5 năm qua. Nhưng gần đây các nhóm/đối tượng sản xuất theo mức độ, tốc độ chuyên nghiệp và nhanh chóng hơn”, ông Lê Quang Tự Do cảnh báo.
Cụ thể, các đối tượng sản xuất, phát tán tin xấu, độc như một cơ quan báo chí chuyên nghiệp với sự kết hợp nhiều loại hình.
“Từ lập tài khoản Facebook để đăng tin bằng chữ đến lập tài khoản YouTube để đăng bản video, lập tài khoản TikTok để đăng nội dung quan trọng nhất, hot nhất dưới dạng video ngắn.
Thậm chí họ lập hẳn trang website dự phòng nếu bị gỡ trên các tài khoản thì lập tức share lại ngay. Từ đó cho thấy, các tổ chức này có sự chuyên nghiệp, đưa ra nhiều thủ đoạn nhằm đối phó với biện pháp ngăn chặn của các cơ quan chức năng”, ông Lê Quang Tự Do thông tin.
Rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, tần suất những clip này xuất hiện nhanh hơn, nội dung cũng được đầu tư hơn dựa trên nguyên tắc bắt đầu từ một thông tin có thật sau đó cắt ghép, cài cắm thêm những tình tiết không xác thực nhưng liền mạch khiến người dân dễ bị lầm tưởng.
Đánh vào giới trẻ
Với việc đẩy mạnh các thông tin xấu độc dạng video trên nền tảng YouTube, TikTok, ông Lê Quang Tự Do cho rằng các thế lực thù địch đang hướng đến giới trẻ.
Nếu như trên nền tảng Facebook hướng đến giới trung niên, quan tâm tìm đọc thì nền tảng YouTube, TikTok thu hút nhiều giới trẻ hơn.
Với tính năng gợi ý nội dung tương tự trên TikTok và YouTube, ai đó chỉ cần lỡ nghe một lần hoặc click vào xem dù chỉ 1 lần thì khi nghe/xem hết màn hình lập tức hiện ra danh sách dài các nội dung tương tự.
“Điều này dẫn đến thực tế từ ông bảo vệ, anh xe ôm đến người nhà đi chăm bệnh nhân nằm viện cũng bị nghe một cách vô thức những clip “rác” này. Nó tạo ra cảm giác cứ mở TikTok, YouTube là nổi lên những tin giả liên quan đến chống phá Đảng, Nhà nước.
Như vậy, nếu giới trẻ nghe/xem một cách vô thức những clip này lâu dài sẽ tác động đến nhận thức, làm mất niềm tin trong họ” ông Lê Quang Tự Do nói.
Gỡ bỏ nhiều tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức Thời gian qua Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm. Tỷ lệ chặn, gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93%. Trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê... Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức. YouTube đã ngăn chặn 6 kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (với khoảng hơn 1.500 video clip). Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, hơn 1 tháng qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và ngăn chặn 2.500 link vi phạm pháp luật trên các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok; yêu cầu gỡ bỏ 12 kênh video phản động chống phá Đảng, Nhà nước. |
Kỳ 2: Dễ dãi khi tiếp cận là mở đường cho thông tin xấu độc len lỏi