Chi tiền tỷ làm dải phân cách cứng rồi tháo dỡ
Từ năm 2010 đến 2014, Hà Nội chi hàng chục tỷ đồng để lắp đặt dải phân cách cứng “cưỡng bức” ô tô, xe máy đi theo đường dành riêng trên các tuyến phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng…
Thời điểm đó các dải phân cách được làm bằng bê tông. Phía trước dải phân cách là một cột biển báo bằng sắt ghi rõ làn xe dành cho ô tô, xe máy và xe đạp.
Đầu 2015, Hà Nội quyết định dỡ bỏ tất cả các dải phân cách cứng ở các tuyến phố trên. Thời điểm đó, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội giải thích do ý thức của người tham gia giao thông đã tốt lên, ô tô, xe máy không còn lấn làn nên quyết định thu hồi dải phân cách cứng.
Thực tế, sau thời gian lắp dải phân cách cứng trên các tuyến đường, người dân đã từng bước chấp hành việc phân làn. Tuy nhiên, trên các tuyến phố Huế, Hàng Bài, Bà Triệu, Đại Cồ Việt, Giải Phóng phát sinh bất cập đó là ùn tắc giao thông kéo dài do dòng phương tiện xung đột tại các điểm giao cắt.
Đến nay, các tuyến phố như Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Xã Đàn… vẫn chia tách ô tô, xe máy theo làn đường riêng. Nhưng phương pháp này được áp dụng mềm bằng biển báo làm đường dành cho ô tô, xe máy được cắm trên các tuyến phố.
Tuy nhiên, không phải đại đa số những người điểu khiển ô tô, xe máy đều có ý thức tuân thủ đúng với việc “phân làn mềm” như vậy. Có mặt trên đường Giải Phóng, Xã Đàn, Đại Cồ Việt vào giờ cao điểm thấy rõ sự thờ ơ của người điều khiển với các biển báo. Người điều khiển xe thô sơ, xe gắn máy vẫn đi lẫn dòng xe ô tô, tạo nên sự hỗn loạn, ùn tắc bất kể giờ nào trong ngày.
Hết phân làn “cưỡng bước” quay lại biển báo, vạch sơn
Nhìn lại thời gian lắp dải phân cách cứng để “cưỡng bức” ô tô, xe máy đi vào làn đường dành riêng trên đường Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Huế, Hàng Bài…, ông Nguyễn Xuân Tân - nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội (Chủ tịch Hội cầu đường Hà Nội) khái quát bằng từ “quá được!”.
Theo ông Nguyễn Xuân Tân, việc lắp dải phân cách cứng thời điểm đó là để nâng cao ý thức của người dân trong quá trình tham gia giao thông. Sau 4 năm áp dụng biện pháp này, ông Tân đánh giá, ý thức của người tham gia giao thông tốt lên rất nhiều.
“Khi ý thức của người dân được nâng cao, đi lại theo trật tự rồi thì không cần thiết phải lắp dải phân cách cứng. Lực lượng chức năng có thể dùng sơn và biển báo để hướng dẫn người tham gia giao thông”, ông Tân nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) Doãn Minh Tâm đánh giá việc tách ô tô, xe máy lưu thông theo làn đường riêng là chủ trương phù hợp. Bởi việc này để sửa thói quen đi lại tràn lan của người tham gia giao thông. “Thói quen đấy đã tồn tại quá lâu rồi. Bây giờ cần phải có giải pháp để chỉnh sửa”, ông Doãn Minh Tâm nói.
Tuy nhiên, từ việc trước đây, Hà Nội đã phân làn các tuyến phố Huế, Hàng Bài, Bà Triệu… ông Doãn Minh Tâm cho rằng, không phải cứ tuyến phố rộng, dài là làm được.
“Nếu chỉ thuần túy nhìn vào kích thước mặt đường, lưu lượng phương tiện mà chia tách làn ô tô, xe máy thì chỉ là giải pháp tạm thời. Điều này rất dễ phát sinh những yếu tố khác như xung đột giao thông, ùn tắc”, ông Tâm chỉ ra.
“Thử nghiệm thất bại lại chỉnh sửa?”
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở GTVT) cho rằng, việc tổ chức giao thông thành công hay không có nhiều yếu tố. Về khoa học kỹ thuật, để tách ô tô, xe máy đi làn đường riêng, ngành giao thông hoàn toàn đáp ứng được.
“Đi kèm với các biện pháp của ngành giao thông, lực lượng chức năng cũng cần thường xuyên tuần tra, xử lý những người vi phạm. Còn người điều khiển phương tiện cũng phải nâng cao ý thức khi tham gia giao thông”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, việc thí điểm phân làn bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi như hiện nay là rất cần thiết.
“Trong giai đoạn ý thức người dân chưa tốt, chưa có thói quen lưu thông đúng làn đường, thì cơ quan chức năng nên “cưỡng bức” bằng phân cách cứng”, ông Tân nói.
Còn theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) Doãn Minh Tâm, tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến phố của Hà Nội diễn ra hàng chục năm nay chứng tỏ các giải pháp của ngành giao thông đưa ra chưa có sự đột phá. Do vậy, theo ông, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, TP Hà Nội cần phải có quy hoạch tổ chức giao thông toàn thành phố.
“Quy hoạch tổ chức giao thông để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tuyến đường. Từ đó xác định ra tuyến nào có thể phân làn được, tuyến nào không. Chứ không nên làm theo kiểu thử nghiệm không được thì lại chỉnh sửa”, ông Doãn Minh Tân nêu quan điểm.
Sáng 6/8, Hà Nội bắt đầu thí điểm sử dụng dải phân cách cứng để phân làn giao thông trên một đoạn tuyến đường Nguyễn Trãi. Thời gian thí điểm từ ngày 6/8 đến 6/9. Cung đường thí điểm kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra. Theo phương án đó, 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho ô tô. |