Không chỉ có Mỹ chủ trương siết chặt trợ cấp xe điện nhằm bảo hộ thị trường nội địa mà các nước châu Âu cũng bắt đầu rục rịch có động thái tương tự. Hãng Nikkei Asia vừa đưa tin, những khoản trợ cấp từ 5.000 - 7.000 Euro (khoảng 130 - 183 triệu đồng) của Chính phủ Pháp đang áp dụng cho người mua xe điện tới đây sẽ có sự thay đổi dựa trên lượng khí thải carbon.
Cụ thể, lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất, lắp ráp và xuất xưởng một chiếc ô tô sẽ được quy đổi thành điểm số. Những chiếc xe không đạt điểm tối thiểu sẽ không đủ điều kiện nhận trợ cấp trên. Danh sách các loại xe đủ điều kiện sẽ được Pháp công bố vào thứ Sáu tới (15/12).
Các nhà máy sản xuất ô tô tại Pháp sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và hạt nhân nên không phát thải carbon trong quá trình sản xuất xe điện. Như vậy, các mẫu xe điện do Pháp sản xuất sẽ có lợi thế hơn so với xe điện nhập khẩu khi áp dụng cách tính mới này.
Ngoài Pháp, Ý cũng đang xem xét những thay đổi tương tự về tiêu chuẩn đối với khoản trợ cấp xe điện 3.000 Euro (khoảng 78 triệu đồng) của nước này. Theo quy định hiện hành, khoảng 80% số tiền hỗ trợ của Chính phủ đang dành cho xe điện nhập khẩu.
Cũng theo chia sẻ của giới chức tại Pháp, hầu hết xe điện được sản xuất tại các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định mới trên. Bà Agnes Pannier-Runacher, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp cho hay, một số xe điện được sản xuất tại Trung Quốc sẽ bị loại khỏi danh sách được trợ cấp theo quy định mới.
"Mẫu xe bán chạy nhất tại Pháp là Dacia Spring EV được sản xuất tại Trung Quốc của hãng Renault và các mẫu xe mang thương hiệu MG của đối thủ đến từ Trung Quốc SAIC Motor sẽ không đủ điều kiện nếu dựa theo tiêu chí sản xuất hiện tại", bà Pannier-Runacher chia sẻ vào hồi tháng 9 trước đó.
Renault hiện đang lắp ráp mẫu xe điện Dacia Spring EV tại nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hiện, đã có hơn 40.000 xe được bán tại châu Âu trong 9 tháng đầu năm 2023, trong đó khoảng một nửa được bán tại Pháp. Nếu không có trợ cấp, giá mẫu xe này sẽ tăng lên khoảng 30%, ở mức 20.800 Euro (xấp xỉ 543 triệu đồng).
Không chỉ có 2 cái tên kể trên, mẫu xe điện Model 3 do Tesla sản xuất ở Thượng Hải, Trung Quốc cũng có thể nằm trong danh sách loại trừ trong chính sách trợ cấp xe điện theo quy định mới của Pháp.
Theo báo cáo mới nhất của Schmidt Automotive Research có trụ sở tại Đức, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng hơn 400.000 xe điện vào thị trường châu Âu trong 9 tháng đầu năm 2023, chiếm gần 30% tổng số xe điện mới được bán trong khu vực. Trong đó, 150.000 chiếc xe điện được sản xuất tại Trung Quốc đến từ hãng ngoài Trung Quốc như Tesla của Mỹ, BMW của Đức hay Renault của Pháp. Số còn lại là các mẫu xe điện mang thương hiệu của Trung Quốc như MG và BYD.
Người phát ngôn của thương hiệu MG tại Pháp cho biết các quy định về cách tính điểm mới là "không phù hợp" và "khiến các hãng xe khi sản xuất bên ngoài châu Âu gặp bất lợi".
Những động thái như vậy của các quốc gia châu Âu sẽ là hàng rào thương mại lớn nhằm ứng phó trước sự bùng nổ xe điện Trung Quốc giá rẻ hiện nay ở thị trường này. Tháng 9 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã mở một cuộc điều tra về vấn đề trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc dành cho các hãng xe điện của nước này. Cuộc điều tra nhằm xác định xem liệu có phải có sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc nhằm giữ giá xe điện ở mức thấp một cách bất thường, từ đó làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường và dấy lên mối lo ngại về tương lai của các hãng xe châu Âu.
Không chỉ xe điện sản xuất tại Trung Quốc, các mẫu xe điện sản xuất tại các nước châu Á khác cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về chính sách trợ cấp xe điện của Pháp, Ý. Cụ thể như, Nissan Leaf - một mẫu xe điện của Nhật Bản cũng có thể bị loại khỏi danh sách các mẫu xe điện được trợ cấp tại châu Âu, dù cho nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản bán xe điện vào châu Âu không đáng kể.
Gần đây, Toyota có động thái tăng cường xuất khẩu xe điện từ Nhật Bản sang châu Âu. Tuy nhiên, một giám đốc điều hành của hãng xe này cho biết: "Chúng tôi rõ ràng không thể cạnh tranh khi mà khoảng cách vận chuyển trở thành một điểm bất lợi". Tháng 10 vừa qua, Hàn Quốc cũng đã nêu lên mối lo ngại về các yêu cầu trợ cấp xe điện mới của Pháp tại một cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cho biết những thay đổi này nhằm giảm tác động đến môi trường của phương tiện giao thông và không vi phạm các quy định của WTO. Bộ Kinh tế và tài chính Pháp ước tính rằng sự thay đổi chính sách mới sẽ làm giảm lượng khí thải CO2 khoảng 800.000 tấn/năm từ năm 2024 đến năm 2027.
Tuy nhiên, Chính phủ nước này cũng thừa nhận rằng điều đó sẽ có lợi cho nền kinh tế Pháp. Bà Pannier-Runacher nói thêm: “Quy định mới sẽ là một điểm cộng cho người dân Pháp, một điểm cộng cho việc làm và một điểm cộng cho hành tinh này”.
Trước đó, ngày 1/12, Mỹ đã công bố siết chặt trợ cấp xe điện, tạo rào cản cho các hãng pin ô tô Trung Quốc. Cụ thể, từ năm 2024, các mẫu xe điện có bộ phận pin được sản xuất hoặc lắp ráp tại các nước thuộc nhóm FEOC (gồm Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran) sẽ chỉ nhận được khoản tín dụng 3.750 USD. Từ năm 2025, tất cả các mẫu xe điện vẫn sử dụng các loại linh kiện có nguồn gốc từ FEOC đều sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi chương trình ưu đãi tín dụng thuế (7.500 USD).
Động thái siết chặt trên có mục đích bảo hộ cho các công ty xe điện thuần Mỹ, khuyến khích tăng cường sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 100%, thoát khỏi sự phụ thuộc vào pin và các nguyên liệu sản xuất pin của Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!