Sáng 2/10, ở khu vực đỉnh núi của Công viên Long Đầu Sơn, thuộc Hoàng Phố (Thượng Hải), ông Lý (50 tuổi) đột ngột ngất xỉu.
Vào thời điểm đó, Đường Diễm Huân, Giám đốc Khoa Quản lý Y tế của Trung tâm Quản lý Y tế Quốc tế, thuộc một bệnh viện ở Quảng Đông, đang ở lưng chừng núi. Khi nhận được tin tức trên, cô đã nhanh chóng leo lên đỉnh núi để cứu người bệnh.
Tình huống cấp bách
Hôm đó, bác sĩ Đường cùng chị gái đang đưa các con đi leo núi tại Long Đầu Sơn trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Lúc này, loa thông báo vang lên: "Có một người đàn ông bị ngất xỉu trên đỉnh núi, người nhà đang khẩn cấp cầu cứu".
Sau khi nhận tin, bác sĩ Đường nhanh chóng chạy lên các bậc thang đá để đi cứu người, bất chấp việc cô bị thương ở đầu gối sau một lần ngã trước đó. Khi lên đến nơi, cô nhìn thấy một người đàn ông khoảng 50 tuổi đang nằm trên mặt đất với gương mặt tái nhợt.
Lúc này, bác sĩ Đường lập tức quỳ gối xuống, đến bên cạnh người bệnh, vỗ nhẹ vào vai để ông Lý tỉnh táo lại. Khi thấy bệnh nhân có phản ứng, cô trấn an: “Đừng lo, tôi là bác sĩ đây”.
Cô Đường đã dùng tay kiểm tra mạch đập và nhịp tim, đồng thời hỏi về tiền sử bệnh của người đàn ông. Ông Lý từng bị đột quỵ 2 năm về trước và đã hồi phục được khả năng vận động sau một thời gian điều trị. Hôm xảy ra vụ việc, ông Lý cùng vợ leo núi tập thể dục, ngay khi lên đến đỉnh, người đàn ông quỵ ngã xuống dưới đất.
Dựa theo nhịp thở, mạch đập, khả năng vận động của chân tay của ông Lý, bác sĩ Đường nghi ngờ bệnh nhân có thể bị nhồi máu não, nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến liệt chân tay, khả năng nói bị suy yếu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, lúc này, trên đỉnh núi không có thiết bị sơ cứu, phải mất ít nhất nửa giờ xe cấp cứu đến được chân núi và các nhân viên y tế có thể leo lên đến đỉnh.
Chứng kiến mẹ cứu người, bé gái mơ ước làm bác sĩ
Trong lúc chờ đợi xe cấp cứu, bác sĩ Đường luôn giữ tư thế quỳ gối, nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên để tránh tắc nghẽn đường thở, đồng thời quan sát chặt chẽ ý thức, nhịp thở và cử động chân tay của ông Lý để ngăn ngừa tình trạng của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn.
Thỉnh thoảng, bác sĩ Đường nhắc ông Lý đừng ngủ gục và khuyên ông hãy nghĩ đến những điều tích cực, hướng về gia đình và con cái để tăng thêm ý chí sinh tồn. Đồng thời, cô đã gọi cho Trưởng khoa Thần kinh tại bệnh viện của mình, liên lạc với xe cứu thương cùng đội cứu hộ. Hơn nửa giờ sau, đội ngũ y tế có mặt tại hiện trường, bác sĩ Đường cùng mọi người khiêng ông Lý lên cáng và di chuyển xuống núi, nhờ thế mà người bệnh thoát khỏi cơn nguy hiểm.
Bức ảnh bác sĩ Đường quỳ gối cứu người được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, nhận được nhiều lượt thích và chia sẻ từ cộng đồng mạng. Con gái 15 tuổi của nữ bác sĩ cảm thấy rất tự hào về mẹ và mong ước sau này cũng sẽ làm trong ngành y để cứu người.
Trong khi đó, bác sĩ Đường cho hay: “Thực ra đây là một việc rất bình thường. Đó không phải là một tình huống quá gay cấn hay nguy hiểm gì, chỉ cần một chút nỗ lực”.
Cô cũng nhắc nhở mọi người nên chú ý giữ gìn sức khỏe khi đi tập thể dục hoặc đi chơi, nhất là những người có tiền sử nhồi máu não, bệnh tim hoặc đột quỵ. Họ cần mang theo một số loại thuốc phòng hoặc chữa bệnh trong trường hợp khẩn cấp.