Ô tô Việt xuất ngoại
Cuối tháng 11/2022, con tàu chở 999 chiếc xe điện mang thương hiệu Việt của Công ty VinFast đã bắt đầu hải trình từ cảng Đình Vũ (Hải Phòng) sang Mỹ. Đây là lần đầu tiên một hãng xe thương hiệu nội xuất khẩu ô tô sang thị trường Mỹ, nơi có hàng rào kỹ thuật ở mức cao vào bậc nhất thế giới. Với giá bán thấp nhất hơn 40.000 USD/xe, nếu suôn sẻ, số xe được tiêu thụ hết thì con số thu về ít nhất cũng trên 40 triệu USD.
Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết, từ đầu năm 2022, ''ông lớn" này đã xuất khẩu 500 xe ô tô con sang các nước ASEAN cùng sơ mi rơ moóc sang Mỹ; bên cạnh đó là các linh kiện ô tô, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 190 triệu USD trong năm nay, tăng gấp 4 lần so với 2021.
Tập đoàn Thành Công (TC Group) tháng trước vừa khánh thành Nhà máy ô tô số 2 tại khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình. Đây là nhà máy hiện đại, được chuyển giao công nghệ mới nhất từ Hàn Quốc, với dây chuyền sản xuất thông minh. Nhà máy có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, kết hợp với nhà máy số 1, sẽ có tổng công suất 180.000 xe/năm, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng đến mục tiêu xuất khẩu ô tô.
Mặc dù xuất khẩu ô tô của Việt Nam mới ở bước khởi đầu và còn khá nhỏ bé, nhưng điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Mở thị trường xuất khẩu, nhất là tới những khu vực có nền sản xuất phát triển, có tính cạnh tranh cao, sẽ khẳng định năng lực của các doanh nghiệp và giúp tăng sản lượng.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, nhìn từ sự phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới cho thấy, không có doanh nghiệp nào đầu tư chỉ tập trung vào mỗi thị trường nội địa. Phải hướng tới xuất khẩu ô tô để mở rộng thị trường ra bên ngoài, tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh. Càng xuất khẩu nhiều, càng khẳng định năng lực của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nước. Thực tế đã chứng minh, công nghiệp chế biến, chế tạo chính là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng của một quốc gia.
Giấc mơ lớn có thành hiện thực?
Trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Thaco cuối tuần qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hành trình từ một doanh nghiệp mua bán ô tô đã qua sử dụng đến một tập đoàn công nghiệp đa ngành như Thaco, trong đó ô tô là chủ lực, là minh chứng để Việt Nam hoàn toàn có thể sản sinh ra những doanh nghiệp lớn. Thaco không chỉ ráp nên những chiếc xe mà hơn hết là xây dựng diện mạo về ngành công nghiệp ôtô do người Việt làm chủ. Thành công đó bắt nguồn trước hết từ khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tầm nhìn.
Tiếp nối Chu Lai, Hải Phòng, Ninh Bình,... cũng đang trở thành những trung tâm sản xuất ô tô lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.
Công nghiệp ô tô là khách hàng của nhiều ngành sản xuất có liên quan, như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất,... Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực, thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, tạo động lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Xuất khẩu ô tô sang các nước ASEAN được ưu đãi thuế quan 0%, sắp tới là các khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ... là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan đòi hỏi phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa nội khối theo cam kết. Vì vậy, bắt buộc phải đầu tư, để đạt được tỷ lệ nội địa hóa cao thì mới được hưởng lợi khi xuất khẩu.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, sản xuất ô tô trong nước chưa đáp ứng được yếu tố cạnh tranh về giá do linh kiện phần lớn vẫn còn phải nhập khẩu. Chỉ có một số linh kiện được sản xuất trong nước nhưng sản lượng không đủ lớn để có mức giá tốt. Giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%. Khoảng cách này phải thu hẹp lại mới có nhiều cơ hội xuất khẩu xe. Dù doanh nghiệp ô tô có nỗ lực hết sức, nhưng nếu thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì rủi ro rất lớn.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới từ trước đến nay là đi từ lắp ráp đến sản xuất linh kiện và gia tăng tỷ lệ nội địa hoá. Nếu có các chính sách ưu đãi hợp lý, chắc chắn ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước xuất khẩu ngày càng nhiều.