Thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho hay: Cà Mau phát triển khá đa dạng lĩnh vực nông lâm thủy sản, trong đó thủy sản được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Toàn tỉnh có trên 70.000km2 ngư trường, trên 300.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, chủ lực là tôm sú và tôm thẻ; trên 20.000 ha nuôi tôm càng xanh xen lúa; trên 250.000 ha nuôi tôm kết hợp nuôi cua; trên 110.000 ha diện tích gieo trồng lúa, đặc biệt có trên 35.000 ha lúa sinh thái trên đất nuôi tôm, không sử dụng phân bón, thuốc sâu hoặc các hóa chất.
Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau kể cả nuôi trồng, khai thác thủy sản trên 640.000 tấn, trong đó, riêng tôm trên 230.000 tấn. Trên 20.000 ha được chứng nhận của các tổ chức trong nước và quốc tế, hầu hết ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, cơ sở thu mua.
Về lúa gạo, hiện đã có trên 25 chuỗi ký kết hợp đồng tiêu thụ với diện tích trên 8.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn (8% tổng sản lượng lúa của tỉnh).
“Với tiềm năng lợi thế như trên, Cà Mau rất có điều kiện để phát triển các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, đặc biệt là Ủy ban nhân dân tỉnh - phải xây dựng các sản phẩm OCOP theo hướng thực chất, không chạy theo thành tích – thời gian qua, chúng tôi làm rất kỹ việc xem xét xác nhận các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, chúng tôi làm rất kỹ. Những sản phẩm OCOP của Cà Mau từ 3 – 4 sao đều đảm bảo chất lượng”, ông Quân nhấn mạnh.
Đến nay, toàn tỉnh mới có được 145 sản phẩm OCOP, trong đó có 113 sản phẩm 3 sao, 32 sản phẩm 4 sao, chưa có sản phẩm 5 sao. So với bình quân cả nước, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau thấp hơn nhiều, thậm chí thấp hơn cả bình quân của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về phân loại sản phẩm OCOP, nhóm thực phẩm có tới 127 sản phẩm (chiếm tới 86%), chủ yếu được chế biến từ các mặt hàng thủy sản như tôm, cua, cá, các loại nhuyễn thể, cũng như gạo và một số loại cây trồng khác có lợi thế địa phương, có vùng nguyên liệu được ký kết sản xuất với các doanh nghiệp; Chỉ có 10 sản phẩm đồ uống và 8 sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Về tiêu thụ, các sản phẩm OCOP của Cà Mau chủ yếu bán qua các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Mới có khoảng 42 sản phẩm OCOP của 17 chủ thể được bán qua hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh như BigC, Co.op Mart… Trong đó, khá nhiều sản phẩm được liên kết với các đại lý, các nhà mua ở ngoài tỉnh như Đồng Nai, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM…
Phần lớn sản phẩm OCOP được mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada… và các mạng xã hội. Đặc biệt, gần 100% sản phẩm OCOP Cà Mau được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cũng chỉ rõ 2 khó khăn lớn trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.
Một là sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng đảm bảo, nhưng bao bì, mẫu mã chưa đẹp. Cà Mau đã tổ chức hội thi mẫu mã bao bì và thương hiệu sản phẩm thì thấy ngoài việc nâng chất lượng thì sản phẩm OCOP cần chú trọng hơn về bao bì, mẫu mã và thương hiệu. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để khắc phục vấn đề này, chỉ đạo các sở/ngành hỗ trợ các doanh nghiệp cả về phát triển sản xuất, nguyên liệu cũng như bao bì, mẫu mã… Thậm chí, Ủy ban nhân dân tỉnh còn có quyết định giao từng sở/ngành phụ trách từng chủ thể, từng sản phẩm để thực hiện các tiêu chí, nội dung tham gia các đợt phân hạng OCOP mới. Phấn đấu trong năm 2024, Cà Mau có 3 – 5 sản phẩm OCOP 5 sao.
Hai là, theo phản ánh từ các chủ thể OCOP ở Cà Mau, hầu hết các hợp tác xã có quy mô nhỏ, tổ hợp tác, hộ cá thể, còn gặp khó khăn trong việc kết nối với các nhà mua, đặc biệt là tỷ lệ chiết khấu quá cao, tới 36%. Đối với các chủ thể là công ty có điều kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, hàng hóa thì việc kết nối các nhà mua hàng thuận lợi hơn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đề nghị các doanh nghiệp, nhà mua hàng cân nhắc tỷ lệ chiết khấu phù hợp để có lợi cho cả bên mua và bên bán.