PGS.TS Nguyễn Phương Mai
- Chuyên gia thiết kế các khóa đào tạo doanh nghiệp và tư vấn cá nhân về Giao tiếp - Quản trị đa văn hoá và Khoa học Thần kinh Ứng dụng dựa trên kiến thức về não bộ.
- Tác giả của hai cuốn sách Tôi là một con lừa và Con đường Hồi giáo.
Sau phát ngôn gây tranh cãi trong những ngày đầu năm mới, Xuân Bắc đã lên tiếng xin lỗi. Nghệ sĩ cho rằng câu chuyện của anh chỉ mang tính cá nhân và gây hiểu nhầm cho một số khán giả. Tuy nhiên, trên trang cá nhân, Xuân Bắc vẫn giữ bài viết “Cái tát của mẹ”.
"Cái tát của mẹ" gây tranh cãi
Xuân Bắc kể câu chuyện ngụ ngôn với nội dung người con chê bánh chưng của mẹ nấu vào mỗi dịp Tết đến dù vẫn ăn “tụt lưỡi”. Kết quả là anh nhận cái tát từ mẹ với những câu chửi “ăn cháo đá bát”, “có lớn mà không có khôn”; “không ăn thì cút”; “không ăn thì thôi ai bắt”…
Nghệ sĩ kết thúc câu chuyện ngụ ngôn bằng câu: “Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo quân trên VTV3".
Xuân Bắc và các nghệ sĩ trên sân khấu Táo quân 2023. |
Cách Xuân Bắc sáng tạo câu chuyện ngụ ngôn thực ra là đang dùng một câu chuyện có phép ẩn dụ để truyền tải thông điệp. Thông điệp ấy là gì thì đương nhiên công chúng phải đoán. Nhiều người cho rằng Xuân Bắc không hề nhắc đến chữ “khán giả” nên suy ra anh không hề chửi công chúng.
Tuy nhiên, nhận định này khá khiên cưỡng. Không mấy ai dùng phép ẩn dụ nếu không muốn gián tiếp đưa ra ý kiến nào đó. Xuân Bắc chắc chắn có hàm ý, chỉ có điều là anh để mọi người tự do võ đoán.
"Văn hóa Trạng Quỳnh"
Người Việt Nam vốn không xa lạ với cách dùng ẩn dụ, hoán dụ, tu từ để cất lên tiếng nói một cách an toàn. Nền văn hóa cũng đã sản sinh ra những Trạng Quỳnh, Trạng Lợn. Nguyễn Quỳnh tuy là nhân vật có thật nhưng chuyện Trạng Quỳnh thì thường là do dân gian tưởng tượng, để thể hiện tâm lý của kẻ yếu khi muốn đối mặt với kẻ mạnh phải dùng lối đánh tập hậu, xỏ xiên, cạnh khóe.
Xuân Bắc đã rất Trạng Quỳnh và Táo Quân khi dùng phép ẩn dụ để trên giấy trắng mực đen, không điều luật nào bắt bẻ anh cho được
Cách nói nước hai, đả kích... cũng là một phần hồn cốt của chính chương trình Táo quân. Kịch bản Táo quân rất nhiều các câu chuyện ẩn dụ.
Năm qua có thể kể đến “cái bánh rán rơi vỡ lòng đường” hoặc thậm chí khá kém duyên như “cô ấy bán mướp chứ không bán bưởi”. Người yêu thích thì mong chờ Táo quân như một kiểu Trạng Quỳnh chửi chúa cho bõ ghét. Người chê bai cũng lại vì coi Táo quân là Trạng Quỳnh, chỉ chửi xéo không cũng chẳng mấy ăn thua gì.
Như vậy, tức là để hiểu và cười Táo quân thì phải có khả năng suy diễn từ các câu chuyện ẩn dụ. Tương tự, để hiểu ý của Xuân Bắc thì người ta cũng phải suy đoán từ câu chuyện (có thể là ẩn dụ). Tuy nhiên, câu chuyện ấy quá khiên cưỡng để nhiều người có thể chấp nhận rằng Xuân Bắc đã bị mẹ cho ăn tát theo đúng nghĩa đen.
Anh có thể đã rất Trạng Quỳnh và Táo quân khi dùng phép ẩn dụ để trên giấy trắng mực đen, không điều luật nào bắt bẻ anh cho được. Có lẽ anh đã vô thức phóng chiếu áp lực phải chiều lòng không chỉ khán giả mà phải có cả những điều nhạy cảm, khó nói khác để ra chương trình Táo quân.
Hàm ý trong bài viết của Xuân Bắc
Giả sử nếu Xuân Bắc dùng phép ẩn dụ, thông điệp thực sự của anh chỉ là cách ta suy đoán. Tuy nhiên, nếu quả thật Xuân Bắc có ý đó thì hình ảnh anh dùng để so sánh rất thiếu khôn ngoan. Nó phản ảnh hai vấn đề sau đây:
Thứ nhất, nó gián tiếp là hệ quả của tâm lý độc quyền, trên cơ thiên hạ mà chương trình Táo quân đang hưởng thụ trên sóng truyền hình. Với rất ít lựa chọn vào đêm 30, người dân hầu như chỉ còn cách xem Táo quân.
Cái “bánh chưng” ấy là món ăn gần như duy nhất trên mâm cỗ. Giải pháp có lẽ là nên tăng sự cạnh tranh lành mạnh để khán giả đỡ ức chế, diễn viên Táo quân cũng đỡ áp lực, và những suy nghĩ ảo tưởng mình là “mẹ thiên hạ” cũng sẽ không còn đất sống.
Thứ hai, nếu hình ảnh so sánh đó là thông điệp chính xác, thì có lẽ Xuân Bắc còn nhiễm bệnh quan văn hóa. Anh là diễn viên phục vụ quần chúng, chương trình Táo quân là để phục vụ người dân, và chính anh đang được đề cử là nghệ sĩ nhân dân.
Tuy nhiên, anh cũng là cán bộ, là quan chức với vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Ủy viên Hội đồng đội Trung Ương, và Phó chủ tịch Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam.
Việc dùng phép ẩn dụ so sánh vai trò của người xem là “con”, diễn viên là “mẹ”, (nếu đúng) thì đó là sự phóng chiếu vô thức cái nhìn trịch thượng ban ơn của quan chức đến người dân.
Đó là tâm thế phong kiến nơi kẻ bề trên được ví như cha mẹ của dân đen, phân chia lộc lá cho người bề dưới, ai không biết ơn thì là đồ “ăn cháo đá bát”.
Nghệ sĩ và sức mạnh phản biện của khán giả
Trước đây, Đàm Vĩnh Hưng từng cho mình là “vùng đất cấm”, Trấn Thành nói nếu khán giả không muốn xem thì hãy tắt tivi. Những phát ngôn đó tuy không hợp lỗ tai của nhiều người, nhưng nó lại là một phần rất khó tránh khỏi của thế giới giải trí.
Nghệ sĩ cũng là người, họ cũng có khả năng bị tổn thương. Việc bị chê bai, thậm chí chửi rủa khiến không phải ai cũng có thể giữ được bình tĩnh.
Chính vì thế, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đã bị vạ miệng. Bên cạnh đó, số lượng những nghệ sĩ huênh hoang cũng không phải là ít. Kanye West chẳng hạn, từng nói rằng anh ta là kẻ vĩ đại nhất, thậm chí ám chỉ bản thân như một vị thần.
Điều chúng ta có thể làm lên tiếng. Họ có thể lắm tài nhiều tật, nhưng nếu cái ranh giới của sự thăng bằng ấy bị xô lệch về một bên, nghệ sĩ dù tài năng đến mấy cũng sẽ “chết” nếu khán giả quay lưng.
Câu chuyện của Xuân Bắc là một ví dụ. Cho dù phép ẩn dụ khiến không ai chính thức bắt tội được anh, sức ép dư luận đã khiến cơ quan quản lý phải lên tiếng, và đến lượt chính anh đã phải xin lỗi.
Nghệ sĩ Xuân Bắc xin lỗi sau khi bị phản ứng vì bài viết "Cái tát của mẹ". |
Nghệ sĩ dù tài năng đến mấy cũng sẽ “chết” nếu khán giả quay lưng
Khi thấy Xuân Bắc một mực im lặng, bất chấp sóng gió và thị phi, khán giả thất vọng về anh. Mấu chốt của vấn đề là nhiều người tin vào phép ẩn dụ và cho rằng anh chửi xéo họ. Ngược lại, những người bênh anh hiểu theo nghĩa đen và cho rằng anh thực sự đúng là đã bị bị ăn tát vì dám chê bánh chưng mẹ nấu.
Thứ anh cần làm là đính chính, khẳng định có hay không phép ẩn dụ mà thôi. Nhưng anh đã im lặng nhiều ngày, tạo ra những tranh cãi, thậm chí là tức giận từ một bộ phận khán giả.
Thực ra, Xuân Bắc có ý bảo vệ ê-kíp nhưng cách phản hồi của anh lại khiến tất cả bị vạ lây. Trong tương lai, họ có diễn hay cách mấy người ta cũng sẽ lại đem câu chuyện này ra để dè bỉu. Sự tổn hại ấy thật sự không đáng có.
Tạm kết
Tuy nhiên, cuối cùng đây cũng tạm được coi là một câu chuyện có hậu. Dù có tanh bành chút xíu song thể hiện một bước tiến gần hơn đến văn minh. Đó là khi có vấn đề thì các bên lên tiếng và yêu cầu giải trình.
Xuân Bắc đã thanh minh, khán giả rồi cũng sẽ bỏ qua. Việc chúng ta tự giải thoát khỏi tâm thức văn hóa kiểu Trạng Quỳnh/ Táo quân để thôi chửi đổng chửi xéo, để lãnh đạo và người dân có thể đối thoại thẳng thắn, minh bạch, sai đâu sửa đấy là dấu hiệu của một nền dân trí khỏe mạnh.
Dư luận bản chất là đa chiều. Sự đa chiều đó có thể khiến nhiều người hơi chông chênh, hoang mang. Nhưng cùng thời gian và kinh nghiệm, dư luận sẽ dần trưởng thành bởi sự học hỏi qua va chạm.
Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa xã hội phong kiến kiểu Trạng Quỳnh nơi người dân chỉ dám chửi đổng rồi đâu lại hoàn đó và xã hội hiện đại văn minh mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng.
(Theo Zing)