Có phải tất cả mọi đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó, điều kiện vật chất không có, đều sẽ cảm thấy bất hạnh? Và có phải tất cả trẻ sống trong điều kiện vật chất dư giả đều luôn vui vẻ, hạnh phúc? Khi nào nên có con và có con có phải đặc quyền dành cho người đầy đủ điều kiện kinh tế?
Từ chuyện của mình
Tôi không sinh ra trong gia đình giàu có. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ cảm thấy sự nghèo khó của mình là bất hạnh.
Sinh ra trong gia đình khó khăn, ta có thể gặp trở ngại trong tiếp cận tri thức, học tập cùng các điều kiện vật chất khác. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc đứa trẻ không có hạnh phúc, sự bình an. Ngược lại, không phải cứ sống trong nhung lụa, được trang bị đủ đầy đứa trẻ sẽ hạnh phúc, hoặc chắc chắn có hạnh phúc.
Thực tế, trên thế giới, tỉ lệ người nghèo cao hơn người giàu rất nhiều. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ 1% dân số kiếm được 17% tổng thu nhập toàn quốc trong khi 50% dân số thu nhập thấp nhất chỉ kiếm được 14%. Điều đó có nghĩa là, người giàu rất ít, người nghèo chiếm đa số.
Có một sự thật, con người có cơ chế thích nghi. Những đứa trẻ 8X đời đầu như tôi hoặc anh chị 7X sẽ hiểu được khó khăn chung của đất nước, nơi mình sinh ra. Và mọi người đã đi qua thời ấy với tất cả nỗ lực, cũng có nhiều niềm hạnh phúc đáng nhớ.
Thời tôi đi học không có điện thoại, xe đạp cọc cạch, sách vở thiếu thốn, phải mượn học liệu cũ của anh chị hàng xóm. Tối về học bài bằng chiếc đèn dầu leo lét, đi học phải ăn cơm với khoai và sắn độn nóng ran cả bụng dạ…
Tuy nhiên, lúc nào khổ cực thì khổ cực, khi nào cảm thấy niềm vui cũng thật vui, và thậm chí có những niềm vui khó tìm lại khi điều kiện khá hơn. Đó là tình thương, sự gắn kết, hiện hữu đầy đủ của người thân thương mình trong những bữa cơm gia đình, nói cười vui vẻ.
“Bây giờ tiện nghi đầy đủ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều nỗi lắng lo, bất an khi bố mẹ không thể hiểu hết con cái, cạm bẫy rập rình trên mạng, ngoài đường, thậm chí trên trường học”. Tôi đọc được chia sẻ này trên một diễn đàn dành cho bố mẹ có con đang độ tuổi dậy thì. Quả thực, thời kỳ nào cũng có cái khó cái khổ riêng.
Với tôi và nhiều người khác, sau khi đi qua cơn bão khó khăn đã nhận ra, nhờ đó mình “cứng cáp” hơn. Và thi thoảng, tôi vẫn thầm cảm ơn một số khó khăn, thử thách mình gặp trong đời.
Mỗi bài học đều đáng giá
Trở lại với việc sinh ra trong gia đình nghèo khó có là nỗi bất hạnh? Điều này tùy thuộc vào cảm nhận của từng người, không hề có mẫu số chung.
Cũng có những đứa trẻ trách cha mẹ sinh mình ra trong điều kiện khó khăn. Nhưng rất nhiều người khác, trong đó có tôi, lại cảm thấy được trải qua “thử thách” con nhà nghèo cũng là điều tuyệt vời, giúp mình rèn luyện sự chịu đựng, vượt lên chính mình, có nỗ lực nhiều hơn trong cuộc sống.
Nhờ đã từng khổ, từng khó nên tôi hiểu và cảm thông sâu sắc hơn với cái khó, cái khổ của người khác.
Tôi nghĩ cuộc sống có 2 mặt. Điều quan trọng, chúng ta nhìn vào mặt nào để cảm nhận, sống với.
Thực tế, không ít người trẻ sinh ra trong gia đình sung túc, ỷ lại vào điều kiện gia đình của mình mà không nỗ lực, không cố gắng, thậm chí chỉ lo hưởng thụ, ăn chơi sa đọa.
Nhiều người khác khi gia đình “phất” lên, bố mẹ không còn thuận hòa, hạnh phúc đổ vỡ. Và đứa trẻ mà người ngoài nhìn vào tưởng là may mắn ấy đã cảm thấy bất hạnh vì sinh ra trong gia đình giàu mà khiếm khuyết niềm vui như vậy.
Tôi thật sự chưa giàu và cũng đã già, nhưng khi có duyên trở thành phụ huynh của một đứa trẻ - là con trai tôi, một cậu bé 5 tuổi - tôi đã thật sự rất hạnh phúc. Con trai tôi cũng đầy tiếng cười dù sống trong điều kiện không khá giả.
Tôi nghĩ, nếu có điều kiện hoặc được chuẩn bị kỹ để trở thành một phụ huynh, bố mẹ sẽ mang lại những điều kiện tốt nhất cho đứa trẻ. Và đứa trẻ sẽ cảm nhận được tình thương, sự lo lắng, năng lượng bảo vệ của bố mẹ mình và sống bình an trong bầu không khí đó.
Lường trước điều sẽ trải trong quá trình làm bố mẹ cũng là cách giúp mình và con cùng trải qua thử thách trong suốt cuộc đời.
Hạnh phúc đích thực không lệ thuộc điều kiện bên ngoài, mà từ cảm nhận bên trong thông qua nhận thức về nhân-duyên-quả. Nhiều vị hiền triết “gặp nhau” trong cái nhìn này.
Hạnh phúc là cảm thọ của từng cá nhân, khi con người càng hiểu biết về quy luật cuộc sống, vận hành của đời mình trong chiều sâu nhân-quả, họ sẽ nỗ lực để sống tốt nhất trong các điều kiện đang có. Khi sống tốt nhất và vui vẻ với kết quả đạt được trong điều kiện cụ thể nào đó, chắc chắn ta sẽ tịnh tiến trên con đường vui.
Sở dĩ người ta khổ vì không chấp nhận được mình và không sống tốt nhất với các điều kiện hiện tại.
Người giàu cũng khóc, bởi chính họ cũng phải đối mặt với rất nhiều nỗi thống khổ chung của nhân loại, đó là sinh, già, bệnh, chết, gần người mình không hợp, xa người thương, cầu mà không toại ý. Có người nổi tiếng, giàu có, địa vị cao không thể chịu được sự mất mát bất ngờ sau một sự cố nào đó đã chọn cái chết. Đó là bài học đáng suy ngẫm, thay vì chỉ xoáy sâu ở mỗi việc giàu/nghèo.
Tất nhiên, nếu quá nghèo khó, sinh ra một đứa trẻ và không đủ nuôi chúng, để chúng cù bất cù bơ, không có điều kiện đến trường, chịu khổ cùng mình, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, chắc chắn là không nên. Nói cách khác, sinh con là lựa chọn kỹ lưỡng, có điều kiện.
Nếu đã chuẩn bị kỹ thì hẵng “giới thiệu” con mình với cuộc đời để cả hai cùng có nhiều điều kiện để kiến tạo hạnh phúc cùng nhau.