Kết thúc phiên giao dịch 18/1 (27 tháng Chạp), chỉ số VN-Index tăng 9,99 điểm (+0,92%) lên 1.098,28 điểm. HNX-Index tăng 2,58 điểm lên 217,73 điểm. Upcom-Index tăng 0,58 điểm lên 73,54 điểm.
Thanh khoản đạt 11.900 tỷ đồng, trong đó có 10.238 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Như vậy, so với đáy 873,8 điểm ghi nhận hôm 16/11/2022, chỉ số VN-Index đã hồi phục gần 25,7%.
Sắc xanh áp đảo trên cả 3 thị trường. Trên sàn HOSE có 322 mã tăng giá (xanh), trong đó có 23 mã tăng trần; 45 mã ở mức gia tham chiếu và 105 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu trụ cột VN30 đa số tăng giá, với 25 trong số 30 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 2 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng điểm và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, mức tăng không còn mạnh như trước đó. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) tăng thêm 600 đồng lên 90.000 đồng/cp; TPBank (TPB) tăng 600 đồng lên 23.600 đồng/cp; Sacombank (STB) tăng 250 đồng lên 26.800 đồng/cp…
Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng nhẹ.
Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 1.500 đồng lên 56.700 đồng/cp; Vinhomes (VHM) tăng 500 đồng lên 52.500 đồng/cp. Trong khi đó, Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Vượng giảm 550 đồng xuống 29.300 đồng/cp.
Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng 2.400 đồng lên 99.900 đồng/cp; Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài tăng 1.900 đồng lên 44.950 đồng/cp.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục nhích lên với lực mua vẫn còn khá lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. HPG tăng 50 đồng lên 21.700 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với mức đáy 12.000 đồng ghi nhận hồi đầu tháng 11/2022.
Nhóm cổ phiếu trụ cột tiếp tục luân phiên tăng giá và đỡ thị trường đi lên.
Nhóm nông nghiệp, thủy sản và nhóm bán lẻ tăng khá mạnh với những cái tên như HAG, HNG, MWG, FRT… Nhóm dệt may cũng diễn biến ấn tượng với nhiều mã tăng mạnh như: GIL, TNG, VGT, TCM… Nhóm bất động sản ghi nhận nhiều mã tăng trần như: CEO, DIG, SCR, L14, NHA…
Trong khi đó, ngành bảo hiểm quay đầu giảm theo những tín hiệu hạ nhiệt về tỷ giá và lãi suất.
Khối ngoại tiếp tục kéo dài chuỗi ngày mua ròng. Hôm 18/1, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 700 tỷ đồng (692 tỷ đồng trên HOSE), tập trung vào nhóm cổ phiếu chứng khoán như Chứng khoán SSI (SSI) và VnDirect (VND). Khối ngoại cũng mua mạnh 2 cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và MSN của ông Nguyễn Đăng Quang.
Thị trường chứng khoán ghi nhận dòng tiền vào khá tích cực cho dù ở thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Chỉ số VN-Index tiếp tục nhích dần lên và về sát đỉnh cao cũ tháng 12/2022.
Thị trường còn một phiên giao dịch cuối cùng ngày mai, 19/1, trước kỳ nghỉ Tết, với cơ hội vượt đỉnh trong tháng 12/2022 là rất lớn khi mà nhiều tín hiệu kỹ thuật cho thấy cổ phiếu đang trở lại xu hướng tăng khá tích cực.
Chỉ số VN-Index được kỳ vọng lớn sẽ thoát downtrend.
Theo Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), sau một thời gian tích lũy trong biên độ hẹp, VN-Index chính thức thoát khỏi kênh downtrend trung hạn và cần vài phiên tới để xác nhận. Thị trường sau đó có thể tiếp tục có đợt phục hồi mới và bước vào giai đoạn tích lũy trung hạn giai đoạn tới trước khi có thể xác nhận xu hướng tăng giá (uptrend).
Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, kỳ vọng đang rất lớn. Còn Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng dòng tiền có thể sẽ gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong một báo cáo gần đây, Maybank cho rằng, trong nửa đầu 2023, VN-Index kiểm định lại vùng "đáy" và nửa cuối năm bật tăng mạnh lên 1.400 điểm. Maybank cho rằng, thị trường chứng khoán đang mang đến cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư dài hạn từ 2 năm trở lên.