Trao đổi với VietNamNet, TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, những trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ thường là những trường có uy tín, có sự cạnh tranh rất cao. 

“Mấy năm vừa rồi, qua phân tích so sánh của Bộ GD-ĐT, chúng ta thấy điểm trung bình học bạ của học sinh luôn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Không có gì đảm bảo chắc chắn cho việc điểm học bạ không bị tác động. Việc “nâng điểm” có thể xuất hiện cho 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm học sinh khá, giỏi và muốn điểm số tốt lên để thuận lợi tối đa cho du học hoặc vào các trường top đầu trong nước.

Nhóm thứ hai là nhóm rất thấp ở dưới, thầy cô gọi là “nương tay” cho các em thuận lợi trong việc tốt nghiệp. Việc điểm bị sửa nhiều khi cũng không phải vì một động cơ tiêu cực nào cả (như nhờ vả hay chạy tiền...) mà chỉ đơn giản thầy cô thương học trò muốn cho thêm một chút, hoặc vì áp lực thi đua giữa các lớp...”, ông Phương nói. 

“Đã có những trường đại học khảo sát cho thấy những sinh viên xét tuyển bằng điểm học bạ cao, quá trình học thường không được tốt như kỳ vọng. Như vậy rõ ràng, việc dùng điểm học bạ để xét tuyển vào các ngành/trường có mức điểm chuẩn 27-29 là không đủ độ tin cậy”. 

Do đó, ông Phương cho rằng, việc một số trường đại học tuyên bố không dùng điểm học bạ để xét tuyển sinh cũng có nguyên nhân. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, nếu làm trung thực, loại trừ được việc “sửa điểm”, điểm học bạ có thể giúp theo dõi quá trình học của một học sinh, từ đó cũng dễ so sánh các thí sinh với nhau hơn; trong khi điểm thi có thể mang tính nhất thời, thậm chí có trường hợp “học tài thi phận”. 

“Chính vì vậy, việc dùng điểm học bạ cũng có những giá trị của nó, tuy nhiên trong điều kiện trung thực, hoàn toàn không bị tác động. Cá nhân tôi ủng hộ việc các trường top trên không sử dụng điểm học bạ làm tiêu chí duy nhất để xét tuyển sinh, bởi dù sao phương thức này khó có thể khách quan, khả năng tiêu cực cao”. 

a7403499.jpg

TS Lê Viết Khuyến (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho hay, tuyển sinh đại học bằng điểm học bạ không phải chỉ ở Việt Nam mà nhiều trường đại học, nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần xem xét vì sao họ làm như thế và làm như thế thì có lợi gì.

“Thực tế, tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ sẽ làm giảm nhẹ áp lực cho người học thay vì một kỳ thi gắt gao. Điều này tốt, nhưng cần xem người ta làm việc đó trong điều kiện như thế nào?

Có hai điều kiện. Thứ nhất, ở những nước đó/trường đó đã hình thành văn hóa chất lượng. Tức là ai làm việc gì gian dối hoặc làm giảm chất lượng đào tạo sẽ bị người học, phụ huynh và cả xã hội lên án. Nhưng văn hóa chất lượng ở Việt Nam thì chưa! Vẫn còn đó tình trạng gian lận, thậm chí sửa điểm, mua điểm.

Thứ hai, ở những nước đó, hệ thống giáo dục phổ thông đã được kiểm định rất chặt chẽ, khoa học. Do đó, chuẩn đào tạo, đánh giá của các trường ở các nước đó sẽ đồng đều nhau. Còn ở Việt Nam chưa có sự đồng đều, cụ thể có trường đánh giá chặt, trường làm lỏng. Thậm chí có trường xảy ra tình trạng "phù phép" để có học bạ đẹp.

Như vậy, chúng ta chưa đảm bảo được 2 điều kiện đó nhưng lại vội vàng áp dụng xét tuyển sinh bằng điểm học bạ thì rõ ràng không ổn”.

Ông Khuyến cho rằng, phương thức xét tuyển bằng học bạ thường có “lợi” cho các trường trong việc dễ dàng tuyển được nhiều người học, đi kèm nguồn thu đến từ học phí lớn.

“Với phương thức này, các trường có thể vét thí sinh dễ hơn phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi với những trường danh giá, nếu muốn vét thí sinh, phải hạ điểm chuẩn và việc này không hề dễ dàng. Với việc thêm phương thức xét tuyển bằng học bạ, các trường vẫn giữ được mức điểm chuẩn phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT cao để đảm bảo thương hiệu mà vẫn tuyển được nhiều thí sinh”.

Theo ông Khuyến, khi chưa đảm bảo được 2 điều kiện phân tích ở trên sẽ dẫn tới mất công bằng. “Bởi việc xét tuyển nếu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có khi chỉ hơn nhau 0,25 điểm đã phân chia đỗ hay trượt. Nhưng với điểm học bạ, nếu có việc “xin điểm”, có thể thay đổi nhiều điểm. 

Trường nào quản lý chặt, học sinh sẽ thiệt thòi, bảng điểm không đẹp. Ngược lại, trường nào bất chấp, bảng điểm học sinh rất đẹp nhưng chất lượng thực tế lại thấp”, ông Khuyến nói.

Theo ông Khuyến, khi đảm bảo được 2 điều kiện đó, việc dùng phương thức xét tuyển sinh đại học bằng học bạ cũng rất tốt.

“Tuy nhiên, có lẽ đó là chuyện của tương lai, còn nền giáo dục của chúng ta vẫn còn nhiều tiêu cực như chạy điểm, mua điểm... Chỉ khi ngành giáo dục đảm bảo được việc học bạ đánh giá khách quan, trung thực mới được. Việc kiểm định, Bộ GD-ĐT có thể làm được, nhưng để hình thành văn hóa chất lượng trong xã hội có lẽ còn là cả câu chuyện dài”, ông Khuyến nói.

“Tôi không phản đối việc sử dụng học bạ để xét tuyển đại học. Nhưng tôi phản đối việc lấy điểm học bạ làm tiêu chí chính, thậm chí là tiêu chuẩn duy nhất. Song, coi nó là tiêu chí phụ để hỗ trợ các phương thức khác trong xét tuyển thì phù hợp”.