Sân bay thuộc sư đoàn 371 (cạnh sân bay Nội Bài) những ngày cuối tháng 4 mát mẻ và trong lành sau nhiều ngày nắng gắt. Ngày 27/4, trời lộng gió như chiều lòng người, khi các cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam bắt đầu lên đường nhận nhiệm vụ tại “lục địa đen” - cách xa quê nhà hàng nghìn km.
Giọt nước mắt lau vội, những cái ôm ngọt ngào phút chia tay, lá cờ đỏ trong hành trang… khiến không khí ấm áp lạ thường. Nhiều sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam phải gửi con cho ông bà hoặc nhờ vợ "vừa làm bố, vừa làm mẹ chăm con" để lên đường làm nhiệm vụ ở châu Phi.
Trong số các quân nhân lên đường lần này có trường hợp đặc biệt là hai vợ chồng Trung úy Nguyễn Ánh Hồng và Thượng úy Vũ Anh Đức, chia tay con nhỏ và gia đình để cùng lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, đây là cặp đôi khá đặc biệt trong nhóm công tác lần này khi tuổi đời còn khá trẻ.
Trong khi những đồng đội nghẹn ngào chia tay gia đình, thì ở một góc sân bay, Trung úy Nguyễn Ánh Hồng và Thượng úy Vũ Anh Đức nắm chặt tay nhau đứng nhìn lòng không khỏi bồi hồi.
“Thật ra hôm nay chúng tôi cũng muốn gia đình lên chia tay nhưng do điều kiện dịch Covid-19 cần đảm bảo trước khi xuất quân để sang bên kia nên cũng động viên người thân và gia đình gọi điện thoại chia tay...”, anh Đức giãi bày.
Nói về lý do đặc biệt để hai vợ chồng cùng đăng ký thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, Thượng úy Đức cho biết, lúc đầu chỉ vợ có tên trong danh sách của bệnh viện dã chiến. Sau khi vợ về nói chuyện, tôi đã xung phong đi thực hiện nhiệm vụ lần này. “Một phần nữa là lo vợ đi một mình, đi có vợ có chồng thì đi sang bên kia để có gì cùng nương tựa, chăm nhau”, anh Đức cho biết.
Sau quyết định đó, chúng tôi sát cánh cùng nhau tập luyện trên thao trường. Những ngày miệt mài cùng các kíp phẫu thuật thực hiện “chay” các quy trình phẫu thuật, cấp cứu, chuyển thương, vật lý trị liệu theo tiêu chuẩn của Bệnh viện dã chiến cấp 2 mà Liên Hiệp Quốc đặt ra. Những tháng miệt mài cùng các giáo viên nước ngoài học tiếng Anh hay những đợt tập huấn chuyên môn do các chuyên gia của nhiều nước giảng dạy…
Chị Ánh Hồng xúc động nói về cậu con trai 4 tuổi – bé Vũ Hoàng Hải. Tuy còn nhỏ nhưng Hoàng Hải đã ý thức được công việc của bố mẹ, bé tỏ ra ngoan ngoãn, được ông bà ngoại chăm sóc tận tình nên hai vợ chồng cũng rất quyết tâm đi thực hiện nhiệm vụ đợt này. Bé con không quấn bố mẹ, một ngày chỉ cần nhìn thấy một lần hoặc nói chuyện qua facetime vài phút là yên tâm đi ngủ...
“Dù đã từng có khoảng thời gian xa bố mẹ 2-3 tháng nhưng xa lâu như lần đi làm nhiệm vụ này thì chưa. Đợt này có lẽ là xa nhất và lâu nhất, đây cũng là lần cho con trải nghiệm nhiều thử thách hơn khi không có bố mẹ bên cạnh” nữ quân y Nguyễn Ánh Hồng tâm sự.
Hậu phương, ‘nếp nhà’ vững chắc
Đứng cách đó không xa, Thiếu tá Phạm Văn Hùng cũng thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 bịn rịn chia tay vợ (chị Đặng Thị Phương Quỳnh) trước giờ lên đường. Không giấu nổi cảm xúc, chị Quỳnh bật khóc tựa vào vai chồng khi chỉ ít phút nữa anh sẽ lên máy bay C17, thực hiện nhiệm vụ ở một nơi mà trước đây anh chị chưa từng nghĩ đến.
“Mong anh chân cứng đá mềm yên tâm công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ở nhà không có anh, em sẽ thay phần anh để chăm sóc hai con”, chị Quỳnh nắm chặt tay anh dặn dò.
Nhớ lại khoảng thời gian phải suy nghĩ trước khi quyết định tham gia, Thiếu tá Hùng cho biết, cái khó của anh cũng là cái khó chung của rất nhiều anh chị em trong Bệnh viện dã chiến số 2 - đó là gánh nặng con cái, gia đình.
Nhưng bản thân có phần may mắn hơn khi hai con đã lớn và hiểu về công việc, nhiệm vụ của bố. “Các bạn nhỏ biết bố là bộ đội, lúc nào cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Các con còn động viên ngược lại tôi là bố yên tâm con ở nhà sẽ ngoan, nghe lời mẹ và ông bà...”, Thiếu tá Hùng tự hào.
Tình nguyện xung phong lên đường
Gương mặt sáng, nụ cười rạng rỡ, Thiếu úy Lê Diệu Hoa hào hứng trước giờ xuất quân, 28 tuổi xuân, nữ thiếu úy là một trong những người trẻ nhất trong nhóm quân y thuộc Đội Công binh số 1 xuất quân dịp này. Với quyết tâm, mong muốn cống hiến cho quân đội, cho đất nước, Thiếu úy Hoa đã tình nguyện xung phong lên đường và được chọn là một thành viên của Đội Công binh số 1. Nhiệm vụ của chị tại địa bàn phái bộ là chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Đội Công binh.
Khẳng định đây là niềm vinh dự rất lớn của mình, Thiếu úy Lê Diệu Hoa chia sẻ: “Đội Công binh số 1 được thành lập từ tháng 9/2021, cũng từ đó chúng tôi bắt đầu bước vào kỳ huấn luyện. Đến nay, sau nửa năm chúng tôi đã sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ với tinh thần hào hứng và rất quyết tâm.
Có thể những kiến thức, kỹ năng mà chúng tôi được tiếp nhận không bao giờ là đủ, khi sang địa bàn phái bộ cũng sẽ có những tình huống khó lường trước, song chúng tôi luôn cố gắng liên tục trau dồi kiến thức đầy đủ nhất, tùy cơ ứng biến để nỗ lực thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, với tinh thần tất cả đều không chùn bước”.
Là con gái lớn trong nhà, gia đình sinh sống ở Hà Nội, trước khi lên đường Thiếu úy Lê Diệu Hoa đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho bố mẹ nên gia đình không quá lo lắng mà hơn nữa rất tự hào vì con gái là một trong những người đại diện Việt Nam đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại một địa bàn xa xôi.
“Xa bố mẹ một năm, lúc chia tay tôi cũng khá quyến luyến, nhưng quan trọng trên hết vẫn là thực hiện nhiệm vụ”, Thiếu úy Hoa bày tỏ quyết tâm.
Sẵn sàng lên đường luôn là một ý niệm, quyết tâm thường trực trong suy nghĩ, trong huấn luyện, học tập của các sĩ quan gìn giữ hòa bình. Giây phút hồi hộp xen lẫn tự hào khi rời quê hương lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, những chiến sĩ bước ra đường băng vàng ruộm giữa trưa nắng, rải những bước chân vững chắc, tự tin cùng những cảm xúc thiêng liêng...
Trần Thường - Phạm Hải