Gần đây người thân của tôi thường xuyên đổ mồ hôi đêm, sốt cao nên đi khám phát hiện ung thư hạch. Xin bác sĩ tư vấn triệu chứng nào nên đi kiểm tra bệnh, ung thư hạch điều trị khó không? (Hoàng Hữu Bình, trú tại đường Cộng Hòa, TP.HCM)
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Quốc Trung, Khoa Hóa trị ung thư, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn:
Ung thư hạch do tổn thương tế bào lympho (tế bào máu). Ung thư hạch đứng thứ 14 trong các bệnh ung thư mắc phải, có hai loại lympho và không lympho. Ung thư hạch có thể xuất hiện thêm cơ quan ngoài hạch như đường tiêu hóa, mắt, vòm họng.
Nguyên nhân của bệnh chưa rõ ràng. Người ta đưa ra các yếu tố như đột biến gene, tiếp xúc môi trường độc hại, có hóa chất và tuổi tác. Người có hệ miễn dịch suy giảm, dùng thuốc ức chế miễn dịch tăng nguy cơ mắc hơn. Hiện nay, bệnh nhân ung thư hạch đến bệnh viện chủ yếu ở giai đoạn muộn.
Biểu hiện ung thư hạch khá rõ ràng. Người bệnh thường xuyên sốt 38 độ C, sụt cân bất thường trong 3-6 tháng, đổ mồ hôi đêm. Ở giai đoạn muộn bệnh nhân xuất hiện thêm dấu hiệu co giật, động kinh.
Nếu bạn phát hiện trên cơ thể có hạch. Bạn nên theo dõi vì hạch phản ứng sẽ đi liền các bệnh lý như viêm họng, nhiễm virus, đau răng. Hạch mất đi khi dấu hiệu trên khỏi. Bạn sốt cao liên tục mà không có lý do rõ ràng, hãy đến bệnh viện kiểm tra.
Còn hạch cảnh báo ung thư là hạch thường có kích thước to, nổi gồ lên trên bề mặt da, không di động, rắn cứng, xuất hiện thời gian trên một tháng. Khi đó, bạn cần nghĩ tới hạch do ung thư.
Ung thư hạch đang được điều trị bằng hóa chất, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích. Tùy từng giai đoạn, dạng bệnh bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị.
Để phòng ngừa ung thư hạch, người bệnh cần có chế độ ăn phù hợp, hạn chế các yếu tố nguy cơ như tiếp xúc hóa chất, bỏ thuốc lá, rượu bia, tái khám theo lời khuyên của bác sĩ.
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu GLOBOCAN trên toàn thế giới có khoảng nửa triệu người mắc ung thư hạch (510 bệnh nhân), tỷ lệ tử vong khoảng 50%. Tại Việt Nam, ung thư hạch đứng hàng thứ 14 trong các loại ung thư, gặp ở nam nhiều hơn nữ. Trung bình mỗi năm khoảng 3.000 ca mắc, hơn 2.000 ca tử vong. |