Thiếu vật tư, hóa chất xét nghiệm khiến không ít bác sĩ chua xót cho rằng sẽ phải "tay không bắt giặc". Có nơi, bệnh nhân phải tự mua dụng cụ, vật tư y tế để bác sĩ điều trị.
Cách đây 2 tuần, con trai anh Phương (quận Hà Đông, Hà Nội) bị gãy tay, phải vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ thông báo vì vướng mắc trong đấu thầu nên viện thiếu vật tư, không có bột để bó tay cho bé. “Gia đình phải tự mua bột ở chính trong quầy thuốc của bệnh viện để bác sĩ thực hiện”, anh Phương chia sẻ.
Trước Tết Nguyên đán, anh N.M.T, 18 tuổi, ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, bị tai nạn giao thông, phải ra Bệnh viện Việt Đức mổ lần 1. Chiều 3/3, anh tái khám ở khoa Phẫu thuật thần kinh 1 với hy vọng được mổ luôn trong những ngày tới. Tuy nhiên, bác sĩ thông báo chưa thể mổ ngay do phải xếp lịch, đồng thời khuyên anh nên về nhà chờ điện thoại vì “không biết đến khi nào mới mổ được”.
Không riêng anh T., những ngày qua, nhiều trường hợp khám tại Bệnh viện Việt Đức phải quay về nhà do cơ sở y tế này chỉ đủ hóa chất, vật tư dành cho bệnh nhân mổ cấp cứu.
Hiện bệnh viện này chia 3 nhóm bệnh nhân. Nhóm một là bệnh nhân cấp cứu không thể trì hoãn phẫu thuật. Thứ hai là nhóm bệnh nhân nặng cần mổ càng sớm càng tốt, các bác sĩ sẽ cân nhắc vì bệnh nhân nặng phải xét nghiệm rất nhiều lần, vật tư tiêu tốn bằng 3-4 bệnh nhân nhẹ. Thứ ba là nhóm bệnh nhân có thể trì hoãn được, bác sĩ giải thích, tư vấn, kê đơn thuốc uống, chờ ngày được mổ.
NHIỀU VIỆN CẦM CỰ, GỬI BỆNH NHÂN SANG NƠI KHÁC
Trao đổi với VietNamNet ngày 3/3, lãnh đạo hai bệnh viện hạng 1 của Hà Nội là Đức Giang và Hà Đông khẳng định tình trạng thiếu vật tư y tế, khó khăn trong đấu thầu mua sắm đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế. Tuy nhiên, ở bệnh viện tuyến dưới, tình trạng này đỡ nặng nề hơn các bệnh viện tuyến trên, hạng đặc biệt như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy...
"Nguyên nhân là viện gần như không có máy đặt, máy mượn hay các xét nghiệm chuyên sâu, độc quyền, hóa chất đi theo máy như các bệnh viện lớn", lãnh đạo Bệnh viện Đức Giang chia sẻ.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay cơ sở này vẫn duy trì những dịch vụ xét nghiệm cơ bản và các loại thuốc thiết yếu, song tình trạng khó khăn kéo dài sẽ khiến các thiết bị không còn sức tải. Viện phải dừng nhiều xét nghiệm chuyên sâu, chuyên khoa, hạn chế chỉ định trường hợp chưa thật cần thiết để dành cho bệnh nhân nặng, cấp cứu.
Một lãnh đạo khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc thiếu máy CT, MRI khiến nhiều bệnh nhân phải hẹn 4-5 ngày mới được chụp. Bệnh viện Bạch Mai phải chuyển không ít bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện các kỹ thuật hoặc điều trị chuyên sâu.
Tình trạng này cũng đang diễn ra ở một số viện khác. Thậm chí, một bác sĩ không muốn nêu tên chua xót cho rằng phải “tay không bắt giặc”.
"Một chẩn đoán không có xét nghiệm thì độ chính xác sẽ thấp đi. Bác sĩ phải tự bơi, thay vì có xét nghiệm hay các biện pháp cận lâm sàng khác hỗ trợ thì nay phải 'tay không bắt giặc'. Thuốc cũng vậy, không có thuốc tốt thì thay bằng thuốc khác, hiệu quả thấp đi. Hiểu nôm na là "không có gạo thì đành đào củ chuối ăn", vị bác sĩ này chia sẻ.
VƯỚNG MẮC KHÔNG CHỈ TỪ QUY ĐỊNH "3 BÁO GIÁ"
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, một trong hai vấn đề nóng của tình trạng thiếu thốn này có liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện giá của các gói thầu, các quy định liên quan đến "3 báo giá", quá trình triển khai Luật Đấu thầu, Nghị định 63, Nghị định 151 và Thông tư 68 của Bộ Tài chính.
Theo quy định trong Thông tư 68, giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất. Tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp không đủ 3 nhà cung cấp trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật công bố.
Ví dụ, tại Bệnh viện Bạch Mai, dự toán mua sắm vật tư can thiệp điện quang đã nhiều lần mời chào giá nhưng chỉ có 47/151 danh mục có 3 báo giá (tương đương gần 31%); 33 danh mục có kết quả đấu thầu trong thời gian 90 ngày.
Tương tự, chỉ 42/142 danh mục vật tư dùng cho chuyên khoa tiêu hóa mời chào có 3 báo giá (30%). Bệnh viện đang tiếp tục có thư mời thẩm định, hiện chưa đủ cơ sở phê duyệt lựa chọn nhà thầu.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cũng cho biết nếu tiếp tục chờ đợi 3 báo giá thì không thể xây dựng được giá gói thầu. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của bệnh viện vì không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán, không đủ vật tư y tế tiêu hao để điều trị.
Lãnh đạo một bệnh viện tuyến trung ương khác cho biết trong gói thầu vật tư mới nhất với gần 300 danh mục của viện này chỉ 50% trúng thầu. Số còn lại không thành công chủ yếu do không đủ 3 báo giá, dù đây là hình thức “dễ làm nhất” trong quá trình thực hiện giá của các gói thầu.
Trên thực tế, rất nhiều thuốc, vật tư chỉ có duy nhất một nhà phân phối độc quyền. Sự độc quyền đó do công nghệ cốt lõi của hãng sản xuất hoặc hóa chất “đóng” cho 1 loại máy (hoặc phương pháp xét nghiệm) có sẵn hoặc thuốc, vật tư còn trong thời hạn bản quyền nên không thể có 3 báo giá.
Tại một bệnh viện hạng 1 của Hà Nội, danh mục vật tư đấu thầu mua sắm có 1.200 loại. "Nghĩa là cần tới 3.600 báo giá, rất khó để lấy đủ, chưa kể việc quản lý chặt chẽ là không dễ", giám đốc bệnh viện cho biết.
Hiện viện này mới có khoảng 60-70% danh mục vật tư có đủ 3 báo giá theo quy định. Số chưa có đủ tập trung vào các hệ thống “máy đóng”, tức là hóa chất sử dụng theo loại máy của hãng sản xuất (độc quyền). Bệnh viện vẫn chật vật tìm đủ báo giá, đảm bảo duy trì tốt việc khám, chữa bệnh.
Ngoài vướng mắc về "3 báo giá", theo nhiều lãnh đạo bệnh viện, các quy định về thẩm định giá trong giai đoạn này cũng rất khó khăn, không đảm bảo chắc chắn về chất lượng, chưa kể những khó khăn khác trong tham khảo giá kê khai, giá trúng thầu của đơn vị khác...
Riêng về thẩm định giá, một lãnh đạo một bệnh viện tuyến trung ương nhận định giá cả thuốc, vật tư trên thế giới luôn biến động nên giá thẩm định tại thời điểm này không đúng cho thời điểm khác. Hơn nữa, các bệnh viện mua thuốc, vật tư giá bao nhiêu chỉ được thanh toán với bệnh nhân giá bấy nhiêu, hoàn toàn không có lãi suất. "Do vậy tiền thuê thẩm định phải rút từ quỹ tiền lương hoặc thu nhập của cán bộ y tế để chi. Điều này khiến các bệnh viện không mặn mà với việc thuê thẩm định", ông nói.
Trước ý kiến cho rằng việc các bệnh viện lớn lên tiếng về việc thiếu vật tư y tế vừa qua là "mặc cả đấu thầu", "coi thường tính mạng người bệnh", một bác sĩ khẳng định không có chuyện thầy thuốc "mang mạng sống bệnh nhân ra mặc cả chính sách". Đấu thầu không thành công, bác sĩ cũng chịu nhiều áp lực, không tập trung được vào chuyên môn do phải dành thời gian để tìm hiểu luật, tránh vướng vào pháp lý.
Vật tư y tế là khái niệm chung, bao gồm:
- Vật liệu tiêu hao dùng 1 lần (như găng tay, dây truyền dịch, ống thở, kim tiêm, hộp đựng thuốc…)
- Dụng cụ y tế (như ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế để khám bệnh
- Dao phẫu thuật, kéo, kẹp, kim phẫu thuật... hay các dụng cụ nội soi)
Nghe tin từ 1/3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) sẽ hạn chế mổ phiên, bà M. lo lắng không yên, giục con trai đang đi làm xa phải về đưa bà đi khám bệnh cột sống thắt lưng gấp...
Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thông báo, từ ngày 1/3, sẽ hạn chế mổ phiên và duy trì mổ cấp cứu do cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất trong khi không thể đấu thầu mua sắm bởi có nhiều vướng mắc về thủ tục.