Ngày 23/9, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn do đang trong mùa mưa.
Nữ bệnh nhân 61 tuổi, ở huyện Nam Trực ( Nam Định), được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bàn chân phải sưng nề, ngón chân thâm đen có nguy cơ hoại tử. Bà cho biết thời điểm bị rắn cắn là lúc đang đứng nấu cơm. Khi vừa bật bếp ga ít phút, bà bỗng thấy đau nhói ở ngón chân. Nhìn xuống, bà thấy con rắn màu đen bằng ngón tay cái ở sàn nhà. Bà gọi chồng vào đập chết con vật.
Bệnh nhân được đưa tới bệnh viện tỉnh sau đó chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ đã tiến hành truyền huyết thanh kháng nọc rắn độc. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe nữ bệnh nhân ổn định hơn nhưng ngón chân bị rắn cắn có nguy cơ hoại tử, phải cắt bỏ.
Trong tuần qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục ca bị rắn cắn. Các bệnh nhân đến trong tình trạng tổn thương tại chỗ, vết cắn sưng nề, hoại tử vùng bị cắn... Có trường hợp bị rắn hổ mang cắn gây liệt cơ thể, rối loạn đông máu, phải thở máy, điều trị tích cực.
Bác sĩ Lê Quang Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rắn độc chủ yếu gồm hai nhóm. Thứ nhất là các loài rắn lục, lục xanh đuôi đỏ, khô mọc. Thứ hai, rắn hổ mang bao gồm hổ mang bành, hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia. Các loại rắn này nếu cắn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Rắn hổ mang vẫn là loài đáng sợ nhất do có thể gây hoại tử ngay lập tức bộ phận bị cắn.
Theo bác sĩ Thuận, khi bị rắn cắn không được đắp thuốc nam. Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu kịp thời.