Ông Hiroyoshi Kajiyama, Quản lý Phòng Kinh doanh quốc tế (Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Tokyo), đã nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản sang xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Ông vừa có cuộc trò chuyện với PV VietNamNet về mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt - Nhật trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Với công nghệ mới, Việt Nam ứng dụng được ngay lập tức
- Trong lĩnh vực gia công phần mềm, nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt được đánh giá là đối tác yêu thích hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản. Với mảng công nghiệp phụ trợ thì sao, thưa ông?
Ông Hiroyoshi Kajiyama: Đúng là về mảng công nghệ, Việt Nam đang đứng đầu danh sách đối tác yêu thích của các doanh nghiệp Nhật Bản. Việt Nam có Tập đoàn FPT rất lớn đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Nhật, đặc biệt là mảng đào tạo nguồn nhân lực liên quan tới công nghệ thông tin (IT). Không chỉ Nhật, các quốc gia khác cũng đánh giá rất cao Việt Nam về nguồn nhân lực IT chất lượng cao.
Nhưng với ngành công nghiệp phụ trợ, khó để đánh giá Việt Nam đứng ở vị trí nào trong lòng doanh nghiệp Nhật. Chúng tôi chưa có khảo sát cụ thể, nhưng có thể cảm nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam. Mỗi lần chúng tôi tổ chức hội thảo liên quan đến đầu tư vào Việt Nam, bao giờ số lượng doanh nghiệp đăng ký cũng rất đông.
Về cơ bản, tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp Nhật đang đầu tư vào Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam có sức hút trong mảng công nghiệp phụ trợ.
- Theo ông, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có điểm tương đồng và khác biệt gì so với doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản?
Điểm chung lớn nhất là chúng ta có những con người chăm chỉ và cần cù. Ưu điểm của người Việt Nam là rất chăm chỉ. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp Nhật muốn xây dựng nhà máy và bán sản phẩm tại Việt Nam.
Về điểm khác biệt, tôi thấy tỷ lệ nhảy việc của các doanh nghiệp Nhật Bản thấp hơn Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản thường chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh của công ty với nhân viên; mọi người thấu hiểu công ty thì mới làm, một khi đã làm thì rất gắn bó. Còn tại doanh nghiệp Việt Nam tỷ lệ nhảy việc của nhân viên cao hơn, có thể do phần chia sẻ chưa tốt.
- Còn về khả năng tiếp nhận công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số như AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain (công nghệ chuỗi khối)... để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh?
Cũng có sự khác biệt đấy (cười).
Doanh nghiệp Nhật Bản phát triển rất lâu rồi. Chúng tôi có cơ sở hạ tầng vững chắc, hình thành hàng chục năm nay. Khi có công nghệ mới, chúng tôi không dễ dàng phá bỏ hoàn toàn nền tảng đó để ứng dụng cái mới, nên tốc độ ứng dụng công nghệ mới chỉ từng bước một, hơi chậm một chút so với nhiều quốc gia khác.
Việt Nam về cơ bản cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nên khi có công nghệ mới ngay lập tức ứng dụng được, do đó tốc độ nhanh hơn so với Nhật Bản. Đây là điểm khác biệt nhất của doanh nghiệp hai nước.
- Có doanh nghiệp Việt nào gây ấn tượng đặc biệt đối với ông hay không?
Rất nhiều công ty Việt Nam gây ấn tượng tốt với chúng tôi. Ví dụ như Intech, luôn linh hoạt đáp ứng rất nhanh các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi thấy rất tuyệt vời khi làm việc với Intech.
Công nghiệp phụ trợ: Việt Nam vẫn đang sản xuất hàng loạt
- Trong mảng công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp Việt có thể học hỏi được gì từ doanh nghiệp Nhật?
Ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam nói riêng, khu vực ASEAN nói chung đang trong giai đoạn sản xuất hàng loạt. Nhưng chắc chắn khi thị trường phát triển, thị trường bão hòa thì không thể sản xuất hàng loạt được nữa; sẽ phải chuyển sang giai đoạn sản xuất số lượng ít nhưng đa chủng loại.
Rất nhiều vấn đề doanh nghiệp Việt có thể đối mặt trong tương lai lại là những vấn đề doanh nghiệp Nhật đã trải qua. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đó.
Tất nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lựa chọn đối tác, bên cạnh Nhật Bản còn có Trung Quốc, Hàn Quốc... Nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thế mạnh về kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được trong ngành công nghiệp phụ trợ.
- Các ông có nghĩ tới chuyện hợp tác với doanh nghiệp Việt tạo liên minh để cùng chinh phục những thị trường khác hay không?
Khi chọn việc liên minh hợp tác hoặc mở nhà máy tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng hy vọng lấy Việt Nam làm nền tảng, từ đó triển khai sang các thị trường Đông Nam Á.
- Ông đánh giá thế nào về xu hướng các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Nhật Bản sẽ lựa chọn Việt Nam làm “điểm đến” trong thời gian tới?
Gần đây, nhiều quốc gia, doanh nghiệp lớn trên thế giới chọn Việt Nam làm địa điểm để chuyển dịch cơ sở sản xuất. Một trong những lý do bởi Việt Nam nằm rất gần Trung Quốc. Về cơ bản, nguồn cung ứng nguyên vật liệu và linh kiện cho ngành phần lớn vẫn từ thị trường Trung Quốc. Nếu cần nguyên vật liệu, việc chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ rất thuận tiện.
Lý do quan trọng khác nữa là tình hình chính trị ổn định của Việt Nam. Khi kinh doanh ở một số quốc gia, doanh nghiệp Nhật Bản có mối lo rất lớn: Chính phủ có thể bất ngờ thay đổi chính sách, khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động, rất rủi ro. Các doanh nghiệp muốn tìm quốc gia khác an toàn hơn. Việt Nam là một lựa chọn.
Tuy nhiên, đồng yên đang sụt giá, khiến nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài phải nhìn trước ngó sau rồi mới đưa ra quyết định.
Khi đầu tư ra nước ngoài, chi phí là một trong những yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp phải đánh giá tổng quan cả loạt yếu tố trước khi lựa chọn địa điểm chuyển dịch sản xuất phù hợp.
- Để đôi bên cùng có lợi trong mối quan hệ hợp tác doanh nghiệp hai nước Việt - Nhật, ông muốn nhắn nhủ điều gì tới các doanh nghiệp Việt Nam?
Mỗi doanh nghiệp Nhật Bản trong từng ngành nghề khác nhau sẽ có mong muốn, kỳ vọng khác nhau đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, thời đại kinh doanh chỉ dựa trên lợi thế chi phí rẻ đã kết thúc.
Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn coi doanh nghiệp Việt Nam là một trong những đối tác, chứ không chỉ đơn giản là nơi sản xuất sản phẩm, xuất hàng xong là hết chuyện. Nếu có thể, chúng ta hãy xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau để hướng tới tầm nhìn dài hạn hơn.
- Xin cảm ơn ông!