Theo lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội, con rươi thuộc sinh vật nhuyễn thể, thuộc họ giun nhưng lại có nhiều lông. Rươi sống ở môi trường nước tự nhiên xuất hiện vào cuối thu đầu đông ở vùng cửa sông, ven biển các tỉnh Bắc Bộ như Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg. Người dân coi đây là đặc sản. Rươi ngon nhất khi được thu hoạch vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11 Dương lịch. Người xưa đã đúc kết thời điểm rươi ngon, béo nhất là "Tháng chín đôi mươi - tháng mười mùng năm".
Rươi được nhiều bà nội trợ mua về làm các món như chả rươi, rươi rang muối, rươi kho riềng. Người ta coi đây là đặc sản vì ngoài hương vị ngon, rươi chỉ xuất hiện ngắn ngày, theo mùa vụ. Tuy nhiên, rươi cũng là thực phẩm gây sợ hãi cho nhiều người.
Rươi có hàm lượng đạm giống như lươn, chạch, có tác dụng chống oxy hóa. Protein trong rươi dễ hấp thụ hơn trong thịt. Trong 100g rươi có 82% nước, 14% protein, 4% lipid. 100g rươi cung cấp khoảng 90 calo cao hơn so với các thực phẩm thường dùng khác. Nhiều người dùng rươi để tẩm bổ.
Trong Đông y, rươi còn là bài thuốc chữa một số bệnh như suy nhược cơ thể, suy giảm miễn dịch. Dược tính của rươi có tác dụng nhiều hơn khi dùng chung vỏ quýt. Vì vậy, làm chả rươi người dân sử dụng thêm vỏ quýt.
Vỏ quýt có tính ấm, vị cay, mùi thơm. Tinh dầu trong vỏ quýt có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn E. coli, Salmonella có thể nhiễm từ môi trường sống của rươi. Vi khuẩn này gây kích ứng cho cơ thể, tiêu chảy, ngộ độc. Vỏ quýt cũng giúp cho hệ tiêu hóa thông khí, làm ấm dạ dày. Tuy nhiên, bạn chỉ sử dụng lượng vỏ quýt vừa đủ, nếu dùng nhiều có thể khiến món ăn bị đắng, hăng.
Những người không nên ăn rươi
Theo lương y Sáng, rươi ngon nhưng không phải là món ăn dành cho tất cả mọi người. Những nhóm người sau đây không nên ăn rươi.
Thứ nhất, người có cơ địa dị ứng tôm cua, mực, nhộng, phấn hoa cẩn trọng khi ăn rươi. Người từng dị ứng rươi tuyệt đối không ăn lại. Người chưa ăn rươi bao giờ nên thử ăn ít để hệ tiêu hóa thích ứng. Rươi giàu protein dễ gây dị ứng, nổi mề đay, đau đầu, choáng váng thậm chí sốc phản vệ.
Thứ hai, người có bệnh lý gan, thận, người suy thận độ 1, độ 2 nếu ăn rươi có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Thứ ba, người đang có bệnh lý về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, mới bị ngộ độc thực phẩm cẩn trọng khi ăn rươi.
Thứ tư, người già, phụ nữ mang thai và trẻ em không nên ăn rươi. Do rươi gây khó tiêu, protein của rươi khác với trong thịt, cá thông thường. Rươi còn dễ nhiễm vi sinh vật nếu chế biến sai gây tiêu chảy, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Khi mua rươi cần mua con còn sống, không ăn loại đã chết; bảo quản cấp đông đúng nhiệt độ, không bảo quản quá lâu. Rửa thật sạch, khuấy nhẹ tránh rươi dập, vỡ. Nấu nước khoảng 40-50 độ C thả rươi vào để rươi rụng lông, chân sau đó vớt ra để ráo nước rồi chế biến làm chả và các món khác.