Ngày 6/6, tại phiên chất vấn các vấn đề thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc "chia lửa" cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về một số vấn đề thu sai BHXH, hỗ trợ người lao động khó khăn.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhắc lại kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị cử tri của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua báo cáo tại kỳ họp Quốc hội về việc tại nhiều địa phương đã có tình trạng thu BHXH bắt buộc đối với các đối tượng là chủ hộ kinh doanh cá thể, trong khi họ không thuộc diện đóng BHXH theo luật định.
Điều đó cho thấy, cơ quan BHXH đã thực hiện không đúng với quy định của pháp luật và gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đối tượng có liên quan.
Quan điểm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã xác định ưu tiên về lợi ích của người dân là hàng đầu và cũng mong rằng sắp tới Quốc hội sẽ sửa đổi Luật BHXH.
“Tuy nhiên, tôi cũng như các cử tri cho rằng vấn đề này đặt ra không đúng quy định của pháp luật mà vẫn thu bảo hiểm sai đối tượng trong một thời gian dài, có đối tượng đã phải đóng trong gần khoảng 20 năm. Có tiêu cực trong việc thu BHXH hay không và Bộ trưởng cho biết trách nhiệm vấn đề này thuộc về cơ quan nào, hướng xử lý sai phạm trong thời gian tới, có lộ trình cụ thể như thế nào để việc giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân giải quyết đến nơi đến chốn?”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đặt vấn đề.
Quy định của pháp luật vẫn bị vướng
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói về vấn đề trách nhiệm của BHXH Việt Nam trong việc thu không đúng đối tượng và giải quyết những vấn đề sai sót trong việc đã thu của các chủ hộ kinh doanh, giải pháp hiện nay như thế nào.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003 có chủ trương mở rộng bao phủ BHXH, 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 - 2016 thì dừng. Sau khi chủ trương này dừng lại, 1.332 cá nhân vẫn nộp tiếp đến năm 2020 mới dừng hẳn.
“Ở đây về mặt bản chất và đạo lý thì không có gì sai, nhưng về quy định của pháp luật vẫn bị vướng ở chỗ là quy định của pháp luật BHXH phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm”, ông Phớc giải thích.
Tuy nhiên, vấn đề là các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết mà chỉ có hợp đồng với những nhân viên của họ. Các nhân viên này được nộp BHXH bắt buộc nhưng chủ hộ kinh doanh thì không có hợp đồng với ai nên không được nộp bảo hiểm...
Từ đó, Bộ Tài chính trao đổi với Bộ LĐ-TB&XH làm thế nào đến sửa Luật BHXH tới đây cho phép những chủ hộ kinh doanh được tham gia BHXH bắt buộc vì chủ hộ cũng vừa là người lao động và vừa là người có thu nhập.
Tiếp tục dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động
Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang), đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cùng quan tâm đến việc xem xét thành lập Quỹ hỗ trợ nguồn ngân sách, gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tương tự như chính sách hỗ trợ lao động trong đại dịch Covid-19 để giúp người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Vấn đề này cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Bộ trưởng Tài chính trả lời.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021 Bộ Tài chính đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 47.356 tỷ đồng hỗ trợ người lao động bị Covid-19. Trong đó quỹ dành cho những đối tượng ảnh hưởng dịch là 30.800 tỷ đồng.
Năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn này để trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội chi khoảng 23.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
“Như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỷ đồng. Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội để thấy rằng BHXH cũng như Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn khó khăn để có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.