Mới đây, khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhất trí việc sửa đổi hai luật này, bởi sẽ tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, làm việc, sinh sống. Bộ trưởng đánh giá, xu thế công dân ra nước ngoài ngày càng đông, người đi học tập rồi người lao động sau đại dịch Covid-19 bắt đầu tăng trở lại.
Ngoài ra, Bộ trưởng nhìn nhận, kinh tế đất nước rất mở vì vậy cũng có nhiều người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để sinh sống, làm việc, du lịch...
Bộ trưởng bày tỏ sự ủng hộ việc mở rộng visa điện tử, đặc biệt khi nước ta đang trong quá trình chuyển đổi số. Hiện các nước cũng đang mở rộng diện cấp visa điện tử, tạo điều kiện cho công dân khắp nơi trên thế giới.
"Hiện nay Việt Nam đang cấp visa điện tử cho khoảng 80 nước, sau khi sửa luật và thông qua thì chúng ta sẽ mở rộng gần như hết tất cả các nước trên thế giới", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao cũng đồng tình với quy định nâng thời hạn visa lên 3 tháng, có giá trị nhiều lần, rồi tăng thời hạn cư trú đối với người nhập cảnh thuộc diện đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày.
Bộ trưởng lý giải, ở các nước thiếu lao động, muốn thu hút khách du lịch thì bao giờ cũng điều chỉnh chính sách nhập cư. Ông dẫn chứng ở Canada, nếu có con học bên đó thì phía Canada sẵn sàng cấp visa dài hạn để người thân có thể qua lại nhiều lần, các nước khác cũng vậy.
Nói lợi ích của việc này, Bộ trưởng cho biết khi nới thời gian lưu trú và visa thì khách nước ngoài sẽ có nhiều thời gian ở Việt Nam hơn. Ông Bùi Thanh Sơn một lần nữa khẳng định những điều chỉnh này là kịp thời và đúng xu thế.
Về dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng đề nghị sửa đổi cho phép các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được quyền quyết định cấp visa cho một số trường hợp đối ngoại cần thiết hoặc khẩn cấp. Tuy nhiên việc cấp này vẫn tuân theo nguyên tắc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải tự chịu trách nhiệm và phải thông báo cho Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an).
"Trước đây, chúng ta cho phép các cơ quan đại diện được phép cấp thị thực ủy quyền của Cục xuất nhập cảnh. Tức là trong trường hợp rất đặc biệt nhưng diện rất hẹp và phải có sự bảo lãnh của Bộ Ngoại giao các nước", Bộ trưởng phân tích.
Nước ta mở rộng quan hệ quốc tế có những trường hợp rất đặc biệt, ví dụ như khẩn cấp hỗ trợ nhân đạo, viện trợ, hay đột xuất sát ngày mới xin visa, nếu làm theo đúng quy trình thì sẽ rất lâu.
Mở rộng các nước nhiều nhất có thể
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (TP Cần Thơ) cho rằng, việc thay đổi chính sách visa tới giờ mới làm là muộn, thay đổi sớm thì tốt hơn.
Ông nêu thực tế, năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19, Việt Nam đạt 19 triệu khách quốc tế, trong khi đó Thái Lan là 25 triệu. Năm 2022 Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi sau dịch rất lớn là 5 triệu khách quốc tế, kết quả chỉ đạt 60%. Nhưng Thái Lan đạt 11 triệu, Malaysia hơn 9 triệu. Tức là phục hồi du lịch của Việt Nam rất chậm.
Ngay từ năm ngoái Thái Lan có nhiều chính sách gia hạn visa, kéo dài thời gian lưu trú hay tạo điều kiện cho khách nhập cảnh qua hình thức trực tuyến… trong khi Việt Nam chưa triển khai được những việc này.
3 tháng đầu năm nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu khách du lịch quốc tế, nhưng mục tiêu 8 triệu khách năm nay là thách thức.
Ông Hùng phân tích: “Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khoá để Việt Nam phục hồi tốt hơn, du lịch Việt cất cánh vì xét về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên không kém gì các nước láng giềng, tại sao du lịch Việt Nam có khoảng cách xa như vậy với các nước xung quanh?”.
Dự án luật giao Chính phủ sẽ quy định chi tiết danh sách các nước được mở rộng thời gian lưu trú, đăng ký visa trực tuyến. Ông Hùng đề nghị “mở rộng nhiều nhất có thể các nước được áp dụng quy định này”.
Trong khi đó, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội trước khi thông qua các nước sẽ được cấp visa điện tử, để ĐB báo cáo cử tri. Bà cho biết, Bộ Công an và các bộ ngành phải thống nhất trình Chính phủ phê duyệt danh sách này.